Video: Ba cửa hàng Khaisilk ở Sài Gòn bị kiểm tra
Khaisilk: Bê bối kinh doanh 30 năm
Từng là thương hiệu tơ lụa cao cấp hàng đầu Việt Nam với gần 30 năm kinh doanh và phát triển, danh tiếng của Khaisilk cùng ông chủ - doanh nhân Hoàng Khải – bất ngờ bị đạp đổ vì bê bối liên quan đến nguồn gốc sản phẩm.
Sau khi một khách hàng phanh phui việc chuỗi cửa hàng Khaisilk tuy quảng cáo bán tơ lụa Việt Nam, nhưng thực chất là nhập hàng từ Trung Quốc, cắt mác, tráo nguồn gốc và tung ra thị trường với giá cao, thương hiệu này bị hàng loạt người mua, nhân viên cũ… tố cáo hoạt động sai trái trong nhiều năm.
Vài ngày sau, ông Hoàng Khải lên báo, thừa nhận công ty của mình đã làm việc này trong suốt 3 thập kỷ, gửi lời xin lỗi đến khách hàng và trần tình rằng việc nguyên liệu trong nước không đủ chất lượng là nguyên nhân chính khiến Khaisilk phải bán hàng mập mờ nguồn gốc.
Ngay lập tức, Khaisilk và bản thân ông chủ Hoàng Khải đã phải hứng chịu cơn thịnh nộ của khách hàng. Cuộc khủng hoảng truyền thông lên cao đến mức ông Khải phải lặng lẽ đóng cửa fanpage và facebook cá nhân, thực hiện chiến dịch bồi hoàn lại tiền cho khách hàng nếu họ có thể mang sản phẩm cùng hóa đơn đến.
Ngày 26/10, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc và điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động của Khaisilk.
Tất cả các cửa hàng của thương hiệu này tại Hà Nội và TP HCM đều phải đóng cửa, hàng hóa bị niêm phong và thu giữ chờ điều tra. Ngày 12/12, Bộ Công thương đã chuyển hồ sơ vụ Khaisilk sang cơ quan cảnh sát điều tra vì phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sau quá trình thanh kiểm tra.
Nguyễn Tử Quảng: Phát ngôn dìm hàng đối thủ
Tháng 8/2017, Bphone 2 – thế hệ điện thoại thứ hai made in Vietnam do công ty của ông Nguyễn Tử Quảng phát triển và sản xuất - ra mắt.
Khác với lần ra mắt phiên bản đầu tiên, Bphone được ông Nguyễn Tử Quảng truyền thông một cách thận trọng hơn, bởi ông thừa nhận những tổn thương về hình ảnh sau lần đầu ra mắt khiến ông e dè hơn trong lần giới thiệu đứa con cưng phiên bản thứ hai.
Bphone 2 gắn liền với tuyên ngôn "Chất", khác hẳn với Bphone 1 "Không thể tin được", và cũng trở thành sản phẩm đầu tiên của BKAV được ông chủ Nguyễn Tử Quảng ưu ái góp giọng trong MV quảng cáo.
Tuy vậy, trái ngược với sự thận trọng hồi tháng 8, liên tiếp trong những buổi gặp gỡ Bphone Fan vào tháng 10, vị này không ngần ngại sử dụng từ ngữ chỉ trích chê bai các đối thủ quốc tế khi so sánh chiếc Bphone 2017 với loạt siêu phẩm di động khác như iPhone 8 của Apple, Galaxy Note8 của Samsung, HTC U11 và Google Pixel.
CEO BKAV chê Samsung làm phần mềm không tốt, Apple làm phần cứng quá tệ, khẳng định trong con mắt làm nghề của mình thì "Bphone 2017 được gia công tinh xảo hơn, chất lượng hơn bất cứ siêu phẩm đầu bảng nào hiện này của Samsung, Apple hay HTC".
Đỉnh điểm của những khen chê này là việc BKAV và ông Nguyễn Tử Quảng tuyên bố "hạ gục" công nghệ Face ID trên chiếc iPhone X bằng một chiếc mặt nạ giá rẻ, vượt mặt hàng loạt công ty bảo mật quốc tế và cho thấy lỗ hổng an ninh trên chiếc điện thoại hiện đại nhất của Apple.
Kỳ tích của BKAV chịu nhận xét trái chiều từ cộng đồng quốc tế, khi một phần nhỏ ý kiến cho rằng những thành công của công ty bảo mật Việt Nam là đáng ghi nhận, trong khi phần lớn các ý kiến lại khẳng định đó là một cú lừa, sự đầu độc công nghệ và không mang lại lợi ích nào cho ngành an ninh mạng.
Hoàng Kiều: Ồn ào tình trẻ, thụt lùi xếp hạng
Sinh ra tại Việt Nam, sang Mỹ định cư năm 1975 và hiện sống ở Los Angeles (Mỹ), ông Hoàng Kiều là một trong những doanh nhân gốc Việt nổi danh nhất thế giới.
Sớm trở thành triệu phú ở tuổi 40 và lọt danh sách tỷ phú Forbes khi 70 tuổi, tên tuổi vị doanh nhân này gắn liền với công ty chuyên về huyết tương có trụ sở ở Thượng Hải, và những scandal lùm xùm ở Việt Nam.
