Khi dân buôn BĐS năn nỉ khách… dán điện thoại
Trưa cuối tháng 7/2023, tại quán cà phê vỉa hè ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), một người đàn ông chừng ngoài 30 tuổi, lưng đeo balo, tay cầm tấm biển với dòng chữ “Dán cường lực điện thoại”, bước tới mời khách.
Sẽ chẳng có gì bất thường bởi đó là hình ảnh đã quá quen thuộc với những ai thường ngồi uống cà phê hay lê la trà đá vỉa hè. Điều đáng nói là tấm biển trên tay anh cầm có số điện thoại “hotline 08…3333333”, cùng mã QR code tài khoản ngân hàng.
"Chỉ là dán điện thoại thôi mà dùng số siêu đẹp thế có cần không?”. Câu hỏi tưởng như bâng quơ nhưng không ngờ lại là nguồn cơn để anh chia sẻ với PV. VietNamNet về câu chuyện từng nắm trong tay hàng chục tỷ đồng.
“Ngày trước em kinh doanh bất động sản nên đầu tư số điện thoại đẹp này để giao dịch với khách”, anh thổ lộ. Người đàn ông còn khoe dùng thêm cả một số VIP khác là 03…6666666.
Anh Huy (tên nhân vật đã được thay đổi), sinh năm 1987, quê Thanh Hoá. Huy rời quê lên Hà Nội gia nhập “đội quân” dán màn hình điện thoại dạo từ đầu năm 2023. Huy nói rằng đây chỉ là công việc tạm thời để giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng có thể còn phải gắn bó với công việc này thêm đôi ba năm nữa!
Huy kể: “Ngày trước em toàn vay ngân hàng để "kích" giá đất lên rồi bán đi kiếm lời. Mỗi một giao dịch lời vài chục đến cả trăm triệu là chuyện bình thường. Tích cóp được bao nhiêu lại đem đầu tư, rồi lại vay thêm ngân hàng và vay những người thân quen. Ai mà ngờ được giá đất sụt thê thảm đến mức không kịp cắt lỗ.”
Huy chính thức rơi vào khủng hoảng sau khi cùng chung với một người bạn đầu tư 16 tỷ đồng cho một lô đất ở TP. Thanh Hoá. Chưa kể, anh còn đầu tư thêm hai lô khác trị giá gần 4 tỷ đồng. Trong đó, rủi ro là một lô chưa có sổ đỏ.
Đang thu tiền tỷ giờ chắt chiu từng đồng
Anh Huy cho biết, hiện mỗi sáng mở mắt ra anh phải có 500.000 đồng để trả lãi vay ngân hàng. Từ một người thu nhập vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng/tháng, nay anh phải nhặt nhạnh từ 50.000 – 100.000 đồng sau mỗi “deal” dán điện thoại. May mắn là thu nhập từ công việc này tưởng chừng bèo bọt nhưng lại giúp anh cầm cự được trong giai đoạn này.
“Mỗi tháng em phải trả 15 triệu tiền lãi vay ngân hàng, lãi suất hơn 11%/năm. Ngoài ra, còn phải tằn tiện lắm mới để ra được một khoản, thỉnh thoảng gửi về quê hỗ trợ vợ nuôi hai đứa con. Nợ những người thân quen thì mình đành xin khất vậy”, chia sẻ của Huy phần nào hé lộ mức thu nhập tương đối cao từ công việc dán điện thoại này.
Huy bày tỏ, phải kiên trì mới có thể đi làm công việc này. Thu nhập đủ để trang trải gánh nặng lãi vay nên đành chấp nhận đánh đổi từ một công việc “sang chảnh” là buôn bất động sản.
"Từ trước đến nay bà con hàng xóm ở quê vẫn nghĩ rằng em là người nhiều tiền. Họ chỉ nhìn vào những ngày tháng hoành tráng trước đây của em, lúc nào cũng quần là áo lượt, đi xe hơi, nói chuyện toàn tiền tỷ.
Nhưng họ đâu có biết rằng em đang phải cơ cực như thế này. Ngay cả vợ con em ở nhà cũng không dám nói cho bà con, họ hàng biết về công việc và cuộc sống của em hiện tại. Nhưng thực ra bây giờ em cũng không quan tâm họ nghĩ gì về em đâu. Với em bây giờ mối quan tâm duy nhất là mỗi ngày dán được bao nhiêu cái điện thoại”, Huy trải lòng.
Để thuyết phục khách chi tiền cho miếng dán điện thoại, Huy phải vận dụng cả những kỹ năng có được từ một người từng làm sale bất động sản.
“Công việc dán điện thoại trông thế thôi nhưng lại rất đông khách. Khách hàng của em chủ yếu là dân công sở, họ ngồi quán cà phê, nên em xác định đây là nhóm khách hàng mục tiêu. Có những khách hàng họ từ chối khi được mời, nhưng em vẫn thuyết phục họ chấp nhận bỏ ra số tiền 50.000, 100.000, hay thậm chí 150.000 đồng cho việc dán điện thoại.
Việc này chỉ diễn ra trong thời gian họ uống cà phê nên đâu có mất thời gian của họ. Mà dân công sở thì họ đâu có thì giờ đến các cửa hàng điện thoại chỉ vì một miếng dán màn hình”, Huy nói.
Kể về chuyện “nghề”, Huy cho biết có nhiều lựa chọn cho khách trong việc dán điện thoại. Nào là dán mặt trước, dán mặt sau, dán cường lực hay không cường lực, dán ốp camera,…
“Ngồi nói chuyện với các anh nhưng thực tâm em rất buồn. Em không mong đợi giá đất tăng lên trong nay mai bởi cái gì cũng có chu kỳ của nó. Sau đợt sốt nóng vừa qua, em nghĩ giá đất cần thêm ít nhất vài ba năm nữa mới có thể hồi phục, nên em chấp nhận làm công việc hiện tại”, Huy nói trước khi rời đi để sang quán cà phê khác.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)