Thay vì cảnh nhộn nhịp cửa hàng, người mua kẻ bán như những năm trước, Parkson Cantavil (quận 2), hiện đã gỡ bảng hiệu, bên trong chỉ còn lác đác vài cửa hiệu buôn bán. Người đến tham quan, mua sắm cũng rất thưa thớt.
Sáng 4.10, quang cảnh khu trung tâm thương mại Parkson Cantavil trong khu phức hợp Cantavil An Phú (quận 2) khá vắng vẻ. Hiện, chỉ còn một số cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, trang sức… hoạt động nhưng lượng khách hàng đến tham quan, mua sắm chỉ lác đác vài người. Một số cửa hàng đã “thay tên đổi họ” bằng các dịch vụ như cửa hàng điện thoại, dịch vụ y tế hay quán cà phê…
Bảng hiệu Parkson Cantavil cũng đã được tháo bỏ trong khi đơn vị cho thuê mặt bằng tại đây xác nhận với khách hàng, Parkson Cantavil đã không còn hoạt động từ tháng 6 vừa qua.
Trao đổi với Dân Việt, các cửa hàng kinh doanh tại đây cho biết, hiện họ đã thuê mặt bằng và hoạt động độc lập, không thực hiện thanh toán qua trung tâm thương mại Parkson nữa. Do đó, các hình thức khuyến mãi của Parkson như voucher giảm giá, thẻ tích điểm… cũng không có hiệu lực dù là còn hạn sử dụng.
Trong sảnh trung tâm của Cantavil có bảng thông báo: Trung tâm thương mại Cantavil Premier mall vẫn hoạt động bình thường trong thời gian nâng cấp. Đơn vị này cũng đăng số Hotline khi khách hàng có nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh.
Nhiều ý kiến cho rằng, sau thời gian thua lỗ kéo dài, Parkson đang có động thái rút dần khỏi thị trường Việt Nam. Gần đây nhất, hồi tháng 2.2018, Parkon Flemington Lê Đại Hành (quận 11) đã chính thức thông báo đóng cửa sau 8 năm hoạt động. Đây là TTTM thứ 2 của hệ thống này tại TPHCM đóng cửa, sau Parkson Paragon (quận 7, TP.HCM).
Trong khi đó, trên website của Parkson, hệ thống cập nhật danh sách các TTTM còn lại tại Việt Nam vẫn có Parkson Cantavil. Thông báo mới nhất tại phần tin tức sự kiện mà hệ thống này cập nhật là việc đóng cửa Parkson Flemington Lê Đại Hành (quận 11). Nhưng khi phóng viên nhiều lần gọi vào số máy dịch vụ khách hàng của Parkson thì không có người trả lời điện thoại.
Parkson Cantavil hoạt động từ tháng 12.2013 và thời điểm đó là TTTM thứ 9 của hệ thống này tại Việt Nam và thứ 6 tại TPHCM. Parkson Cantavil được đầu tư 8 triệu USD, có tổng diện tích mặt bằng thương mại lên đến 17.815 m2, gồm 1 tầng hầm và 5 tầng kinh doanh.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian vận hành, khu mua sắm này cũng trở nên vắng vẻ và các gian hàng thời trang liên tục đổi chủ, giảm giá, thanh lý hàng tồn. Từ cuối năm 2017 đến nay, các tầng mua sắm liên tiếp treo bảng sửa chữa.
Nếu Parkson Cantavil đóng cửa thì tại TPHCM chỉ còn 3 TTTM của Parkson, gồm Parkson Saigon Tourist Plaza (quận 1), CT Plaza (quận Tân Bình) và Parkson Hùng Vương (quận 5). Riêng Hà Nội đã không còn hiện diện hệ thống này.
Các chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, chiến lược và mô hình kinh doanh không phù hợp đã khiến hãng bán lẻ vốn rất sang trọng một thời này mất đi thị phần tại Việt Nam. Cụ thể, khi lần đầu tiên thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 2005, với trung tâm thương mại đầu tiên đặt tại quận 1 (TP.HCM), Parkson hướng tới các khách hàng có thu nhập cao.
Tuy nhiên những năm gần đây, sự xuất hiện của các hãng bán lẻ mới với các mô hình kinh doanh hiện đại, năng động và cung cấp cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn như AEON, Lotte, thậm chí cả đối thủ cũ là Vincom… khiến mô hình kinh doanh của Parkson không còn phù hợp.
Các hãng bán lẻ mới thường hoạt động theo mô hình"một điểm đến - nhiều lựa chọn" (One-stop-shopping) tích hợp nhiều dịch vụ như ăn uống, xem phim, các khu vui chơi điện tử cùng nhiều hoạt động “ngoại khóa” thu hút khách đến tham quan, mua sắm và trải nghiệm các tiện ích mới, hấp dẫn.
AEON, Lotte… cũng là những “đại gia toàn cầu” trong ngành bán lẻ nên thu hút được nhiều đối tác nhằm thông qua đó có thể xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Mức chiết khấu dành cho các đối tác của những nhà bán lẻ mới này cũng cao hơn khiến Parkson khó cạnh tranh lại.
Trong khi đó, Parkson vẫn giữ mô hình kinh doanh nhắm vào giới thu nhập cao, ít có các hoạt động hướng tới giới thu nhập trung bình hoặc khách hàng tiềm năng ở những đối tượng khác… Việc này đã dần khiến Parkson mất khách hàng, doanh thu tụt giảm nghiêm trọng và tình trạng thua lỗ kéo dài trong những năm qua.
Theo Báo cáo tài chính quý I.2018 niên độ 2017-2018 vừa được Parkson Retail Asia - Tập đoàn sở hữu và vận hành chuỗi Parkson tại Việt Nam, vừa công bố với kết quả lỗ trước thuế 24 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 7 Parkson thua lỗ liên tiếp tại thị trường Việt Nam.
Theo Khải Huyền (Dân Việt)