Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu tuần giao dịch mới với một phiên giảm điểm mạnh ngày 3/2 do ảnh hưởng từ việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa xuất khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc.
Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng ổn định trở lại và phục hồi trong phiên ngày 4/2, khi Mỹ tuyên bố hoãn thực thi việc áp thuế đối với Canada và Mexico trong vòng một tháng. Hai nước láng giềng này đã có những nhượng bộ.
Với Trung Quốc thì khác. Mỹ đã quyết định áp thuế 10% lên hàng hóa nước này và Bắc Kinh cũng có những biện pháp trả đũa. Trung Quốc áp thuế 15% đối với than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu từ Mỹ và mức thuế 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp.
Ông Trump có vẻ muốn hoãn lịch nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đòn thuế quan mới đây của Trung Quốc. Cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu.
Các thị trường chứng khoán trên thế giới biến động trái chiều. Chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng điểm trong 3 phiên cuối tuần, từ 5-7/2. Chỉ số VN-Index chốt tuần tại mốc 1.275 điểm, tăng nhẹ 0,7% so với mức đóng cửa trước nghỉ lễ. Có thời điểm, chỉ số VN-Index gần chạm ngưỡng 1.280 điểm trong phiên cuối tuần.
Trong nước, các thông tin hỗ trợ tiếp tục là kết quả kinh doanh tốt của nhiều cổ phiếu trụ cột, trong đó có nhóm cổ phiếu ngân hàng, một số tập đoàn bất động sản lớn, bán lẻ, tiêu dùng...
Bên cạnh đó, thông tin Chính phủ dự kiến trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ mức 6-6,5% lên 8% và nới chỉ tiêu lạm phát (CPI) lên 4,5-5%... là yếu tố tác động tích cực lên giá cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, thường được gọi là nhóm cổ phiếu “vua”, có sức hút mạnh với dòng tiền và là yếu tố giúp VN-Index vẫn duy trì sắc xanh trong phiên cuối tuần. Các mã tăng điểm mạnh gồm Vietinbank (CTG), BIDV (BID), Techcombank (TCB), MBBank...
Một số nhóm cổ phiếu khác cũng hút dòng tiền, như khoáng sản (MSR, BMC), y dược (IMP, DHT)...
Tuy nhiên, một tín hiệu đáng ngại là khối ngoại tiếp tục bán mạnh ngay tuần đầu năm mới Ất Tỵ, với hơn 4.200 tỷ đồng, tập trung vào nhiều mã bluechips như Masan (MSN), Vinamilk (VNM), FPT... Trong năm 2024, khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 94.000 tỷ đồng.
Có thể thấy, TTCK khởi đầu năm Ất Tỵ 2025 tích cực, hứng khởi, mang lại kỳ vọng về một năm tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, thị trường cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Kiểm định vùng kháng cự 1.280-1.300 điểm
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect, phân tích, Chính phủ đang rất quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng và điều này hàm ý rằng các chính sách tài khóa, đặc biệt là chính sách tiền tệ tiếp tục được mở rộng mạnh mẽ trong năm 2025.
Theo ông Hinh, xu hướng này có tác động tích cực đến các kênh tài sản, trong đó có chứng khoán. Đồng thời, số liệu vĩ mô tháng 1 được Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 6/2 cho thấy nền kinh tế trong năm 2025 khởi đầu khá tích cực.
Mặc dù chịu ảnh hưởng từ kỳ nghỉ dài ngày, hoạt động sản xuất công nghiệp (IIP) và vốn đầu tư công thực hiện vẫn tăng trưởng dương so với cùng kỳ dù số ngày làm việc ít hơn.
Có thể thấy rằng guồng quay tăng trưởng kinh tế đã tăng tốc ngay từ thời điểm đầu năm nay chứ không chậm chạp do tâm lý nghỉ lễ như các năm trước. Bối cảnh hiện tại đang giúp cải thiện tâm lý của các nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, sang tuần mới (10-14/2), theo chuyên gia VNDirect, chỉ số VN-Index sẽ kiểm định vùng kháng cự 1.280-1.300 điểm. Đây là vùng kháng cự rất mạnh mà chỉ số này chưa thể vượt qua trong năm 2024.
Trong bối cảnh khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng và dòng tiền nội chưa thể đủ lực một mình kéo thị trường, VN-Index nhiều khả năng chưa thể tăng ngay mà cần tích lũy tại vùng này thêm một thời gian nữa, trước khi xuất hiện những thông tin hỗ trợ đủ mạnh và hội tụ đủ sức bật để vượt qua vùng kháng cự kể trên.
Theo một chuyên gia chứng khoán, trong tuần mới, sóng đầu năm đã phai nhạt, mùa kết quả kinh doanh năm 2024 đã hết. Đây cũng là khoảng thời gian thường có rất ít thông tin từ các doanh nghiệp. Nếu khối ngoại còn bán ròng, áp lực đối với thị trường cổ phiếu là khá lớn.
Khối ngoại chưa dừng bán ròng một phần do chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước vẫn lớn. Hơn thế, các thị trường mới nổi, cận biên tiềm tàng rủi ro trước nguy cơ về chiến tranh thương mại toàn cầu.
VN-Index cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những cú giảm sốc từ các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, trước những chính sách mạnh tay của ông Trump.
Ông Quang Hinh cho rằng, TTCK có thể đi ngang tích lũy và dòng tiền sẽ luân chuyển nhanh giữa các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm các cơ hội ngắn hạn.
Xác suất vượt vùng kháng cự mạnh 1.280-1.300 điểm là thấp.
Dù vậy, giới đầu tư đang chờ những chính sách hỗ trợ tăng trưởng, như giảm lãi suất, tăng cường đầu tư công và cải cách thể chế... để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế tham vọng trong năm 2025. Những chính sách này có thể tạo ra những tác động tích cực đến TTCK, giúp các doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận và thu hút đầu tư.
Ở chiều ngược lại là các thách thức như lạm phát tiềm ẩn, biến động tỷ giá, kinh tế thế giới bất ổn...
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)