Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) vừa ghi nhận một diễn biến mới trong cuộc chiến tranh giành quyền lực trong hội đồng quản trị (HĐQT) ở vị trí chủ tịch doanh nghiệp xây dựng hàng đầu của Việt Nam.
Ông Lê Viết Hải, cổ đông lớn Xây dựng Hòa Bình (với tỷ lệ nắm giữ 17,14% cổ phần) yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường với chương trình họp dự kiến gồm 4 nội dung chính.
Thứ nhất: Thông qua việc bãi nhiệm một số thành viên HĐQT; Thứ hai: Thay đổi một số quy định trong Điều lệ của Công ty; Thứ ba: Bầu bổ sung một số thành viên HĐQT mới; và cuối cùng: Đính chính và làm sáng tỏ các thông tin tài chính của HBC “đã bị nhóm ông Nguyễn Công Phú công bố không chính xác và diễn giải sai lệch”.
ĐHCĐ được ông Lê Viết Hải yêu cầu triệu tập diễn ra giữa căng thẳng tại HĐQT của Xây dựng Hòa Bình. Hai lãnh đạo của HBC mâu thuẫn gay gắt và khẳng mình chính là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của HBC, đồng thời dọa đâm đơn kiện trong nội chiến quyền lực tại doanh nghiệp này.
Cuộc nội chiến tại Xây dựng Hòa Bình
Cuộc nội chiến tại Xây dựng Hòa Bình lên cao ngay đầu năm mới 2023 khiến nhiều người lo lắng thương hiệu hàng đầu Việt Nam có thể rơi vào thảm họa lao dốc.
Theo Thông cáo báo chí ghi ngày 6/1 được công bố trên website chính thức của HBC, vào chiều 5/1, hai thành viên HĐQT độc lập của HBC gồm, ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng, đã tổ chức gặp gỡ và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về các thông tin kinh doanh nội bộ của Tập đoàn tại một quán cà phê trên đường Pasteur, Quận 1, TP.HCM sau 2 lần dời địa điểm cùng ngày.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí, nhóm ông Phú cáo buộc, nguồn cơn dẫn đến cuộc xung đột tại HĐQT Xây dựng Hòa Bình là do doanh nghiệp “bị thất thoát vốn và tỷ lệ nợ cao”, “không thể để tình trạng gia đình trị ở Hòa Bình”, “ông Hải điều hành đã đi sai hướng”… và sẽ khởi kiện tới Tòa án Nhân dân TP.HCM.
Thông cáo cho rằng, 2 thành viên HĐQT độc lập đã cố tình bóp méo, xuyên tạc, thậm chí nói ngược với sự thật, với động cơ bôi nhọ danh dự, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của lãnh đạo và danh tiếng của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng như quyền lợi của các cổ đông…
Cuộc nội chiến tại Xây dựng Hòa Bình có thể kéo dài khi mà cả 2 bên đều rất căng thẳng, tính kiện nhau ra các cơ quan chức năng, thậm chí để “xem xét trách nhiệm hình sự của các cá nhân”.
Hiện tại, cả ông cả ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú đều cho rằng mình là chủ tịch hợp pháp của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình kể từ 1/1/2023.
Tranh chấp bắt đầu từ sự việc HĐQT Tập đoàn Hòa Bình hôm 14/12/2022 có nghị quyết thông qua đơn từ nhiệm tư cách thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải, đồng thời bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức Chủ tịch HBC thay ông Hải và sẽ bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc HBC với ông Hiếu (con trai ông Hải) từ ngày 1/1/2023.
Tuy nhiên, vào tối ngày 31/12/2022, HĐQT Xây dựng Hòa Bình đã công bố nghị quyết thông qua việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023; Nghị quyết cũng hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu.
Ngay sau khi thông tin này được công bố, sáng 1/1/2023, một số thành viên HĐQT, gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã phát đi một văn bản bác bỏ động thái của ông Lê Viết Hải đưa ra hôm 31/12/2022, với cáo buộc cuộc họp HĐQT của HBC không có đủ thành viên theo yêu cầu.
Thông cáo hôm 1/1/2023 của nhóm này cho hay, các thông cáo của ông Lê Viết Hải với báo chí không những không có cơ sở pháp lý mà còn sai sự thật, vì ông Hải không thể tiến hành được cuộc họp HĐQT theo quy định.
Phía ông Phú cũng thông tin đã thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan tư pháp liên quan về tất cả động thái vi phạm quy chế, quy định của ông Lê Viết Hải trong những ngày vừa qua. Đồng thời, đề nghị ông Hải không được phép thực hiện bất kỳ hành động nào mang tính cản trở việc kế nhiệm của Chủ tịch HĐQT được bầu Nguyễn Công Phú.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)