Trước đó, PGBank được cho là sẽ về một nhà với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank (CTG). Hai bên đã có quá trình đàm phán nhiều năm, thậm chí đã tiến tới ký kết Hồ sơ sáp nhập theo phê duyệt của ĐHĐCĐ Vietinbank năm 2015 .
Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2017 công bố mới đây của Vietinbank đã có câu trả lời về thương vụ sáp nhập này.
Vietinbank dừng giao dịch sáp nhập với PGBank
Vietinbank cho biết tính tới thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017, sau gần 2 năm đàm phán về việc sáp nhập, ngân hàng này và PGBank đã chính thức có thỏa thuận tạm dừng giao dịch sáp nhập.Cả 2 ngân hàng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền của mỗi bên, để phê duyệt chấm dứt giao dịch sáp nhập.
Trước đó, PGBank có thông báo tổ chức họp ĐHCĐ bất thường, để thông qua phương án tái cơ cấu ngân hàng.
Tại ĐHĐCĐ mới đây của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), trả lời câu hỏi của các cổ đông về việc sáp nhập với một ngân hàng, Tổng giám đốc MBBank, ông Lưu Trung Thái cho biết nhà băng này đang nghiên cứu việc sáp nhập một số đơn vị, trong đó có Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Tuy nhiên, lãnh đạo này cũng khẳng định mới chỉ đang trong quá trình đàm phán và trao đổi sâu giữa 2 bên.
“Chưa có một thỏa thuận cuối cùng nào được công bố, nên ban lãnh đạo xin phép tiếp tục đánh giá, và sẽ tiến hành các thủ tục nếu có các thỏa thuận chính thức”, ông Thái cho hay.
Ông Lê Hữu Đức - Chủ tịch HĐQT MBBank, cũng khẳng định trong giai đoạn 2017-2021, ngân hàng có thể sẽ mua bán sáp nhập với một ngân hàng khác để tăng quy mô, nếu phù hợp và hiệu quả.
Câu chuyện sáp nhập PGBank đã bắt đầu từ năm 2013, khi có nhiều ngân hàng lớn "dòm ngó" và thể hiện ý muốn sáp nhập nhà băng này vào hệ thống, trong đó nổi bật nhất là Vietinbank. Hai ngân hàng cũng đã gửi tới cổ đông tờ trình kế hoạch sáp nhập, với tỷ lệ 1:0,9. Các cổ đông hai bên cũng đã đồng thuận và ủy quyền cho HĐQT đàm phán về thời gian cũng như các thủ tục sáp nhập.
Vietinbank có quyền lợi, nghĩa vụ trong vụ án Huyền Như
Trong báo cáo tài chính kiểm toán mới công bố của Vietinbank, kiểm toán viên cũng đề cập tới các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của ngân hàng này trong đại án Huỳnh Thị Huyền Như.
Theo đó, tính đến hết năm 2017, Vietinbank đang là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn (nguyên là nhân viên của Chi nhánh TP.HCM và Chi nhánh Nhà Bè) chiếm đoạt tài sản.
Theo Bản án sơ thẩm, Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn phải liên đới bồi thường cho Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Hưng Yên số tiền 200 tỷ đồng, cá nhân Huyền Như phải bồi thường 885 tỷ cho nhóm 4 công ty.
Tuy nhiên, kiểm toán viên cũng cho biết vụ án đang được các cơ quan tiến hành xét xử theo quy định của pháp luật. Do đó, trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý của các bên liên quan trong vụ án sẽ chỉ được xác định sau khi có phán quyết cụ thể bằng bản án đã có hiệu lực.
Dựa trên kết quả của các thủ tục đối chiếu, rà soát và kiểm tra nội bộ đã thực hiện đến thời điểm lập báo cáo (28/3), Ban điều hành của Vietinbank tin rằng ngân hàng sẽ không phải chịu trách nhiệm liên đới và bất kỳ tổn thất tài chính nào liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân trong vụ án Huyền Như.
Ngoài hé lộ về thương vụ sáp nhập với PGBank và vụ án Huyền Như, báo cáo kiểm toán của Vietinbank cũng cho biết nhà băng đẩy mạnh mua lại nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, Vietinbank chỉ còn 2.472 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC, giảm mạnh so với mức 9.156 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong khi đó, tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng đến cuối kỳ đạt 9.011 tỷ đồng, tăng 2.028 tỷ đồng so với đầu năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,14% tổng dư nợ cuối kỳ.
Theo Hoàng Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)