Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, hôm qua (18/7), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND về việc tăng cường áp dụng các biện pháp cấp bách phòng dịch COVID-19 từ 0h00 ngày 18/7 trong đó có yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.
Theo đó, những quán phở nức tiếng Hà thành cũng nhanh chóng áp dụng những biện pháp giãn cách phù hợp để phòng chống dịch trong những ngày Hà Nội giãn cách.
Trong những ngày này, bên cạnh những quán phở bán mang về thì đa số những hàng phở nổi tiếng tại Hà Nội lựa chọn phương án đóng cửa hẳn hoặc cùng lắm chỉ mở bán vài tiếng buổi tối.
Theo ghi nhận của Zing.vn từ những người dân xung quanh, càng là những hàng phở đông khách, người chủ càng bảo vệ thương hiệu bằng cách thà nghỉ bán chứ không bán mang về vì khiến món ăn của họ mất ngon.
"Đặc trưng của phở là phải ăn nóng tại chỗ, mang về sẽ bị nồng và nguội và còn nhiều lý do khác", một chủ quán phở cho biết.
PHỞ THÌN LÒ ĐÚC
Địa chỉ được nhắc đến nhiều nhất chính là Phở Thìn, số 13 Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Phở Thìn Lò Đúc nổi tiếng với nước dùng béo ngậy mà không ngấy và là một trong số ít hàng phở tái lăn ngon đặc biệt ở Hà Nội.
Ăn ở đây phải trả tiền trước, giá hiện tại 70.000 đồng/tô. Vào giờ cao điểm buổi sáng, khách khi đến thường xuyên phải đợi người khác bước ra mới có chỗ ngồi.
PHỞ GIA TRUYỀN BÁT ĐÀN
Quán phở nổi tiếng nhất nhì Hà thành nằm trên phố Bát Đàn hiện đã đóng cửa hẳn, không kinh doanh dù thành phố cho phép bán mang về những ngày giãn cách.
Có rất nhiều quán có đề biển là phở Bát Đàn, tuy nhiên quán Phở gia truyền số 49 Bát Đàn, Hoàn Kiếm, Hà Nội là nơi duy nhất bán phở truyền thống Bát Đàn và không có thêm bất kì chi nhánh nào. Điều này tạo nên độ “độc” của món phở chỉ có ở nơi đây.
Ngoài ra, quán này không có nhân viên phục vụ, tất cả các thực khách hoàn tự động phục vụ mình, khi đến lượt tự thanh toán tự trả tiền và bưng phở về.
PHỞ 10 LÝ QUỐC SƯ
Phở 10 Lý Quốc Sư là một thương hiệu phở nhượng quyền nằm trên con phố cùng tên cũng trong cảnh cửa đóng then cài cả ngày. Được biết, tiệm này cũng không bán mang về từ đợt cấm trước đó mà đã đóng cửa hoàn toàn.
Đây được đánh giá là một trong những quán phở ngon nhất Việt Nam bởi dù hiện nay có rất nhiều các cơ sở hay những địa điểm khác cũng lấy tên là Phở Lý Quốc Sư nhưng không ở đâu có thể ngon bằng phở ở chính cái nơi đã khai sinh ra tên gọi này.
PHỞ KHÔI HÓI HÀNG VẢI
Bên cạnh đó, vẫn có một vài hàng phở nổi tiếng khác duy trì hoạt động bằng cách bán mang đi. Phở Khôi Hói tại Hàng Vải (50C Hàng Vải, Hoàn Kiếm) vẫn có lượng khách nhất định. Nhân viên của quán cho biết trung bình một ngày quán bán được khoảng 40 suất, cao điểm là vào buổi sáng.
Điều khiến cho phở Khôi hói khác biệt là quán nổi tiếng với món phở bò lõi – phần thịt hiếm và được xem là ngon nhất của con bò. Một bát phở ở đây có giá dao động từ 35.000 đến 60.000 đồng.
PHỞ GÀ NGUYỆT PHỦ DOÃN
Phở gà Nguyệt ở phố Phủ Doãn ngày thường hoạt động chủ yếu vào buổi sáng và buổi tối, nhưng giờ đây chỉ bán cho khách mang về vào buổi tối từ 18h đến 21h.
Phở gà Nguyệt tại Phủ Doãn từng được các "tín đồ phở" xếp vào danh sách Top 10 hàng phở gà thủ đô. Quán này nổi tiếng với món phở trộn đặc trưng được nhiều thực khách đánh giá cao.
PHỞ THẬT TRẦN NHẬT DUẬT
Phở Thật tại Trần Nhật Duật, những ngày trước dịch đón khách từ 17h hôm trước đến 5h hôm sau. Khách chủ yếu là thanh niên, đặc biệt là những cặp đôi đến ăn khuya. Bởi vậy trong mùa dịch, quán này bị ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều hàng phở khác.
PHỞ LÝ BÉO HÀNG NÓN
Chủ hàng phở Lý Béo tại Hàng Nón chia sẻ với Zing, trước đây quán bán khoảng khoảng 25kg bánh phở mỗi ngày nhưng nay giảm chỉ còn 5kg.
Từ lâu, quán chỉ mở bán từ lúc 18h đến 23h, nhưng từ khi có lệnh cấm hoạt động sau 21h quán gặp nhiều khó khăn. Chị không dám nhập nhiều nguyên liệu vì chỉ bán được trong vòng 2, 3 tiếng là đã phải đóng cửa, chị Thư chủ quán nói thêm.
Theo Công điện số 15/CĐ-UBND TP Hà Nội, người dân được khuyến cáo ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…
Dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu, xăng, dầu...); các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về...
Người dân hạn chế tối đa việc di chuyển từ Hà Nội đến các tỉnh, thành phố khác và ngược lại; tổ chức lại các hoạt động vận tải, đảm bảo giao thương, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất và đảm bảo theo yêu cầu phòng chống dịch của Thành phố.
Đồng thời thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khai báo y tế thường xuyên trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone khi ra ngoài. Khuyến khích mọi người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà.
Theo Hải Yến (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)