Thanh tra Chính phủ chỉ ra những vi phạm nghiêm trọng của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trong quản lý, sử dụng vốn, hạch toán chi phí sai so với thực tế... khiến công ty thành viên và thương nhân đầu mối hưởng lợi trong khi người tiêu dùng thiệt thòi.
Petrolimex đã có văn bản báo cáo Chính phủ về một số kết luận cần được xem xét thêm |
Dù kết luận của Thanh tra Chính phủ về Petrolimex chưa được công bố chính thức, song với những gì thanh tra chỉ ra, trong vi phạm đó, đứng ở góc độ chuyên gia khi nhìn lại, tôi đặt câu hỏi: Cơ quan chức năng ở đây đã làm tròn vai của mình chưa để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng trong việc định giá cơ sở xăng dầu bấy lâu nay?
Thị trường xăng dầu của nước ta hiện nay, Petrolimex vẫn giữ vị trí thống lĩnh thị trường (chiếm trên 47% thị phần). Giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường do Nhà nước quyết định. Theo Nghị định 84/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Nhà nước xác định giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ trên thị trường xăng dầu hiện nay.
Thế nhưng, những vi phạm có liên quan đến việc hình thành giá cơ sở xăng dầu mà Thanh tra Chính phủ đã nêu cho thấy, cơ quan chức năng đã dựa vào thông tin của Petrolimex để xác định giá cơ sở là chưa làm tròn vai của mình trong công tác quản lý giá được Nhà nước giao.
Giá cơ sở được hình thành từ 9 yếu tố. Để xác định giá cơ sở một cách chuẩn xác, cơ quan chức năng cần phải xác định độc lập, tính đúng, tính đủ từng yếu tố trong cấu thành giá cơ sở. Giá CIF là một trong những yếu tố quan trọng trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu. Về trách nhiệm cơ quan chức năng phải xác đinh, tính toán đúng từng nội dung của giá CIF. Giá CIF bao gồm : Giá mua, chi phí bảo hiểm, chi phí vận tải.
Nhưng ở đây Liên bộ Công thương - Tài chính không xác định giá xăng dầu thế giới trong thời kỳ định giá, mà dựa vào thông tin của Petrolimex tự mua thông tin về giá xăng dầu thế giới trên tờ Platt’s Singapore để xây dựng giá cơ sở xăng dầu. Giá này là không chuẩn xác, thường cao hơn giá mua xăng dầu thực tế của doanh nghiệp.
Trong hoạt động kinh doanh trên thương trường, giá được thông tin trên tờ tin, hoặc quảng cáo, đó là giá chào bán. Còn trên thực tế mua rất ít trường hợp doanh nghiệp, đơn vị mua theo giá đó. Thông thường giá họ mua là giá thấp hơn, bởi nó còn phụ thuộc vào đối tác mua có quan hệ như thế nào với người bán, phương thức thanh toán, số lượng mua, thời hạn thanh toán v.v…
Về việc tính chi phí bảo hiểm và chi phí vận tải trong cơ cấu giá xăng dầu của Petrolimex cũng theo ghi nhận của Thanh tra Chính phủ chênh lệch rất nhiều so với thực tế. Petrolimex đã thuê tàu chở xăng dầu của chính công ty thành viên với giá cao hơn giá của các đơn vị khác, làm ảnh hưởng đến giá cơ sở. Điều này dẫn đến từ quý II/2010 đến tháng 6.2013, chi phí vận tải và bảo hiểm trong cấu thành giá cơ sở cao hơn thực tế 67,6 triệu USD. Điều này đã dẫn đến tăng giá bán lẻ, lợi cho thương nhân đầu mối, thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trong công tác quản lý hao hụt xăng dầu từ năm 2010 đến tháng 6.2013, Petrolimex còn ban hành định mức hao hụt của các công đoạn cao hơn thực tế từ 35-48% là nguyên nhân dẫn đến tăng giá vốn và giá cơ sở. Cơ quan chức năng có văn bản cá biệt cho Petrolimex áp dụng tỷ giá ngoại tệ theo tỷ giá bán ra của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, chưa phù hợp với quy định về chế độ kế toán doanh nghiệp theo Quyết định 15/2006 của chính Bộ Tài chính. Điều này cũng làm cho giá cơ sở tăng lên.
Trước đó, kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ được dư luận phản ảnh, trong thời gian tháng 1.2010 - tháng 6.2013 khi xây dựng giá cơ sở để quyết định giá bán lẻ, Petrolimex và liên bộ Tài chính - Công thương đưa chi phí vận tải và chi phí bảo hiểm vào giá cơ sở theo mức cố định cao hơn thực tế 67,641 triệu USD, dẫn đến tăng giá bán, lợi cho thương nhân đầu mối, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ngoài ra, Petrolimex thực hiện không đúng thẩm quyền trong việc tự quyết định và tổ chức thực hiện giá bán lẻ xăng dầu địa bàn vùng 2 (địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí cao hơn định mức chi phí cấu thành trong giá cơ sở) cao hơn tối đa 2% giá bán lẻ do liên bộ điều hành, nhưng tổ giám sát liên ngành tài chính - công thương không kịp thời chấn chỉnh... Trao đổi với báo Tuổi Trẻ về kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ được dư luận phản ảnh, ông Trần Ngọc Năm - phó tổng giám đốc Petrolimex - cho rằng đó chưa phải là bản kết luận cuối cùng, tài liệu này “cũng chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chưa được Thanh tra Chính phủ công bố”. Theo ông Năm, sau khi nhận được kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Petrolimex đã có văn bản báo cáo Chính phủ về một số kết luận cần được xem xét thêm. Cũng theo ông Năm, tại buổi làm việc với sự tham gia của Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Petrolimex, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các đơn vị rà soát một số vấn đề mà Petrolimex đã giải trình rồi báo cáo, sau đó sẽ xem xét phê duyệt kết luận cuối cùng. “Đến nay Thanh tra Chính phủ vẫn đang thực hiện chỉ đạo này” - ông Năm nói. |