Không ai giữ tiền được quá 1 tháng
Anh Trần Mạnh Thường (Hà Nội) từng là người đọc lệnh tại sàn Wefinex thừa nhận, đầu tư tài chính 4.0, công nghệ blockchain… chỉ là cách người ta đánh tráo khái niệm, dùng thuật ngữ khó hiểu loè người chơi. Anh Thường khẳng định, trò này thực chất là bịp bợm, trong 30 giây phím hàng, đặt lệnh, không ai phân tích kịp xu hướng. Từ đó, những người làm việc tại sàn dễ làm nhiễu kết quả, có thể can thiệp bất cứ khi nào.
“Những người làm việc tại sàn BO khi chào mời người chơi thường giới thiệu sàn chỉ là khâu trung gian giúp nhà đầu tư đặt lệnh, chuyển tiền của người thua cho người thắng, hưởng hoa hồng. Tuy nhiên, thực tế kết quả trên sàn nhiều lần thay đổi ở giây cuối. Nhóm điều hành rất có thể đã can thiệp để tỷ lệ người thắng luôn ít hơn người thua. Chưa kể, người chơi mất 5% phí giao dịch/lệnh. Mức này tưởng ít nhưng bào mòn vốn rất nhanh. Ví dụ người chơi đặt 40 lệnh với số tiền bằng nhau, tỷ lệ thắng thua 50-50, bạn vẫn mất 50% vốn”, anh Thường phân tích. Qua những buổi đào tạo, anh Thường nhận ra, hình thức hoạt động của sàn rất tinh vi, càng nhiều người tham gia, sàn càng mạnh.
Qua những buổi đào tạo nhân sự, anh Thường nhận ra, hình thức hoạt động của sàn cực kỳ tinh vi, càng nhiều người tham gia càng tốt. Người đứng đầu sàn BO biến tất cả hệ thống ở dưới làm công cụ kiếm tiền cho mình, đồng thời tẩy não họ. Người chơi luôn thao thao bất tuyệt là họ giúp người khác kiếm tiền, chứ không phải đưa rất nhiều người vào chỗ chết.
Đáng chú ý, anh Thường cho biết, từ 27/7, sàn Wefinex đã chia server thành 4 sàn nhỏ: Deniex, Binanex, Pocinex, Reminex. Sàn này được quảng cáo là sàn có tầm quốc tế nhưng phần lớn lượng truy cập đến từ Việt Nam.
“Cấp trên cùng” ở sàn BO mà anh Thường nhắc đến là người có biệt danh Mr. Sato. Người này luôn giấu mặt, dùng facebook ảo. Khi giao dịch chuyển tiền thì ông ta dùng nhiều tài khoản, không lộ thân phận, nội dung không đề cập chuyện tiền ảo, giao dịch mua bán. Người này chỉ lộ diện trong những buổi đào tạo cấp cao, nhóm nhỏ. Theo anh Thường và những thông tin chia sẻ của các đội nhóm, Mr Sato chính là Lê Ngọc Tuấn (có lúc còn gọi là Tuấn Scam), người liên quan đường dây tiền ảo iFan, Pincoin bị tố lừa đảo để có được 15.000 tỷ đồng năm 2018.
Trong một buổi dạy trực tuyến đào tạo đội nhóm Wefinex gần đây, Tuấn Scam xuất hiện trong hơn 20 phút nhưng chỉ nói về một phương pháp ma trận điều mà anh ta tâm đắc, từng giúp không ít đàn em kiếm rất nhiều tiền trong thời gian ngắn.
Anh Thường cho biết, những người đọc lệnh trong nhóm của anh từng tham gia (nhóm này công bố lợi nhuận đầu tư Wefinex đạt mức 1.700%/tháng) đều là những thanh niên lông bông, thất nghiệp.
Cuộc sống của những người được cho là “chuyên gia”, “hot girl tài chính” không hào nhoáng như những gì họ “nổ” trên mạng ảo. Những người có xe sang, đồ hiệu, nhà đẹp chiếm rất ít và những thứ họ có cũng chỉ để làm màu, dùng để lòe người vào sàn để chơi.
