Bán lẻ Việt tăng trưởng, sao Parkson lại đóng cửa?

02/03/2018 09:00:58

Cứ sau mỗi lần Parkson VN đóng một trung tâm thương mại tại VN, giới trong ngành lại có dịp bàn tán, mổ xẻ nguyên nhân về sự tụt dốc không phanh của nhà bán lẻ Malaysia tại thị trường VN.

Bán lẻ Việt tăng trưởng, sao Parkson lại đóng cửa?
Công nhân chuyển tủ, quầy kệ ra khỏi trung tâm Parkson Flemington, Q.11, TP.HCM cuối tháng 2-2018 - Ảnh: Hải Kim

Cho đến nay, Parkson VN còn duy trì 6 trung tâm thương mại tại VN thay vì 10 địa điểm của năm 2011. Sự rút lui của một trung tâm Parkson thường đi cùng với sự xuất hiện của những trung tâm thương mại mới gần đó.

Kém linh hoạt

Cho đến nay 4, vị trí của Parkson tại khu vực TP.HCM đều nằm những nơi được xem đắc địa gồm Parkson Lê Thánh Tôn, Q.1, Parkson Cantavil (Q.2), Parkson Hùng Vương (Q.5), Parkson CT Plaza (Q.Tân Bình). Hiện nay đây vẫn là  những vị trí đắc địa, ngay trung tâm thành phố hay trong khu dân cư sầm uất, những yếu tố quan trọng nhất để kinh doanh bán lẻ thành công thế nhưng các trung tâm này vẫn kém tấp nập hơn so với những trung tâm thương mại gần đó.

Thực tế, hoạt động kinh doanh của Parkson bắt đầu có dấu hiệu giảm sút khi Vincom Center mở trung tâm ngay kế bên, gần sát Parkson Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM vào năm 2010. 

Thời điểm đó, tòa nhà cao tầng với lối kiến trúc thông thoáng, sang trọng nhanh chóng "lấn át" tòa nhà Parkson đối diện đã tương đối cũ kỹ. Đại diện Parkson thời điểm đó vẫn khá lạc quan với việc kinh doanh của trung tâm vì cho rằng khách vào Parkson là để mua sắm thực sự trong khi khách ra vào trung tâm đối diện để ăn uống, dạo chơi nhiều hơn. Tầng trệt Parkson vẫn hút khách với ngành hàng mỹ phẩm đa dạng thương hiệu trong khi tại Vincom Center chủ yếu vẫn là ngành hàng trang sức cao cấp, vốn rất kén khách.

Thế nhưng chỉ sau hơn 1 năm, lượng khách vào Parkson thưa thớt dần. Nhà quản lý Parkson chưa hình dung được rằng để thu hút được các tín đồ mua sắm, họ đã phải tập trung vào cải thiện những trải nghiệm của khách hàng khi đến trung tâm thương mại, cần tạo được nhiều sự kiện và hoạt động để người tiêu dùng có lý do đến và quay lại. 

Sự bùng nổ và gia nhập của các nhà bán lẻ sau này như Vincom, Cresent Mall, hay AEON Mall, Takashimaya… đã bộ lộ mô hình Departement store mà Parkson đang đeo đuổi. Trong thời điểm sức mua thị trường hàng hiệu giảm xuống do ảnh hưởng của nền kinh tế, mặt hàng cao cấp, xa xỉ bị ảnh hưởng rõ rệt nhất.

Sự ra đời các trung tâm thương mại có diện tích lớn hơn, hướng đến khách hàng trung bình và trung bình khá nhiều hơn là những mặt hàng thời trang đắt tiền cùng nhiều tiện ích đi kèm tốt hơn cho khách tham quan mua sắm như có siêu thị tổng hợp bên trong cùng những khu vui chơi cho trẻ em và gia đình và quản lý chuyên nghiệp không kém, khiến Parkson Paragon trong thời gian qua bị đánh giá là thất thế.

Lượng khách đến các trung tâm thương mại Parkson giảm dần. Khách hàng không còn cảm thấy thoải mái khi đến đây mua sắm vào dịp cuối tuần, khi họ thường đi dạo với các thành viên trong gia đình kết hợp mua sắm và chuyển sang các trung tâm đa chức năng khác gần đó. Phát triển bán lẻ chỉ bền vững khi doanh thu bán hàng đủ chi trả cho việc thuê mặt bằng.

