LS kiến nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung
Theo LS Nguyễn Duy Bình (Đoàn LS TP.HCM), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Hồng Sơn - nguyên Phó Giám đốc NaviBank và bị cáo Huỳnh Vĩnh Phát - nguyên Trưởng phòng kế toán, trước và sau khi ký hợp đồng gửi tiền với VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM, các cán bộ, nhân viên NaviBank không gặp, không quen biết Huyền Như mà mọi thủ tục đều thông qua người trung gian Võ Anh Tuấn - Phó Giám đốc chi nhánh VietinBank Nhà Bè để bàn bạc, thoả thuận việc gửi tiền hưởng lãi suất cao.
Tại phiên toà, các bị cáo khai không biết Huyền Như kết hợp với Võ Anh Tuấn huy động tiền gửi. Bị cáo chỉ biết VietinBank huy động tiền gửi và thoả thuận với đại diện có thẩm quyền của VietinBank chi nhánh Nhà Bè là ông Tuấn.
"Kết luận điều tra và cáo trạng cho rằng Huyền Như thực hiện các thủ đoạn, hành vi lừa đảo NaviBank ngay từ giai đoạn huy động vốn, còn Vietinbank không phải chịu trách nhiệm là không đúng. Căn cứ vào tài liệu của vụ án trước theo bản án 02.2015 của TAND Cấp cao cũng như lời khai của Huyền Như và Anh Tuấn chưa có cơ sở nào chứng minh việc Huyền Như lừa đảo là sự thật. Lẽ ra, tại phần xét hỏi, tôi đã đề nghị HĐXX cho đối chất những tình tiết này nhưng bị chủ toạ cắt đứt", LS này nói.
LS bào chữa cũng cho rằng, tại giai đoạn gửi tiền này (tức gửi vào VietinBank Nhà Bè), phía NaviBank có sơ suất là không trực tiếp đến trụ sở VietinBank Nhà Bè ký hợp đồng và nhận bản chính lưu giữ. Nhưng sơ suất này không phải là lỗi dẫn đến mất tiền. Lỗi để mất hồ sơ phải là của Võ Anh Tuấn lúc đó là đại diện cho VietinBank chi nhánh Nhà Bè khi cấu kết với Huyền Như hoặc để cho Huyền Như lợi dụng. Chính vì vậy, cáo trạng cho rằng Huyền Như đã lợi dụng sơ hở của NaviBank để làm giả hồ sơ nhằm chiếm đoạt tiền gửi là chưa chính xác.
Theo LS Bình, cáo trạng nêu Huyền Như trả lãi chênh lệch, hoa hồng cho NaviBank là không chính xác, gây hiểu nhầm, ảnh hưởng đến bản chất vụ việc, gây hiểu nhầm phía NaviBank tham lãi cao do Huyền Như chi trả nên mới bị lừa.
"Căn cứ vào hồ sơ vụ án cho thấy giai đoạn gửi tiền ở VietinBank Nhà Bè đã tất toán xong, không gây thiệt hại thì không thể bị truy cứu trách nhiệm. Vì tội danh “Cố ý làm trái” bắt buộc phải dẫn đến hậu quả thiệt hại nghiêm trọng mới bị xử lý", LS Bình giải thích.
Theo diễn biến, thời gian sau, Võ Anh Tuấn chuyển từ VietinBank chi nhánh Nhà Bè lên chi nhánh TP.HCM nên Tuấn đề nghị phía NaviBank rút 500 tỷ đồng này về trước hạn từ chi nhánh Nhà Bè gửi vào chi nhánh TP.HCM nhằm lập thành tích.
LS Bình lập luận, khi gửi 500 tỷ đồng vào VietinBank chi nhánh TP.HCM, 4 nhân viên NaviBank đi cùng với bị cáo Luật trực tiếp ký 18 hợp đồng với bà Hương - Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM tại trụ sở VietinBank. Ngay sau khi ký hợp đồng bà Hương giao 18 hợp đồng này cho Phòng giao dịch Điện Biên Phủ do Huyền Như quyền trưởng phòng thực hiện những khâu tiếp theo. Tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ, nhân viên NaviBank mới lần đầu gặp Huyền Như và mở tài khoản. NaviBank chuyển khoản 500 tỷ đồng qua tài khoản của VietinBank chi nhánh TP.HCM được mở theo đúng quy định. Sau đó Huyền Như và các cán bộ nhân viên khác đã lợi dụng quyền hạn của mình, tự làm giả lệnh chi và chuyển tiền ra khỏi tài khoản của các nhân viên Navibank cho một số đơn vị, cá nhân khác, VietinBank chi nhánh TP.HCM không giám sát, kiểm tra.
