Một tín hiệu đáng lo ngại mới của thị trường tài chính toàn cầu sau khi cử tri Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)...
Tỷ giá đồng Bảng Anh đã lập đáy mới của 31 năm trong phiên giao dịch sáng nay (6/7), một tín hiệu đáng lo ngại mới của thị trường tài chính toàn cầu sau khi cử tri Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra cách đây 2 tuần.
Theo tin từ Reuters, tỷ giá đồng Bảng so với USD đã rớt xống mức 1,295 USD đổi 1 Bảng, thấp nhất từ năm 1985, từ mức đáy trước đó là 1,3 USD đổi 1 Bảng thiết lập vào đêm qua. So với đồng Yên, tỷ giá đồng Bảng giảm xuống dưới mức 131 Yên đổi 1 Bảng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2012.
Trong khi đó, tỷ giá đồng Euro so với đồng Bảng đang ở gần mức cao nhất trong 2 năm rưỡi là mức 0,8548 Bảng đổi 1 Euro thiết lập vào đêm qua.
Sau khi sự kiện Brexit khiến giá tài sản toàn cầu lao dốc mạnh, 3 quỹ đầu tư bất động sản thương mại của Anh với tổng giá trị tài sản khoảng 10 tỷ Bảng đã phải ngừng giao dịch trong tuần này. Diễn biến này càng khiến thị trường thêm lo ngại.
Trong một dấu hiệu khác về sự bất ổn của thị trường, giá cổ phiếu các ngân hàng Italy vốn đang gánh một lượng nợ xấu khổng lồ đã sụt giảm chóng mặt trong phiên giao dịch ngày thứ Ba.
Với tâm trạng lo sợ, các nhà đầu tư đổ xô mua trái phiếu kho bạc Mỹ để tìm kiếm cảm giác an toàn, khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,357%.
Trên thị trường tiền tệ, nhu cầu tìm kiếm “vịnh tránh bão” đã đưa tỷ giá đồng Yên tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Tỷ giá đồng USD so với đồng Yên đã giảm xuống mức 101,24 Yên đổi 1 USD, từ mức cao gần đây là 103,4 Yên đổi 1 USD. Tuy nhiên, mức tỷ giá này chưa thấp như mức 99 Yên đổi 1 USD vào hôm 24/6 khi kết quả trưng cầu dân ý ở Anh vừa mới được công bố.
So với thời điểm trước Brexit, tỷ giá đồng Yên so với USD đã tăng hơn 5%.
Tỷ giá đồng Euro so với đồng Yên giảm dưới 112 Yên đổi 1 USD lần đầu tiên trong hơn 1 tuần, nhưng vẫn còn cao hơn mức đáy 109,3 Yên đổi 1 Euro hôm 24/6.
“Đồng Yên đang chịu sức ép tăng giá từ việc đồng Bảng bị bán tháo. Đây là một thị trường lo ngại rủi ro. Cần phải tiếp tục thận trọng trước tâm lý lo sợ rủi ro mà Brexit gây ra”, nhà phân tích Takyua Kawataba thuộc công ty Gaitame.com ở Tokyo nhận định.
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương sáng nay giảm phiên thứ hai liên tục, với mức giảm khoảng 2%. Chỉ số Topix của chứng khoán Nhật giảm 3%, trong khi thị trường Hồng Kông và Hàn Quốc giảm 2%.
Phiên đêm qua, chứng khoán Mỹ giảm 0,6% và chứng khoán Anh giảm 0,5%.
Cùng với đồng Yên Nhật và trái phiếu kho bạc Mỹ, vàng là một “vịnh tránh bão” khác được các nhà đầu tư ưa chuộng vào thời điểm hiện nay. Giá vàng thế giới sáng nay có lúc vượt 1.370 USD/oz, cao nhất trong hơn 2 năm.
“Thị trường sẽ tập trung vào những rủi ro đang nổi lên ở châu Âu. Những thông tin về Brexit và các ngân hàng Italy sẽ quyết định sự biến động của thị trường”, một báo cáo của ngân hàng ANZ có đoạn viết.
Hôm qua, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney nói rằng các rủi ro mà Brexit gây ra đã bắt đầu được thể hiện.
Kết quả một cuộc thăm dò công bố cùng ngày cho thấy mức độ bi quan của các nhà điều hành doanh nghiệp Anh về triển vọng nền kinh tế đã tăng gấp đôi kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý. Số liệu được công bố hồi đầu tuần cho thấy hoạt động xây dựng ở Anh trong tháng 6 giảm mạnh nhất từ năm 2009, trong khi ngành dịch vụ chững lại.
Theo Thăng Điệp (VnEconomy.vn)