Chuyến tàu vét
Wefinex đã phát hành Alita coin, là dạng token, tài sản kỹ thuật số sử dụng nội bộ. Sàn thưởng Alita cho thành viên có khối lượng giao dịch lớn. Token này giúp giảm phí giao dịch, thăng cấp tài khoản trong hệ thống. Đặc biệt, Alita được kỳ vọng tăng giá mạnh trong tương lai. Giá giao dịch nội bộ Alita hiện là 0,8 USD/Alita. Theo quảng cáo, khi Alita được phát hành sẽ có 5 triệu thành viên nội bộ sử dụng, khi niêm yết lên các sàn quốc tế như Binance, Coinmarketcap, Alita có thể tăng giá 100, 1000 lần.
Diễn biến này gợi lại cho người dùng mô týp quen thuộc của các sàn vừa sập như FX Trading Markets, Busstrade… Đó đều là sàn phát hành tiền ảo, đặt mục tiêu tăng giá rồi biến mất. Busstrade phát hành Btoken trước khi ngừng giao dịch, nhiều người chơi mất hàng tỷ đồng khi nhóm cầm đầu biến mất không dấu vết.
Theo ông Trương Văn Cường, Trưởng Bộ phận An ninh mạng, Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, gần đây, tiền số đang trở nên phổ biến trên thế giới và lập tức bị các đối tượng xấu lợi dụng làm công cụ lừa đảo.
Ông Cường cho rằng, các sàn đang đánh tráo khái niệm blockchain, tiền kỹ thuật số, dùng lợi nhuận khủng che mắt nhà đầu tư. Người không am hiểu, bị tâm lý đám đông chi phối, rất dễ bị lừa. Người ta có thể lập ra website để lừa đảo chỉ mất 24 giờ, nên loại hình kinh doanh mạng ảo này biến tướng rất nhanh.
Vừa qua, kỹ sư Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng quốc gia (NCSC) và cộng sự đã phát hiện website Wefinex cùng loạt các sàn Pocinex, Binanex, Bitcoindefi… đều là trang chứa các nội dung lừa đảo.
Ông Hiếu cũng khuyến nghị người dùng không nên tham gia những loại hình đầu tư này, vì bản chất đây chỉ là trò chơi cờ bạc.
Cần mạnh tay xử lý
Để chặn “vòi bạch tuộc” sàn ảo, tiền ảo đa cấp tung hoành như hiện nay, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, ngoài kẻ cầm đầu, thì các cấp trung gian tham gia sàn BO cũng phải bị xử lý. Họ là nhóm trực tiếp xúi giục, lôi kéo người dân tham gia đầu tư.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, các tổ chức cá nhân tham gia, vận động người tham gia đầu tư thông qua các sàn đầu tư tài chính đều có thể bị xử lý hình sự. Thủ đoạn gian dối thì bị xử theo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, mức phạt cao nhất là tù chung thân. Còn tội kinh doanh đa cấp trái pháp luật sẽ bị xử phạt tới mức 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam.
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN liên tục cảnh báo người dân, hết sức thận trọng với những hình thức kinh doanh, đầu tư theo lời mời chào nếu đầu tư sẽ được nhận về mức lãi suất, lợi nhuận cả trăm phần trăm. Wefinex liên tục bị cơ quan công an cảnh báo là nơi kinh doanh đa cấp trái phép. Wefinex thuộc Winsbank Holding Limited, công ty con của World Blockchain Holding Limited, có trụ sở tại Belize. Đây là quốc gia Trung Mỹ, “thiên đường trốn thuế” mà Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo.
World Blockchain Holding Limited đặt tại Trung Mỹ nhưng thực tế, cơ quan công an phát hiện một nhóm đối tượng tại Việt Nam có liên quan tổ chức này hoạt động tại Việt Nam và không có giấy phép kinh doanh. WinsBank có dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, nhưng chưa được Bộ Công Thương cấp phép theo quy định.
Theo Thùy Dương (Tiền Phong)