Trong tuần đầu tiên thị trường chứng khoán Việt trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi kéo dài 9 ngày, cổ phiếu Tập đoàn Vingroup đã tăng một mạch hơn 13% thị giá so với trước Tết. Hiện cổ phiếu này được giao dịch với giá 112.000 đồng/cổ phiếu. Đà tăng này trực tiếp giúp vốn hóa của doanh nghiệp bất động sản này tăng thêm hơn 42.000 tỷ đồng, lên mức 357.500 tỷ.
VIC tăng mạnh tuần qua cũng gián tiếp giúp khối tài sản của ông chủ doanh nghiệp - tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm hàng chục nghìn tỷ.
Theo cập nhật mới nhất từ Tạp chí Forbes, ông Vượng đã chính thức gia nhập nhóm 200 người giàu nhất thế giới, với khối tài sản ròng ước tính đến nay đạt 7,5 tỷ USD.
Với số tài sản khổng lồ, ông Vượng hiện xếp thứ 198 trong danh sách những người giàu nhất thế giới do tạp chí này thống kê. Đây là vị trí cao nhất của tỷ phú này từng được xếp hạng và cũng là vị trí cao nhất mà một doanh nhân người Việt có được trong bảng xếp hạng này.
Nếu tính từ đầu năm 2018 đến nay, tài sản của ông chủ tập đoàn bất động sản này đã tăng hơn 3,2 tỷ USD, từ mức 4,3 tỷ USD trong danh sách Forbes công bố hồi đầu năm ngoái. Còn nếu chỉ tính từ thời điểm trước khi nghỉ Tết Nguyên đán 2019, tài sản của doanh nhân giàu nhất Việt Nam này đã tăng hơn 900 triệu USD.
Xét trong khu vực Đông Nam Á, ông Vượng hiện xếp thứ 10 trong số những tỷ phú sở hữu khối tài sản tỷ USD. Người xếp ngay trên đại diện của Việt Nam là ông Goh Cheng Liang tỷ phú Singapore, người sở hữu 39% cổ phần của Nippon Paint, nhà sản xuất sơn lớn thứ 4 trên thế giới. Vị này hiện sở hữu khối tài sản trị giá 7,6 tỷ USD. Còn xếp ngay sau ông Vượng là ông Sri Prakash Lohia với 7,3 tỷ USD. Đây là tỷ phú giàu thứ 4 tại Indonesia, chuyên kinh doanh lĩnh vực hóa dầu.
Cập nhật mới nhất từ tạp chí này cũng cho biết nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air, hiện sở hữu khối tài sản trị giá 2,3 tỷ USD. So với bảng xếp hạng công bố hồi đầu năm 2018, số tài sản của bà Thảo đã giảm 800 triệu USD, và bà đã rớt xuống vị trí thứ 1.014 từ vị trí 766 trước đó.
Trong khi đó, khối tài sản của ông Trần Bá Dương và gia đình tại Thaco hiện được ước tính vào khoảng 1,7 tỷ USD, giảm 100 triệu USD so với đầu năm 2018.
Với trường hợp của ông Vượng, bà Thảo và trước đó là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, khối tài sản của các vị doanh nhân này thay đổi từng ngày do cập nhật của Forbes có tính tới cả giá trị cổ phiếu các vị tỷ phú nắm giữ.
Với trường hợp của ông Trần Bá Dương, thống kê của Forbes cho thấy rất ít thay đổi về khối tài sản của ông chủ tập đoàn Thaco, do doanh nghiệp này chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, đến đợt cập nhật năm 2019 (thường kỳ diễn ra vào đầu tháng 3) có thể sẽ ghi nhận sự thay đổi lớn. Nguyên nhân do Tập đoàn Jardine Cycle & Carriage (JC&C) đã chấp nhận mức giá lên tới 128.500 đồng/cổ phiếu Thaco để mua toàn bộ số cổ phần phát hành thêm của doanh nghiệp này. Mức giá trên hiện cao gấp đôi giá trị cổ phiếu này được giao dịch trên thị trường OTC.
Với mức giá trên, JC&C định giá Thaco lên tới 217.800 tỷ đồng.
Hiện tại, Trần Bá Dương cùng vợ và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Trân Oanh (do vợ chồng ông Dương sở hữu 100% vốn) sở hữu tổng cộng khoảng 70% vốn của Thaco, và cũng là những ông, bà chủ duy nhất của doanh nghiệp này.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)