Nhận định từ giới đầu tư cho thấy, đến thời điểm này: Chứng khoán đã qua quãng thời gian “mua là thắng”, với bước nhảy vọt của VN-Index từ 600 điểm lên vùng 1.500 điểm chỉ trong 2 năm (từ đáy tháng 3/2020). Ở nhiều diễn đàn chứng khoán, không ít nhà đầu tư cũng đều thừa nhận là đã “mất bánh chưng” khi thị trường điều chỉnh mạnh. Ngay cả hết tháng giêng sau Tết, đến lúc này, VN Index chỉ dao động quanh mốc 1.500 điểm, nhà đầu tư tìm được mức lợi nhuận 20-30% như trước đây rất ít. Nhiều nhà đầu tư than: “Muốn tìm kiếm lợi nhuận tốt phải liên tục đảo hàng, mệt đến bã người, chóng mặt”.
Một nhà đầu tư chứng khoán ngắn hạn bỏ ra hơn 2 tỷ đồng (giải ngân dần sau Tết, đến nay chỉ lãi được 2%) kể: “Giai đoạn kiếm tiền tốt nhất, tôi nghĩ lúc này đã qua. Hiện tại, phải chờ ít nhất thêm vài tháng xem thế nào, cho nên tốt nhất là phải kiên nhẫn. Danh mục đầu tư của tôi gồm cổ phiếu ngân hàng, thép, dầu khí và bất động sản. Cổ phiếu thép, bất động sản “cứu” tài khoản chung”.
“Kẹp hàng” VN30, cổ phiếu vốn hoá lớn, nhiều nhà đầu tư cũng đang sốt ruột nhìn tiền trong tài khoản bốc hơi. Đơn cử, mã vốn hoá lớn nhất thị trường - VIC, lao dốc tới gần 20% chỉ trong 1 tháng, từ vùng giá trên 91.000 đồng/cổ phiếu (trước Tết), nay “ngụp lặn” dưới 80.000 đồng/cổ phiếu. “Mua VIC từ lúc 105.000 đồng/cổ phiếu, số vốn 118 triệu đồng giờ còn hơn 90 triệu đồng, tôi lỗ nặng. Vài mã nhỏ và vừa khác chưa đủ cân bằng tài khoản”, anh Lê Hoàng (nhà đầu tư chứng khoán non trẻ tại Hà Nội) cho biết.
Kỳ vọng của giới đầu tư nói chung hiện đang đặt nhiều vào thị trường tháng 3, bởi đây là thời điểm thị trường chứng khoán đứng trước cơ hội đón đầu xu hướng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và mùa họp đại hội cổ đông thường niên.
Dòng tiền “ngụp lặn”
Giới phân tích nhận định, tháng 2 vừa qua, yếu tố mùa vụ (nghỉ Tết kéo dài hết tuần đầu) và tâm lý do dự của nhà đầu tư khi thị trường thiếu vắng ngành dẫn dắt, là những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến thanh khoản. Xét tỷ trọng giá trị giao dịch theo từng ngày, dữ liệu từ hãng phân tích FiinGroup cho thấy: Tháng 2/2022, dòng tiền luân chuyển rất nhanh giữa các nhóm ngành, chỉ vài ngày thay vì vài tuần như trước đây. Tuy nhiên, FiinGroup cũng khẳng định: dòng tiền chưa thực sự quay lại nhóm vốn hoá lớn.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, nhiều công ty chứng khoán đang kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại với cổ phiếu thuộc nhóm doanh nghiệp vốn hoá lớn. Trong khi đó, nhà đầu tư trung-dài hạn vẫn nên chờ đợi thời điểm mặt bằng giá thị trường ổn định hơn rồi mới nên cân nhắc tiến hành giải ngân. Các nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng ngắn hạn được khuyến nghị có thể giải ngân với tỷ trọng nhỏ vào nhóm cổ phiếu trụ, dẫn dắt thị trường.
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu của VinaCapital nhận định, điều dễ thấy nhất có thể ảnh hưởng danh mục đầu tư là rủi ro lạm phát. Ở phía cung, các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây nhằm vào Nga và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản, qua đó trực tiếp làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao. Ở phía cầu, lạm phát (có thể có) sẽ làm cho tiêu dùng và tiến độ giải ngân đầu tư trong nền kinh tế (bao gồm cả đầu tư công) chậm lại, do mặt bằng giá cao và biến động khó lường. Bên cạnh đó, rủi ro vĩ mô thế giới nhìn chung cũng có thể gián tiếp ảnh hưởng đà phục hồi chung của nền kinh tế Việt Nam.
Theo phân tích, thời gian tới, dòng tiền sẽ có “điểm rơi” vào các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ việc giá năng lượng, hàng hoá trên thế giới tăng cao, căng thẳng Nga - Ukraine. Đánh giá của nhóm phân tích từ Công ty Chứng khoán VNDirect, ngành hưởng lợi nhất từ biến động này là dầu khí, nhất là khi giá dầu được dự báo tăng mạnh trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Giá dầu không chỉ thúc đẩy giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà còn cải thiện triển vọng của ngành trong dài hạn...
Theo Việt Linh (Tiền Phong)