Ông Nguyễn Thành Phong: COVID-19 gây thiệt hại 500.000 tỷ đồng

05/12/2021 14:48:16

Trong hai năm qua, đại dịch đã gây thiệt hại hơn 500.000 tỷ đồng, theo ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Ông Nguyễn Thành Phong: COVID-19 gây thiệt hại 500.000 tỷ đồng
Ông Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại toạ đàm

Sáng 5/12, tại phiên tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế 2021, ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đưa ra những tính toán về mức độ ảnh hưởng rất nặng nề từ đại dịch COVID-19. Với giả thiết không xảy ra đại dịch, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn được dự báo ở mức 7%, song thực tế, năm 2020 chỉ đạt 2,91% và trong năm nay, dự kiến chỉ tăng hơn 2%.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, trong hai năm qua, đại dịch đã gây thiệt hại hơn 500.000 tỷ đồng, con số vô cùng lớn. Để giảm thiệt hại kinh tế, theo ông Phong, phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp để tạo động lực kinh tế, trong đó gói hỗ trợ kích thích là cần thiết.

"Dù chính sách hỗ trợ thế nào vẫn phải bảo đảm dài hạn và an toàn tài chính quốc gia. Chính sách đưa ra phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng với các cân đối lớn của nền kinh tế với các chính sách kinh tế vĩ mô”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần khơi thông tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, bởi đây là hai động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, gói kích thích cần hướng tới giảm chi phí sản xuất doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí phòng chữa bệnh, nhà ở cho công nhân, trợ cấp cho công nhân và gia đình họ có cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó, theo ông Phong, cần quan tâm đến việc khai thác, đẩy mạnh hàng tiêu dùng nội địa thay thể hàng nhập khẩu hiện nay.

Theo Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang, kinh tế số là một trong những giải pháp quan trọng để phục hồi và phát triển, bởi Việt Nam còn dư địa lớn trong lĩnh vực này.

“Trong bối cảnh dịch bệnh, một trong những giải pháp phát triển kinh tế số là thay đổi thể chế, chính sách, quy định phù hợp”, ông Quang nói và cho rằng, đây là căn cứ để tăng năng lực cạnh tranh, hiệu quả phục hồi phát triển bền vững.

Trong khi đó, ông Francois Paindchaud, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam cần đảm bảo ổn định vĩ mô về cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Theo ông, trong tương lai, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với khủng hoảng mới, nên cần có thể chế để ứng phó với khủng hoảng này.

Tuy nhiên, vị đại diện này cũng cho rằng, Việt Nam hiện có cơ hội lớn để tăng đầu tư dài hạn. Việt Nam mới chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở giai đoạn đầu, xuất khẩu cũng chủ yếu là nông sản.

Tại toạ đàm này, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á lưu ý, chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo song vẫn cần có sự kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ, để tạo ra các nguồn lực tốt nhất hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm hồi phục và phát triển.

Vị đại diện này cũng cho rằng, điều quan trọng là cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, gói hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm, trong đó sẽ có chính sách hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu. Về tổng cung, sẽ giảm thuế cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động, đồng thời kích cầu thị trường, đầu tư. Với gói hỗ trợ sẽ kết hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, phối hợp hài hòa hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô.

"Nếu quy mô gói hỗ trợ không đủ lớn thì sẽ không tạo ra được cú huých, không tạo ra thay đổi như kỳ vọng, thậm chí lãng phí nguồn lực hỗ trợ", ông Thanh nêu.

Theo Luân Dũng (Tiền Phong)

Nổi bật