Như vậy, LS bào chữa cho rằng, VietinBank chi nhánh TP.HCM phải chịu trách nhiệm về hành vi của cán bộ, nhân viên của mình gây ra và có trách nhiệm khi làm mất tiền gửi của nhân viên NaviBank. "Việc cơ quan điều tra kết luận ban giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM chỉ có sai sót nhỏ và đề nghị xử phạt hành chính là có dấu hiệu bao che, bỏ lọt tội phạm và từ đó tạo điều kiện cho họ né bỏ trách nhiệm của mình", LS Bình nhấn mạnh.
Về hành vi của các bị cáo, LS Bình nêu quan điểm, các bị cáo tuy có sai sót khi cho nhân viên vay tiền nhưng hành vi này không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả mất tiền trong tài khoản tiền gửi tại VietinBank chi nhánh TP.HCM. Nguyên nhân mất tiền trong tài khoản là do hành vi dùng thủ đoạn của Huyền Như rút tiền từ tài khoản của nhân viên NaviBank đã gửi hoàn tất thủ tục gửi tiền vào VietinBank và do VietinBank quản lý.
Từ những cơ sở trên, LS Bình cho rằng kết tội Huyền Như “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là thiếu chính xác. Tội của Huyền Như phải là tội tham ô. Việc kết tội sai kéo theo cả một khối hệ luỵ, hậu quả là 10 bị cáo bị truy tố, xét xử có dấu hiệu oan sai. Vì vậy, HĐXX cần kiến nghị xem xét tái thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà Huyền Như bị tuyên án chung thân.
"Tôi nhận thấy 10 bị cáo nói chung và 2 thân chủ của tôi nói riêng không có hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, vì hiện còn vướng bản án có 02/2015 đã có hiệu lực và quá trình điều tra có một số vi phạm, một số chi tiết chưa được chứng minh nên tôi đề nghị HĐXX tuyên trả hồ sơ tiếp tục điều tra bổ sung có một quyết định chính xác nhất, tránh làm oan người vô tội", LS Bình nói.
Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố
Đại diện VKS cho rằng NaviBank không thực hiện việc gửi tiền vào VietinBank theo hình thức liên ngân hàng. Nếu gửi liên ngân hàng thì phải thực hiện tại hội sở, lãi suất không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản cùng thời kỳ, đươc sự giám sát của NHNN.
Vì thế, Navibank đã chuyển sang gửi tiền tại VietinBank thông qua cho vay nhân viên rồi gửi tiền lấy lãi suất cao. Khi bị cáo thực hiện việc này, tất nhiên không mong muốn hậu quả bị chiếm đoạt, tuy nhiên hậu quả đã có. Hậu quả của tội "Cố ý làm trái" và thiệt hại số tiền 200 tỷ đồng. Vì thế, ý của LS cho rằng các bị cáo không vi phạm quy định về quản lý ngân hàng bị VKS bác bỏ.
Về thiệt hại 200 tỷ đồng ở bản án hình sự phúc thẩm 02.2015 tuyên Huyền Như phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà luật sư nói VKS đang cố áp đặt thiệt hại cho phiên tòa đang xử này, VKS cho rằng bản án này đã có hiệu lực, đến nay không có ý kiến.
Về khoản tiền mà các luật sư nói còn 300 triệu đồng trên tài khoản 200 tỷ đồng được xác định bị chiếm đoạt tại VietinBank chi nhánh Nhà Bè, sau đó gửi tiền tại VietinBank chi nhánh TP.HCM để che giấu, theo VKS đã được giải quyết tại bản án phúc thẩm 02.2015.
Huyền Như chiếm đoạt tiền tại VietinBank chi nhánh Nhà Bè hay chi nhánh TP.HCM? VKS khẳng định Huyền Như chuyển tiền vào tài khoản nhân viên NaviBank là từ nguồn tiền chiếm đoạt khác. Khi tiền chuyển vào VietinBank Huyền Như lại tiếp tục chiếm đoạt tiền. Vậy số tiền chiếm đoạt là tại VietinBank chi nhánh Nhà Bè chứ không phải ở chi nhánh TP.HCM. Việc cáo trạng và kết luận điều tra có mâu thuẫn chỉ là thiếu sót nhỏ.
Những vấn đề đối đáp này, các luật sư nói rằng VKS đang cố tình né tránh, chưa đề cập cụ thể nên các luật sư yêu cầu làm rõ đến cùng. Tuy nhiên, phía VKS quyết “bảo lưu quan điểm không tranh luận”.
Theo Lý Tín (Dân Việt)