Nỗi ám ảnh lớn dần: Liên tục giảm, chứng khoán mất mốc 1.450 điểm

14/03/2022 15:39:36

Sau một năm tăng bùng nổ với số lượng NĐT mới lớn chưa từng có, dòng tiền bắt đáy trên thị trường chứng khoán tiếp tục ở mức rất lớn. Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn còn và áp lực bán ra khiến giá cổ phiếu không ngừng xuống dốc.

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 14/3 biến động khá mạnh. Trong buổi sáng, hàng loạt cổ phiếu giảm giá khiến VN-Index có lúc mất hơn 27 điểm và xuống xa dưới ngưỡng 1.450 điểm. Tuy nhiên, việc thị trường giảm sâu đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy.

Đầu giờ chiều, chỉ số VN-Index có lúc chỉ còn giảm vài điểm. Dù vậy, áp lực bán lại tăng mạnh sau đó và kéo chỉ số này chung cuộc giảm hơn 20 điểm, chính thức mất mốc 1.450 điểm và rơi xa ngưỡng 1.500 điểm cũng như đỉnh cao 1.530 điểm ghi nhận hồi đầu năm.

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô giảm mạnh từ đỉnh cao 140 USD/thùng ghi nhận trong tuần trước xuống ngương 105-109 USD/thùng như hiện nay, qua đó khiến cho áp lực bán diễn ra mạnh mẽ đối với nhóm cổ phiếu dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhiều cổ phiếu dầu khí giảm sâu. Cổ phiếu GAS giảm 6.900 đồng, xuống 106.000 đồng/cp, giảm khá nhiều so với đỉnh 125.000 đồng hồi đầu tháng 3. Petrolimex (PLX) giảm 2.100 đồng xuống 55.900 đồng/cp; Kinh doanh dầu khí hóa lỏng miền Bắc (PVG) giảm sàn hơn 9,7% xuống còn 15.800 đồng/cp. Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVC) giảm sàn 9,8% xuống 26.700 đồng/cp...

Nỗi ám ảnh lớn dần: Liên tục giảm, chứng khoán mất mốc 1.450 điểm
Chỉ số VN-Index rớt khỏi ngưỡng 1.450 điểm.

Với viêc giá dầu giảm và doanh nghiệp ngành thép, than cũng gặp khó khăn chứ không chỉ hưởng lợi từ biến động giá trên thế giới từ cuộc chiến Nga - Ukraine. Các cổ phiếu này cũng giảm khá mạnh khi giá hàng hóa trên thế giới hạ nhiệt trong những ngày qua.

Cổ phiếu Hòa Phát (HPG) giảm 1.800 đồng, xuống 45.800 đồng/cp.

Nhóm cổ phiếu lớn cũng đồng loạt giảm mạnh.

Chứng khoán SSI giảm 1.800 đồng, xuống 43.200 đồng/cp; Masan (MSN) giảm 6.400 đồng, xuống 136.100 đồng/cp; FPT giảm 1.400 đồng, xuống 91.800 đồng/cp...

Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng có diễn biến tích cực ở nhiều mã. MBBank, Sacombank, TPBank, Vietcombank... tăng nhẹ.

Cổ phiếu ngành hàng không VietJet (VJC) của nữ tỷ phú tăng mạnh 6.500 đồng, lên 145.000 đồng/cp khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào việc Việt Nam mở cửa du lịch.

Việt Nam vẫn được xem là đến chiến lược với nhiều doanh nghiệp lớn trên quốc tế đẩy mạnh đầu tư. Điểm sáng này sẽ tiếp tục khi Việt Nam sẽ mở cửa lại hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3.

Một yếu tố được dự báo có thể tác động tiêu cực tới giá cổ phiếu Việt Nam là rủi ro lạm phát cao. Giá xăng dầu Việt Nam gần đây tăng mạnh theo giá dầu thô thế giới. Dù vậy, mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam, theo VinaCapital, không quá lớn. Tăng trưởng GDP năm 2022 vẫn được dự báo sẽ đạt 6,5%. Đồng VND vẫn mạnh mẽ trong năm 2022. FDI vẫn đang xu hướng tăng trở lại.Giá bất động sản và nhân công ở Việt Nam vẫn tương đối rẻ cùng với khả năng tiếp cận các cảng, sân bay quốc tế so với các nước trong khu vực. Đây là yếu tố khiến Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Chứng khoán MBS, bối cảnh chứng khoán thế giới đang ổn định trở lại và nhà đầu tư đang chờ đợi phiên họp chính sách tiền tệ từ Fed vào giữa tuần sau, do vậy tâm lý thận trọng sẽ lên cao, đặc biệt tuần sau hợp đồng tương lai tháng gần nhất cũng đáo hạn.

Còn VCBS cho rằng, sự phân hóa trên thị trường vẫn đang diễn ra cho dù nhiều chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới bắt đầu cho thấy những tín hiệu hồi phục đầu tiên.

Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội nhận định, trong tuần này, chỉ số VN-Index có thể sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ tiếp theo 1.425-1.450 điểm nếu như không sớm lấy lại được ngưỡng 1.470 điểm.

Theo M. Hà (VietNamNet)

 

Nổi bật