Hàng hóa, thực phẩm khan hiếm và tăng giá đột biến đang trở thành câu chuyện nóng tại TP.HCM trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Vừa qua, video phát trực tiếp của một người phụ nữ kể chuyện đi siêu thị mua mớ rau răm héo giá 14.000 đồng, củ gừng 21.000 đồng,... đã thu hút tới gần 3 triệu lượt xem và hơn 41.000 bình luận chỉ sau 2 ngày đăng tải.
Người phụ nữ công khai hóa đơn mua một vài món hàng tại siêu thị B và bày tỏ thái độ bức xúc: "Nghĩ sao thời buổi khó khăn, họ bán rau răm vừa héo, vừa ít mà bán 14.994 đồng, tăng giá lên gấp 3-4 lần. Bằng từng này tôi ra chợ mua chỉ 1.000 đồng thôi, 1.000 đồng còn nhiều hơn thế.
Còn củ gừng này giá 21.912 đồng, các bạn thấy có xứng đáng không, có thương dân không? Rồi đây vài củ sả giá 9.688 đồng, từng này bên ngoài tôi mua chỉ có 3.000 đồng. Món cuối cùng là nấm ngọc châm nâu, 2 hộp giá 54.000 đồng".
Đáng nói siêu thị được nhắc tên trong clip này chính là Bách hóa Xanh, dưới video đã có không ít tài khoản tuyên bố tẩy chay siêu thị này sau khi dịch kết thúc. Và mới đây Bách Hóa Xanh đã có phản hồi về việc giá một số mặt hàng tăng cao trong những ngày qua trên fanpage chính thức.
Cụ thể, trên fanpage của Bách Hóa Xanh cho hay: "Chúng tôi khẳng định Bách Hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh, và chúng tôi cũng không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng tươi sống.
Chính sách giá bán lẻ áp dụng với một số mặt hàng thiết yếu tại thành phố Hồ Chí Minh đã được điều chỉnh theo sự biến thiên của giá nhập đầu vào tại những thời điểm nhất định.
Đồng thời chúng tôi cũng nỗ lực bảo toàn tính cân bằng và hài hoà giữa lợi ích người tiêu dùng và việc vận hành hàng ngàn cửa hàng bán lẻ trong giai đoạn, bao gồm các yếu tố trọng yếu như hệ thống kho bãi, vận chuyển, cung ứng, nhà cung cấp, nhân sự và cả chi phí bảo đảm an toàn cho người mua hàng trong giai đoạn dịch bùng phát này.
Cụ thể những vấn đề sau đây chúng tôi đang tập trung nỗ lực để giải quyết:
1. Thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng Bách Hóa Xanh tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng (cộng thêm giá xăng tăng) và tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao.
2. Vấn đề nhân sự tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục từ kho đến cửa hàng khi nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến; nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc.
3. Nhân sự tài xế, kho bãi với số lượng hàng ngàn người bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm cách 3 ngày một lần. Ngoài ra việc xét nghiệm liên tục này cũng áp dụng cho hàng trăm nhân viên bắt buộc di chuyển ở 2 tỉnh lân cận.
4. Chúng tôi phải bảo đảm chỗ ở cho nhân viên ở gần kho nhằm giảm thiểu nguy cơ nhân viên nhiễm bệnh hoặc bị cấm di chuyển do sinh sống ở vùng phong tỏa dẫn đến thiếu nhân sự và buộc phải tạm dừng hoạt động kho và cửa hàng.
5. Hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông.... Bách Hóa Xanh đã thực hiện giải pháp bán hạn chế số lượng cho mỗi khách hàng đối với một số mặt hàng ở một số cửa hàng để chống lại hiện tượng mua gom hàng về bán giá gấp 2 - 3 lần của một số người.
Chúng tôi cũng đã đồng hành cùng Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các điểm bán hàng lưu động để phục vụ nhu yếu phẩm cho người dân vùng phong tỏa. Tuân thủ an toàn đi đôi với việc duy trì nguồn cung lương thực, thực phẩm ổn định trong giai đoạn này chính là ưu tiên hàng đầu của Ban lãnh đạo Bách Hoá Xanh.
Bằng thông cáo này, chúng tôi chính thức chia sẻ thông tin đến Quý cổ đông và Quý khách hàng, kính mong Quý cổ đông và Quý khách hàng cùng san sẻ những khó khăn với tập thể hàng ngàn nhân viên Bách Hoá Xanh, để tiếp lửa cho chúng tôi tiếp tục giữ vững "trận chiến" bảo đảm nguồn lương thực thiết yếu trong thời khắc này".
Theo Hải Yến (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)