Lấy lại vị thế 'ông lớn'
Trong năm 2023, cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát do tỷ phú Trần Đình Long làm chủ tịch là cổ phiếu nhận được chú ý của các nhà đầu tư, đặc biệt với một số quỹ đầu tư ngoại.
Sau khi xuống đáy với mức giá 18.000 đồng/cp vào đầu tháng 11/2022, cổ phiếu HPG đã tăng nhẹ lên quanh mức gần 20.000 đồng/cp vào đầu năm 2023.
Trong suốt phần lớn thời gian của nửa đầu năm 2023, cổ phiếu HPG không có đột phá nào đáng kể. Tuy nhiên, đầu tháng 6/2023, cổ phiếu HPG có những bứt tốc mạnh. Với đà tăng này, cổ phiếu HPG đã tăng từ mức 21.000 đồng/cp lên mức hơn 28.000 đồng/cp, tương đương 33,4% chỉ trong vòng 1,5 tháng.
Trong suốt thời gian còn lại của năm, cổ phiếu HPG có những biến động khá mạnh, có thời điểm giảm xuống mức gần 24.000 đồng/cp nhưng cũng có thời điểm đạt mức đỉnh gần 29.000 đồng/cp.
Phiên cuối cùng của năm 2023, cổ phiếu HPG đạt 27.950 đồng/cp, tăng 35% so với đầu năm và 56% so với mức đáy hồi đầu tháng 11/2022.
Kết quả tích cực của cổ phiếu HPG phản ánh tình hình kinh doanh khả quan của Hòa Phát cũng như toàn bộ ngành thép trong năm 2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của HPG đạt 85.430 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 3.830 tỷ đồng, giảm hơn 60% và tương đương 48% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, so với những diễn biến tiêu cực của ngành thép trong quý IV/2022, đây là kết quả khá tích cực của HPG. Kết quả này cho thấy, triển vọng ngành thép nói chung và HPG nói riêng đã qua khỏi thời điểm khó khăn nhất.
Theo báo cáo mới nhất của HPG ngày 6/12, lượng tiêu thụ thép trong tháng 11/2023 đạt 819.000 tấn sản phẩm thép, tăng 14,4% so với tháng 10 và tăng 57,7% so với cùng kỳ năm 2022.
HAG bứt tốc vào "phút 89"
Cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai do ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) làm chủ tịch trong năm 2023 cũng gây nhiều chú ý khi tăng tốc mạnh từ mức dưới 9.000 đồng/cp đến phiên kết thúc năm 2023 đạt 13.200 đồng/cp. Con số này tăng 46% chỉ trong vòng gần hai tháng.
Sức nóng cổ phiếu HAG trong hai tháng cuối năm được tác động bởi hàng loạt quyết định của Hoàng Anh Gia Lai liên quan đến các nguồn vốn để trả nợ.
Cụ thể, hồi tháng 10, HAG đã bán xong khách sạn Hoàng Anh Gia Lai với giá 180 tỷ đồng và trong quý IV dự kiến bán tiếp Bệnh viện Đại học Y Dược - HAGL.
Bên cạnh đó, HAG đang có kế hoạch chào bán cổ phiếu để huy động vốn, dự kiến thu về 1.300 tỷ đồng. Số tiền này để thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu do HAG phát hành (330,5 tỷ đồng), cơ cấu lại các khoản nợ vay tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong cho công ty con là CTCP Gia súc Lơ Pang (269,5 tỷ đồng) và bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai (700 tỷ đồng).
Ngoài ra, kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm của HAG đã khả quan rất nhiều so với nhiều năm trước. Theo đó, HAG ghi nhận doanh thu đạt 5.044 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 710 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kỳ lân công nghệ lên cao nhất lịch sử sàn chứng khoán
Đầu tháng 2/2023, thị trường chứng khoán ghi nhận cổ phiếu VNZ của CTCP VNG đạt mức cao nhất lịch sử sàn chứng khoán khi cán mốc gần 1,5 triệu đồng/cp.
Tuy nhiên, điều đáng nói là dù cổ phiếu tăng giá vùn vụt, nhưng thanh khoản vô cùng khiêm tốn, chỉ 100-300 cổ phiếu được mua bán mỗi phiên, trong bối cảnh doanh nghiệp lỗ triền miên 2 năm.
Nhà đầu tư đánh giá đây là hiện tượng bất thường của một cổ phiếu giá kỷ lục trên thị trường.
Không những vậy, trong năm qua, cổ phiếu VNZ hai lần bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa vào diện hạn chế giao dịch do VNG chậm nộp báo cáo kiểm toán năm 2022 và báo cáo tài chính bán niên 2023.
Về kết quả kinh doanh quý IV/2022, lợi nhuận sau thuế của VNG lỗ nặng hơn so với cùng kỳ năm trước khi âm 547 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lỗ 267 tỷ đồng; lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận âm 1.300 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ lỗ 70 tỷ đồng.
Phiên giao dịch cuối cùng năm 2023, cổ phiếu VNZ đạt 650.000 đồng/cp, giảm 56% so với mức đỉnh.
Cổ phiếu tí hon "gây sốc"
Một cổ phiếu khác gây sốc trên thị trường chứng khoán năm 2023 là cổ phiếu XDC của CTCP Xây dựng Công trình Tân Cảng, có thời điểm giữ vị trí quán quân, là cổ phiếu có giá đắt nhất sàn chứng khoán.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 27/6, lúc 9h15 sáng, cổ phiếu XDC tăng trần trên sàn UpCom (15%) đạt mức 767.100 đồng/cp. Với mức giá này, XDC chính thức vượt qua cổ phiếu VNZ (730.000 đồng/cp), trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán ở thời điểm đó.
Trước khi trở thành cổ phiếu đắt nhất sàn, XDC tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý với mức tăng chóng mặt trong thời gian ngắn. Chỉ hơn hai tháng (từ 21/4), qua 30 phiên tăng trần, cổ phiếu này tăng một mạch từ 13.700 đồng/cp lên 882.100 đồng/cp, tương đương 63,4 lần (6.240%).
Cũng giống với cổ phiếu VNZ, mặc dù tăng sốc nhưng thanh khoản của XDC khá èo uột. Mỗi phiên chỉ một vài trăm cổ phiếu khớp lệnh, cao nhất là vài nghìn.
Phiên cuối cùng của năm 2023, cổ phiếu XDC đạt 65.000 đồng/cp, giảm gần 12 lần so với mức giá khi cao nhất sàn.
Theo Ngọc Cương (Vietnamnet)