Doanh nghiệp Trung Quốc muốn tham gia đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tại buổi tiếp đón của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ông Wang Hai Huai, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) cho biết, tập đoàn đang theo sát các dự án giao thông quan trọng của Việt Nam kết nối với những địa phương của Trung Quốc - Việt Nam, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến Metro ở Hà Nội và TPHCM… Cùng với đó, tập đoàn cũng sẵn sàng thực hiện các dự án điện gió gần bờ và ngoài khơi, với những công nghệ tiên tiến nhất.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị CCCC chủ động nghiên cứu, tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng ưu tiên của Việt Nam, nhất là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt khổ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, kết nối nền kinh tế của Việt Nam với các tỉnh của Trung Quốc và giữa Việt Nam với một số quốc gia khác.
Đây là những công trình ưu tiên và phải được triển khai càng sớm càng tốt. CCCC cần sớm tiếp cận các đối tác Việt Nam, nghiên cứu quy định pháp luật của hai bên để triển khai hợp tác hiệu quả nhất, từ thiết kế, lựa chọn công nghệ đến quản lý, vận hành, khai thác.
"Các công trình, dự án của CCCC thực hiện tại Việt Nam sẽ là biểu tượng cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời mở ra cơ hội đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực khác cho Tập đoàn", Phó Thủ tướng nói.
Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam có chiều dài trên 1.500m, dự kiến sẽ được triển khai vào giai đoạn năm 2026 - 2027 với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 69 tỷ USD (nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hạng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư khoảng 72 tỷ USD). Theo Bộ GTVT, với kịch bản này, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được làm mới hoàn toàn với 60% cầu, 10% hầm và 30% chạy trên nền đất.
Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc đang hoạt động gì tại Việt Nam?
Tại Việt Nam, doanh nghiệp này đã thực hiện hơn 30 dự án với tổng giá trị hợp đồng hơn 3 tỷ USD.
Trước đó, tại cuộc gặp gỡ hồi tháng 9/2023, trước đề nghị của CCCC về việc tham gia phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam, một số tuyến đường bộ cao tốc, sân bay, cảng biển, cũng như phát triển điện gió tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị CCCC ngoài làm tổng thầu, hợp tác nhiều hơn trong việc tư vấn, đầu tư xây dựng các dự án giao thông quan trọng, tham gia đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Đặc biệt là tham gia đầu tư các dự án như tuyến Cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Cao tốc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đường sắt Vũng Áng - Lào, đoạn đi trên địa phận Việt Nam, Tuyến Đường sắt Tốc độ Cao Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh...; đề nghị tập đoàn tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ và địa phương liên quan để phát triển các dự án mới tại Việt Nam.
Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) hoạt động kinh doanh đa ngành với các lĩnh vực chủ yếu như: đầu tư, xây dựng vận hành các dự án hạ tầng giao thông (cảng biển, cầu đường, sân bay…), sản xuất thiết bị công nghiệp nặng (cẩu trên cảng, máy khoan hầm), bất động sản và phát triển đô thị.
Với tổng số nhân lực hơn 150.000 nhân viên, tập đoàn hiện hoạt động và triển khai nhiều dự án tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2022, CCCC xếp hạng 60/500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo Tạp chí Fortune với tổng doanh thu 130,6 tỷ USD.
Trong khu vực ASEAN, CCCC đã tham gia vào 190 dự án trị giá 23 tỷ USD, bao gồm các công trình đường sắt, đường bộ, cầu đến dự án bất động sản và khu công nghiệp.
Tại Việt Nam, CCCC bắt đầu hoạt động từ năm 1996. Qua 30 năm, CCCC đã thực hiện hơn 30 dự án với tổng giá trị hợp đồng hơn 3 tỷ USD tại Việt Nam, gồm dự án cảng biển, các công trình điện gió gần bờ, các khu công nghiệp... với tổng giá trị hợp đồng hơn 3 tỷ USD.
Các dự án nổi bật của tập đoàn này phải kể đến Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (đoạn EX-3), Dự án cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp), Dự án xây dựng Cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải (nhà thầu EPC Cảng quốc tế Sài Gòn, Cảng container quốc tế SP-SSA.
CCCC cũng tham gia quy hoạch khu vực cảng và thực hiện xây dựng bến cảng chuyên dụng, đê biển cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2; Duyên Hải 1; Vũng Áng 2 (đang thực hiện); Nhà máy điện gió gần bờ: Sóc Trăng I (30MW), Bạc Liêu III (141 MW, đang thực hiện), Viên An (Cà Mau) (50 MW), Đông Thành (Trà Vinh) giai đoạn I (80MW, đang thực hiện).
Theo Pha Lê (Nhịp Sống Thị Trường)