Parkson 'lột xác' sau nhiều năm thua lỗ, đóng cửa đồng loạt

25/05/2019 08:11:24

Parkson Saigon Tourist (quận 1, TP.HCM) đang sửa chữa và nâng cấp, mở đầu cho chiến lược thay đổi để thích nghi với xu hướng thị trường sau nhiều năm tăng trưởng âm.

Trao đổi với Zing.vn, các nhân viên của Parkson Saigon Tourist cho biết một số cửa hàng trong trung tâm thương mại (TTTM) này đang được sửa chữa và nâng cấp theo kế hoạch của công ty. Quá trình thi công bắt đầu từ đầu tháng 4, dự kiến đến tháng 10 sẽ hoàn thiện để TTTM dần đi vào hoạt động.

Theo ghi nhận của Zing.vn, hiện tại chỉ có 1 khu vực nhỏ ở tầng 3 của Parkson Saigon Tourist hoạt động. Các mặt hàng còn kinh doanh chủ yếu là sản phẩm thời trang và gia dụng, phần lớn đang được giảm giá mạnh để xả hàng.

Parkson 'lột xác' sau nhiều năm thua lỗ, đóng cửa đồng loạt
Parkson Saigon Tourist là địa điểm đầu tiên thực hiện dự án đổi mới của chuỗi TTTM Parkson. Ảnh: Parkson Việt Nam

Trên website chính thức, Parkson cũng thông báo việc thi công sẽ diễn ra lần lượt theo từng tầng, từng khu vực. Trong lúc đó, những khu vực không bị ảnh hưởng vẫn mở cửa hoạt động bình thường. Parkson đã có công văn gửi đến các đối tác và đã được sự đồng ý của các bên nhằm đảm bảo cho sự sắp xếp hoạt động kinh doanh phù hợp.

Đây là địa điểm đầu tiên thực hiện dự án đổi mới trước khi Parkson triển khai kế hoạch phát triển cho các TTTM trọng điểm khác trong hệ thống tại Việt Nam trong tương lai.

Tìm hướng đi mới sau nhiều năm thua lỗ

Động thái này được coi là bước đi đầu tiên trong các thay đổi mang tính chiến lược của Parkson.

Gia nhập thị trường bán lẻ Việt từ năm 2005, tập đoàn quốc tế có trụ sở tại Malaysia này đã xây dựng một trong những TTTM quốc tế đầu tiên tại Việt Nam - Parkson Saigon Tourist. Tại thời điểm đó, đây là địa chỉ mua sắm các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm và làm đẹp cao cấp từ nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Kiehl's, Shu Uemura, Bobbi Brown, MAC, The Body Shop, Estée Lauder, Lancôme,…

Hiện nay, theo thông tin chính thức được đưa ra, Parkson nhận thấy sự cần thiết phải đổi mới về mọi mặt để thích nghi với thị trường bán lẻ đầy tính cạnh tranh của Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là một nơi mua sắm (shop and go) như trước đây, Parkson dự định biến các TTTM của mình thành điểm đến tích hợp mua sắm, ăn uống và giải trí (all-in-one destination).

Bên cạnh thay đổi mô hình kinh doanh, Parkson cũng nhắm tới việc đa dạng hóa sản phẩm với mục tiêu phát triển nhiều phân khúc khách hàng.

Theo thông báo chính thức, TTTM Parkson Saigon Tourist dự định giới thiệu hàng loạt thương hiệu nổi tiếng sau khi ra mắt với diện mạo mới.

Parkson 'lột xác' sau nhiều năm thua lỗ, đóng cửa đồng loạt - 1
Parkson dự định biến các TTTM của mình thành điểm đến tích hợp mua sắm, ăn uống và giải trí (all-in-one destination). Ảnh: Retail Asia

Đây là hướng đi mới của Parkson sau khi hàng loạt TTTM của chuỗi phải đóng cửa vì kinh doanh không hiệu quả.

Trong cuộc đua giành thị phần, Parkson có dấu hiệu đuối sức. Kể từ năm 2014, làn sóng đầu tư của Parkson đã dừng hẳn khi không mở rộng thêm TTTM. Các năm sau đó, đơn vị này đã lần lượt phải đóng cửa các TTTM khi kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh.

Trước khi đóng cửa, việc kinh doanh của Parkson tại Việt Nam kém hiệu quả nhất khu vực Đông Nam Á với doanh thu liên tục sụt giảm trong vài năm liên tiếp. Đơn vị này cũng đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam còn thách thức trong bối cảnh số trung tâm thương mại xuất hiện dày đặc.

Từ năm 2015 đến nay, Parkson đã đóng cửa 7 TTTM, hiện chỉ còn lại 5 TTTM tại TP.HCM, một tại Đà Nẵng và một tại Hải Phòng. Thủ đô Hà Nội không còn bóng dáng của chuỗi này.

Tình trạng này phần nhiều đến từ kết quả kinh doanh thua lỗ của Parkson Việt Nam. Trong các báo cáo tài chính của Parkson Retail Asia, Parkson Việt Nam liên tục có tăng trưởng âm: từ âm 1% năm 2013 đến âm 4% năm 2014 và âm 5% năm 2015.