Bán lẻ Việt tăng trưởng, sao Parkson lại đóng cửa? - 1
Trung tâm thương mại Parkson từng là nơi mua sắm hàng hiệu chủ yếu của người dân TP.HCM - Ảnh: Hải Kim

Thờ ơ với khách hàng

Giám đốc một trung tâm bán lẻ cho biết, hàng tuần ông hay đi dạo các trung tâm thương mại cùng với vợ mình. Quan sát của ông cho thấy rất nhiều người đi ra khỏi trung tâm mà tay không có một giỏ hàng nào, nhưng điều đó không có nghĩa họ không chi tiêu gì.

Các dự  án bất động sản bán lẻ sau này đều phải đưa ra các thiết kế, tiện ích mới mẻ, sáng tạo để thu khách. Khách đến nhiều trung tâm thương mại hiện nay không chỉ vì ở nơi đó xuất hiện các thương hiệu lớn mà còn vì những tiện ích kèm theo như có công viên giải trí, thường xuyên giới thiệu ứng dụng công nghệ mới hay trung tâm ẩm thực phong phú, có rạp xem phim….

Phát triển bán lẻ phải đi kèm với chất lượng quy hoạch và thiết kế, chất lượng quản lý và marketing trung tâm thương mại. Yếu tố này cũng không được Parkson chăm sóc kỹ như hồi mới vào VN. Các chương trình giảm giá dành cho khách hàng thành viên giảm dần sự thu hút vì mức giảm không còn nhiều, khách hàng cũng không được chăm sóc đủ chu đáo để có lý do quay lại.  

Đại diện của Parkson Việt Nam từng chia sẻ, đã nhìn thấy sự thay đổi trong mô hình bán hàng, như thương mại điện tử bắt đầu phát triển, đồng thời sự ra đời của các shopping mall quy mô lớn, tích hợp cùng lúc ẩm thực, giải trí, mua sắm... đã thu hút nhiều khách thuê vì đáp ứng được nhu cầu, xu hướng mua sắm, giải trí của người tiêu dùng hiện đại.

Chị Thanh Hoàng, từng là khách hàng thành viên của hệ thống này cho biết, chương trình đổi điểm tích lũy của Parkson rất kém thân thiện như phải đổi điểm tại nơi mở thẻ ban đầu trong khi các trung tâm lại cách xa nhau. Nếu mua hàng bằng phiếu quà tặng lập tức gặp ánh mắt lạnh lùng của nhân viên bán hàng. "Với chất lượng dịch vụ như vậy khách sẽ không muốn quay lại mua sắm", chị Thanh Hoàng nói.

Nhiều năm trước khi Parkson giới thiệu những thương hiệu hàng hiệu VN, có không ít thương hiệu đến từ Malaysia, trong khi người tiêu dùng bắt đầu dành nhiều hơn cho những thương hiệu quốc tế đến từ châu Âu, Mỹ… dù là cấp bình dân. Các doanh nghiệp bán lẻ gia nhập sau dần nhanh nhạy hơn trong việc đáp ứng những nhu cầu thường nhật của khách hàng và đưa ra những mức giá phù hợp hơn với túi tiền của người tiêu dùng. Điều này Parkson lại chưa thể hiện rõ cho dù có nỗ lực tung ra nhiều chương trình khuyến mãi và chọn nhiều thương hiệu cấp trung. 

Theo Savills, năm 2017, bán lẻ VN đã quay trở lại thứ hạng 6 trên toàn thế giới theo Chỉ số phát triển bán lẻ của AT Kearney. VN vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển bởi mật độ bán lẻ tại Hà Nội và TP.HCM hiện vẫn còn khá thấp, mới chỉ khiêm tốn ở mức 0,26 và 0,12 m2 bán lẻ/người, thấp hơn nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur. Việt Nam luôn được đánh giá cao về sức tiêu thụ hàng ngoại nhập, bất kể nền kinh tế đang cộng hay trừ.

Rõ ràng thị trường bán lẻ VN vẫn đang trong đà bứt phá, nhu cầu mua sắm hàng ngoại nhập giá bình dân hay cao cấp vẫn có nhưng người tiêu dùng hiện nay đang cân được chăm sóc tốt hơn, "nuông chiều" nhiều hơn đặc biệt là lớp khách hàng trung lưu. Parkson cần một cuộc cách mạng tự làm mới mình về cả không gian mua sắm lẫn dịch vụ hậu mãi trong nỗ lực lôi kéo khách hàng quay trở lại. 

Theo Hải Kim (Tuổi Trẻ)

Nổi bật