Năm 2017, ông Hoàng Kiều được báo chí trong nước khai thác nhiều về khía cạnh đời tư khi cuộc tình chênh lệch tuổi tác với một người mẫu nội y Việt Nam đổ vỡ, bị gắn mác là chiêu PR bán thuốc lộ liễu cho ông chủ Shanghai RAAS.
Trong số các tỷ phú gốc Việt, ông trở thành cái tên duy nhất vướng lùm xùm đời tư trên báo chí, bởi 2 doanh nhân Việt còn lại được Forbes điểm danh lại là những người rất kín tiếng về cuộc sống cá nhân.
Đây cũng là năm không may mắn với ông Hoàng Kiều khi vị trí trong danh sách tỷ phú thế giới của vị này ngày càng thụt lùi. So với mức 3,5 tỷ USD năm 2016, hiện tại, giá trị tài sản của ông này chỉ còn 2,9 tỷ USD do giá cổ phiếu Shanghai RAAS sụt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Những tài sản khác ở Việt Nam của ông Hoàng Kiều cũng chịu cảnh hoang phế sau thời gian dài bị vị tỷ phú này quay lưng.
Từng có một thời khu du lịch Thới Sơn 1, ở cù lao Thới Sơn, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, nổi đình đám với sự kiện ông Hoàng Kiều, nhà tỉ phú Việt kiều Mỹ, có ý định tổ chức cuộc thi sắc đẹp thế giới tại dải đất cù lao bé nhỏ này vào năm 2008.
Nhưng ông này bất ngờ bỏ dở cuộc chơi vào tháng 1/2010, bỏ lại khu du lịch với hàng trăm hạng mục và số tiền đã chi lên tới hàng chục tỷ đồng.
Cao Toàn Mỹ: Hợp đồng tình ái với hoa hậu
Từng là một trong những sáng lập viên của VNG nhưng ông Cao Toàn Mỹ lại chỉ được báo giới khai thác tên tuổi trong vụ kiện tốn nhiều giấy mực với Hoa hậu người Việt tại Nga Trương Hồ Phương Nga.
Vụ án tình tiền được với nút thắt là bản hợp đồng tình ái trị giá 16,5 tỷ đồng trở thành điểm nóng dư luận khi nó vạch ra mặt trái hậu trường của những mối quan hệ đại gia – chân dài trong showbiz Việt.
Trong mắt truyền thông và dư luận, dù đứng ở phía nguyên đơn trong vụ kiện này, với thiệt hại kinh tế tự xác định lên tới gần 1 triệu USD nhưng ông Cao Toàn Mỹ lại không có được cái nhìn thiện cảm của xã hội, đặc biệt khi hình ảnh vị đại gia ấp úng trước tòa hoàn toàn trái ngược với lý lẽ và thái độ thẳng thắn từ phía bị đơn.
Cuộc chiến pháp lý trong phiên tòa sơ thẩm tạm thời nghiêng về phía bị đơn Trương Hồ Phương Nga khi cô được hội đồng xét xử tuyên bố cho tại ngoại, cơ quan tố tụng vụ án đã tạm đình chỉ vụ án.
Về phía mình, đại gia Cao Toàn Mỹ thừa nhận vụ án kéo dài khiến ông cảm thấy "chán nản thực sự", nhấn mạnh chỉ xem số tiền đã mất như hậu quả từ một vụ làm ăn, và nếu Phương Nga nhận sai, ông sẽ dừng vụ án, tiền bạc tính sau, dù trước đó ông từng kiên quyết đòi lại bằng được.
Nguyễn Đăng Thảo: Sếp BMW dính án buôn lậu
Vào cuối năm 2015, dư luận xôn xao về việc BMW bổ nhiệm một người Việt vào vị trí mơ ước của bất cứ ai làm việc trong lĩnh vực kinh doanh xe sang tại Việt Nam: trở thành giám đốc Euro Auto, doanh nghiệp chuyên nhập khẩu BMW.
Người được nhắc tên khi đó là ông Nguyễn Đăng Thảo – doanh nhân có tới 20 năm kinh nghiệm trong ngành ô tô, từng kinh qua các vị trí quản lý cấp cao tại Toyota Việt Nam và Mercedes Việt Nam.
Về đầu quân cho Euro Auto ngay từ những năm đầu, ông Thảo được đánh giá là người đã góp phần không nhỏ làm nên thành công của công ty, giúp Euro Auto vươn lên nắm vai trò nhập khẩu và phân phối chính hãng 3 thương hiệu cao cấp tại thị trường Việt Nam, bao gồm thương hiệu xe hơi hạng sang BMW, môtô phân khối lớn BMW Motorrad và xe nhỏ hạng sang MINI.
Trở thành người điều hành đứng đầu công ty này, ông Thảo cũng gặt hái thêm các danh hiệu cá nhân, Top 100 Phong Cách Doanh Nhân 2015, và giải thưởng "Doanh nhân điều hành thương hiệu toàn cầu" do tạp chí Business Style bình chọn.
Thế những hào quang của vị này bỗng vụt tắt vào năm 2017 khi ông bất ngờ bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra những sai phạm của công ty.
Euro Auto bị khởi tố vì làm giả và sử dụng các giấy tờ pháp nhân giả như hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại… để nhập khẩu ôtô BMW, có dấu hiệu gian lận, lừa dối khách hàng, và ông Thảo trở thành nhân vật then chốt trong scandal rúng động ngành ô tô nhập khẩu.
Theo Pha Lê (Nhịp Sống Kinh Tế)