Báo cáo tài chính năm 2018 (niên độ từ 1/7/2017-30/6/2018) ghi nhận doanh số của chuỗi Parkson Việt Nam giảm 18,9% so với năm trước đó.

Còn trong báo cáo quý mới nhất mà Parkson Retail Asia công bố ngày 15/5 vừa qua, lợi nhuận trước thuế của 9 tháng từ 7/2018-3/2019 của 5 TTTM ở thị trường Việt Nam là âm 3,5 tỷ USD. Khoản lỗ trước thuế của cùng kỳ năm trước đó là 2,85 tỷ USD.

Xu hướng chung của thị trường bán lẻ hiện đại

All-in-one đang là xu hướng chung của thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây. Các TTTM như Vincom, Takashimaya - Saigon Center, Crescent Mall, Aeon Mall hay Diamond Plaza đều nỗ lực phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao tính cạnh tranh.

Ở chuỗi TTTM Vincom, ngoài việc kết hợp với đối tác là các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, nhà hàng, cà phê, rạp chiếu phim, Vincom cũng tận dụng tốt lợi thế đa ngành của tập đoàn Vingroup để tích hợp thêm các dịch vụ mua sắm Vinmart, Vinmart+, VinFast, VinPro.

Đặc biệt, TTTM Vincom Center Landmark 81 còn có thêm các dịch vụ vui chơi khác của Vingroup như sân băng Vincom Ice Rink và đài quan sát Landmark 81 Skyview, thường xuyên thu hút đông đảo lượt khách ghé thăm.

Đại gia bán lẻ Việt liên tục mở rộng chuỗi TTTM, đến nay sở hữu 68 TTTM hoạt động tại 38 tỉnh, thành. Theo thông tin từ Vincom Retail, trong quý I năm 2019, tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.284 tỷ đồng, thu về 611 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Mức doanh thu và lợi nhuận này lần lượt tăng 41,2% và 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Parkson 'lột xác' sau nhiều năm thua lỗ, đóng cửa đồng loạt - 2
Bên trong TTTM Vincom Center Landmark 81. Ảnh: Vingroup. 

Ngoài ra, chiến lược tạo điểm đến này cũng được ghi nhận ở mô hình cửa hàng tiện lợi, nổi bật là Circle K. Dù quy mô cửa hàng không thể so sánh với các TTTM, Circle K đã nhận thấy được xu hướng này của ngành bán lẻ hiện đại và phát triển theo hướng thích nghi.

Ngay khi đến Việt Nam, ông Tony Yan, CEO Circle K Việt Nam đã phát hiện, việc kinh doanh cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam sẽ không thể thành công nếu thiếu chỗ ngồi. Do đó, các cửa hàng Circle K rộng khoảng 120 m2 dần mọc lên cạnh các trường học, văn phòng hoặc khu dân cư, đáp ứng chỗ ngồi cho khách hàng có thể đến mua sắm, ăn uống, trò chuyện và làm việc.

Theo báo cáo của Asia Plus, Circle K khá thịnh hành với các bạn trẻ từ 16-23 tuổi nhờ xu hướng phát triển thành mô hình "lai" trong việc cung ứng đa dạng mặt hàng bách hóa và quán cà phê thức ăn nhanh. 

Đến nay, theo thông tin chính thức trên website Circle K Việt Nam, chuỗi này đang có mặt tại 330 địa điểm ở TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Hà Nội và Hạ Long và là chuỗi cửa hàng tiện lợi có độ phủ sóng rộng nhất tại thị trường, bỏ xa cái tên đứng vị trí thứ 2 là Family Mart (151 cửa hàng tại TP.HCM, Bình Dương và Vũng Tàu). 

Parkson 'lột xác' sau nhiều năm thua lỗ, đóng cửa đồng loạt - 3
Circle K là một “điểm đến” chứ không đơn thuần là “tiệm bách hóa”. Ảnh: Cukcuk

Xét tới chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, Thế giới Di động cũng đang hướng tới mục tiêu "bán cả thế giới". Trong một thập kỷ phát triển thần tốc, công ty này không ngừng gia tăng loại hình kinh doanh. Chuỗi ngành hàng thứ 2 là Điện Máy Xanh bắt đầu xuất hiện trên thị trường vào năm 2012. Hai năm sau đó, chuỗi siêu thị mini Bách Hóa Xanh khai sinh.

Đến cuối tháng 4, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động có 2.324 cửa hàng đang hoạt động, bao gồm 1.021 cửa hàng Thế giới Di động, 791 cửa hàng Điện Máy Xanh và 512 cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Parkson 'lột xác' sau nhiều năm thua lỗ, đóng cửa đồng loạt - 4
Doanh thu Thế giới Di động tăng đều qua các năm với sự phát triển của hệ sinh thái bán lẻ toàn diện. Ảnh: Minh Phúc

Doanh số bán hàng ở cả 3 chuỗi này tăng đều qua các năm. Đặc biệt, con số thực tế luôn nằm cao hơn mức kế hoạch. Theo cập nhật kết quả kinh doanh, 4 tháng đầu năm 2019, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu thuần đạt 34.122 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.424 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 15% doanh thu và 36% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm 2018, hoàn thành 31% doanh thu và 40% lợi nhuận kế hoạch cả năm 2019.

Theo Lan Anh (Tri Thức Trực Tuyến)