Anh Bảy Bến Tre nuôi tôm thu 90 tỷ, Bộ trưởng bày cách tăng hơn lợi nhuận

31/12/2023 10:16:39

Có doanh thu đạt 90 tỷ đồng từ nuôi tôm, nông dân Đặng Văn Bảy ở Bến Tre bày tỏ những trăn trở về ngành hàng này và được Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày cách để tăng giá trị từ con tôm.

Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 chiều 30/12, nông dân Đặng Văn Bảy ở Bến Tre, cho biết mình đang nuôi 45 ha tôm cao nghệ cao. 

Nhờ công nghệ số nên công nhân phụ trách các ao nuôi của ông chỉ cần cầm điện thoại thông minh mở app (ứng dụng), sau vài cú “gẩy tay”, hệ thống máy ở các ao tự động cho tôm ăn. Muốn biết kích cỡ tôm cũng chỉ việc mở app chụp ảnh con tôm cho ra ngay kết quả chính xác.

Năm nay, doanh thu tính đến thời điểm này đạt 90 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 15 tỷ đồng. 

Hiện, tôm Việt Nam có mặt ở trên 180 nước trên thế giới. Hàng năm, riêng kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 3,5-4,3 tỷ USD, trở thành mặt hàng chủ lực không chỉ của ngành nông nghiệp mà của cả nền kinh tế.

Anh Bảy Bến Tre nuôi tôm thu 90 tỷ, Bộ trưởng bày cách tăng hơn lợi nhuận
Ông Đặng Văn Bảy nuôi tôm ở Bến Tre (Ảnh: TL)

Theo ông Bảy, trong thời gian qua, ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển mô hình lúa - tôm cho hiệu quả khá tốt. Chính phủ cũng đã có chủ trương về xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu ngành tôm xuất khẩu đạt 10 tỷ USD. 

Ông Bảy bày tỏ mong muốn thời gian tới Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ cho nông dân để xây dựng chuỗi công nghiệp và hệ sinh thái tôm phát triển mạnh hơn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định lợi thế của ĐBSCL là nơi có nhiều mô hình sinh thái con tôm ôm lúa. Mô hình này từ Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, lan tới Bến Tre, Trà Vinh... Đây chính là nông nghiệp tuần hoàn.

Song tiếc rằng, vùng ĐBSCL chưa khai thác được thương hiệu gạo kèm với con tôm. Bà con mới chỉ chú trọng bán tôm chứ chưa nghĩ tới bán gạo từ ruộng tôm. Đó là điều chúng ta cần thay đổi tư duy để có thể tận dụng hết những lợi thế của ngành nông nghiệp. Làm được sẽ tạo ra giá trị gấp nhiều lần cho con tôm, cây lúa, Bộ trưởng Hoan gợi mở.

Ông cũng chỉ rõ vấn đề hạn chế của ngành hàng tôm ở ĐBSCL là về môi trường, liên kết chuỗi ngành hàng giữa nông dân và doanh nghiệp. Các tỉnh ĐBSCL phải nhanh chóng xây dựng Hiệp hội ngành hàng tôm, trong đó có sự tham gia của hợp tác xã, doanh nghiệp, người nuôi tôm. Nếu cứ làm riêng thì vấn đề tổn thất về dịch bệnh... của con tôm ở ĐBSCL đáng báo động.

Hiện một số thị trường nhập khẩu lớn áp dụng các quy định về chống bán phá giá tôm nước mặn, do người nuôi không bảo đảm môi trường. “Vì vậy, tôi rất mong những người có tầm ảnh hưởng như anh Bảy có thể đứng ra hiệu triệu, kêu gọi bà con nông dân cùng tham gia hợp tác xã, cùng xây dựng chuỗi liên kết, cấu trúc lại ngành hàng tôm để cùng nhau sản xuất an toàn”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, vấn đề bất cập thứ hai của ngành tôm chính là con giống. Việc chưa kiểm soát được chất lượng con giống cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của ngành tôm. Ông thừa nhận đây chính là điểm yếu kém của ngành nông nghiệp.

Anh Bảy Bến Tre nuôi tôm thu 90 tỷ, Bộ trưởng bày cách tăng hơn lợi nhuận - 1
Bộ trưởng bày cách cho ông Bảy và nông dân ở ĐBSCL gia tăng giá trị từ con tôm cây lúa. (Ảnh: Phạm Hải)

 

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan một lần nữa nhấn mạnh vẫn rất cần sự liên kết, cần cấu trúc ngành hàng từ sản xuất cho tới doanh nghiệp, tới thị trường, kể cả bộ phận thương lái, những người cung cấp thức ăn, giống, vật tư đầu vào...

Theo Tâm An (Vietnamnet)