Giá bán thua xa các đối thủ cạnh tranh
Theo Tổng cục Thống kê, ước tính tháng 3/2023, Việt Nam xuất khẩu 230 nghìn tấn cà phê, trị giá 522 triệu USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 10,2% về trị giá so với tháng 3/2022. Tính đến hết quý I/2023, xuất khẩu cà phê của nước ta ước đạt 572 nghìn tấn, thu về gần 1,27 tỷ USD, giảm 1,6% về lượng và giảm 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Quý I/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.214 USD/tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt khoảng 1,78 triệu tấn, thu về 4,06 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và 32% về giá trị so với năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu cà phê vượt mốc 4 tỷ USD.
Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê (giai đoạn tháng 2/2021-1/2022), chỉ xếp sau Brazil. Còn xét về năng suất trồng, cà phê Việt Nam đứng đầu thế giới khi đạt 2,4 tấn/ha. Song, giá cà phê xuất khẩu của nước ta lại rất rẻ, luôn xếp chót bảng trong các nước xuất khẩu.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu cho hay, trong năm 2022, EU nhập khẩu 3,05 triệu tấn cà phê, trị giá 12,81 tỷ EUR (tương đương 13,85 tỷ USD) từ các thị trường ngoại khối (các nước không thuộc EU).
Với khối lượng xuất khẩu đạt 662 nghìn tấn, trị giá gần 1,54 tỷ EUR (tương đương 1,66 tỷ USD), Việt Nam là nhà cung cấp cà phê ngoại khối lớn thứ 2 vào thị trường EU, chỉ đứng sau Brazil.
Tuy nhiên, trong 5 nhà cung cấp cà phê ngoại khối lớn nhất vào thị trường EU, giá của phê Việt lại đứng chót bảng. Cụ thể, giá cà phê EU nhập từ Brazil là 4.162 EUR/tấn; từ Honduras là 5.036 EUR/tấn; Uganda là 2.539 EUR/tấn; từ Ấn Độ là 2.728 EUR/tấn; trong khi giá trung bình nhập cà phê từ Việt chỉ ở mức 2.323 EUR/tấn, thua xa giá so với Brazil, Honduras và cả Ấn Độ.
Tương tự, số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ công bố cho thấy, trong 11 tháng năm 2022, Mỹ nhập khẩu cà phê chủ yếu từ Brazil, Colombia, Việt Nam, Guatemala, Mexico... với giá trung bình 5.817 USD/tấn.
Song, giá Mỹ nhập khẩu cà phê từ Việt Nam chỉ ở mức 2.331 USD/tấn; giá nhập từ Colombia lên tới 6.345 USD/tấn (gấp 2,7 lần so với giá Việt Nam); nhập từ Guatemala với giá 6.082 USD/tấn; từ Mexico, Brazil lần lượt ở mức 5.559 USD/tấn và 4.315 USD/tấn; nhập từ các thị trường khác với giá 7.727 USD/tấn.
Vẫn bán thô và không có thương hiệu
Trao đổi với VietNamNet về câu chuyện giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam luôn thua xa so với các nước khác, ông Doãn Hữu Tuệ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt (doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê), chỉ rõ, đa phần cà phê Việt xuất khẩu dưới dạng thô nên giá rất rẻ.
Cà phê chế biến sâu giúp gia tăng giá trị nhưng tỷ lệ sản phẩm chế biến trong xuất khẩu lại không nhiều. Chưa kể, nước ta xuất khẩu chủ yếu là cà phê Robusta (chiếm khoảng 75,5% tổng giá trị xuất khẩu cà phê năm 2022) song giá loại này lại thấp hơn so với giá cà phê Arabica.
Chúng ta cũng chưa xây dựng được thương hiệu tầm cỡ quốc gia cho cà phê Việt. Thế nên, bao nhiêu năm nay, Việt Nam dù nằm trong nhóm quốc gia xuất khẩu cà phê top đầu thế giới nhưng tiền thu về lại ít.
“Xuất khẩu giá rẻ thì doanh nghiệp cũng sẽ thu mua cà phê của người nông dân với giá thấp. Cuối cùng vẫn là người nông dân chịu thiệt thòi”, ông Tuệ nói.
Là doanh nghiệp có đến hơn 80% lượng cà phê xuất khẩu là sản phẩm chế biến sâu, ông Tuệ khẳng định, công nghệ chế biến cà phê của các doanh nghiệp Việt đều rất hiện đại, không thua kém gì so với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, để gia tăng giá trị cho hạt cà phê đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đồng thời làm thương hiệu quốc gia cho mặt hàng này.
“Câu chuyện thương hiệu quốc gia cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Doanh nghiệp không thể tự làm đơn lẻ và cũng khó có đủ nguồn lực tài chính để làm thương hiệu quốc gia cho sản phẩm”, ông nhấn mạnh.
Colombia có sản lượng xuất khẩu chỉ gần 1 triệu tấn, thu về giá trị 3,2 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới. Trong khi, Việt Nam xuất khẩu 1,78 triệu tấn, thu về trên 4,06 tỷ USD, tức giá trị xuất khẩu thấp hơn 30% so với Colombia. Điều giúp Colombia thu về giá trị cao hơn là nhờ vào chất lượng và thương hiệu cà phê mà quốc gia này xây dựng.
Tại tọa đàm "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt" do báo Thanh Niên tổ chức ngày 6/4, ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Phúc Sinh Group - chia sẻ câu chuyện thành công khi xây dựng thành công thương hiệu cà phê Blue Sơn La.
“Sau khi có thương hiệu, giá cà phê tươi ở đây từ 6.500 đồng/kg đã có thời điểm lên tới 15.000 đồng/kg, sản xuất được khoảng 400.000 tấn. Lãnh đạo tỉnh vui mừng chia sẻ lần đầu tiên người nông dân Sơn La trong mùa dịch có tiền gửi tiết kiệm ngân hàng tới 250 tỷ đồng”, ông nói. Theo ông Thông, giá bán cà phê Arabica của Sơn La cũng cao hơn rất nhiều các loại cà phê nội địa của Việt Nam hiện nay.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng đề cập, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới.
Theo ông, thế giới tiếp cận cà phê không chỉ là một loại thức uống. Rất nhiều giá trị kinh tế từ cây cà phê như: mật ong hoa cà phê, phân bón từ bã cà phê; thuốc nhộm vải, sợi, giày… cũng có thể làm từ cà phê.
Về thương hiệu cà phê, Bộ trưởng nhấn mạnh, muốn cạnh tranh phải xây dựng thương hiệu. Ông mong các doanh nghiệp khi xây dựng thương hiệu phải định vị lại, phải biết kể câu chuyện để gieo vào cảm xúc của người tiêu dùng.
Theo Tâm An (VietNamNet)