Những sai lầm khi sử dụng điều hòa khiến hoá đơn điện ngày hè tăng vùn vụt

29/04/2022 11:32:45

Mùa hè đến, hầu hết hóa đơn tiền điện của mọi gia đình đều tăng do sử dụng nhiều thiết bị làm mát. Tuy nhiên, rất nhiều gia đình đang dùng điều hòa theo những cách sai lầm khiến tiền điện cứ thế tăng vọt mà không hề hay biết.

1. Chọn kích thước, công suất điều hòa không phù hợp với phòng

Nhiều người nghĩ mua điều hòa càng lớn, nhà sẽ càng mát nhanh, đỡ tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên, điều hòa công suất lớn lại tiêu thụ lượng điện nhiều không cần thiết, nó cũng loại bỏ được rất ít hơi ẩm.

Vì thế, khi mua một chiếc điều hòa, bạn nên xác định nên mua loại nào, công suất bao nhiêu để phù hợp với diện tích nhà bạn.

2. Lắp đặt sai vị trí

Vị trí lắp máy điều hòa cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến điện năng và hiệu quả sử dụng. Rất nhiều nhà lắp điều hòa ở bức tường nóng nhất trong phòng vì cho rằng như vậy căn phòng sẽ nhanh chóng giảm nhiệt. Tuy nhiên, lắp như vậy thì máy sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn để làm mát bức tường quá nhiệt trước rồi mới đến không khí trong phòng.

Thay vào đó, bạn nên lắp điều hòa ở những góc râm để nhiệt độ trong phòng giảm nhanh rồi mới từ từ mát những bức tường xung quanh. Như vậy, phòng sẽ mát nhanh và mát lâu hơn.

Ngoài ra, khu vực đặt điều hòa cũng không nên bị chặn bằng cây cảnh hoặc các món đồ nội thất khác, nhất là không nên lắp điều hòa kiểu xuyên tường như nhiều người từng làm. Cuối cùng, hãy chắc chắn rằng đặt máy điều hòa nằm xa đèn và các thiết bị khác tạo ra nhiệt.

Những sai lầm khi sử dụng điều hòa khiến hoá đơn điện ngày hè tăng vùn vụt

3. Bật điều hòa 24/24

Nhiều gia đình có thói quen mở máy điều hòa suốt cả ngày vì muốn phòng luôn mát. Tuy nhiên, cách này không chỉ gây lãng phí điện mà còn gây hại đến sức khỏe, bởi bạn chỉ nên ngồi trong phòng điều hoà không quá 2 giờ.

Khi ngủ, cơ thể bạn có thể chịu được nhiệt độ cao hơn khi thức nên bạn có thể tắt điều hòa vào ban đêm. Không chỉ vậy, khi ngủ cơ thể thiếu sự vận động, dễ bị cảm lạnh nên bạn cần điều chỉnh máy lạnh tăng nhiệt độ lúc đêm khuya. Khi ra khỏi phòng cũng nên mở cửa to và đứng ở cửa vài phút để cơ thể kịp thích nghi với không khí mới.

Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng không nên tắt máy điều hòa ngay khi phòng vừa đủ mát và bật lại khi nóng để tiết kiệm điện, vì máy điều hòa cần tiêu thụ rất nhiều điện năng để khởi động lại. Thay vì bật xuống 16oC rồi tắt ngay sau vài phút thì bạn nên để ổn định ở ngưỡng 25oC trong thời gian dài.

4. Không sử dụng quạt trần

Nhiều người nghĩ rằng khi sử dụng điều hòa không khí thì không cần đến quạt trần truyền thống nữa. Tuy nhiên trên thực tế, quạt trần sẽ giúp bạn chạy điều hòa không khí hiệu quả hơn bằng cách lưu chuyển không khí xung quanh phòng, không chỉ tiết kiệm tiền trên hóa đơn của bạn mà còn làm giảm hao mòn điện máy. Hơn nữa, quạt trần tạo ra "gió lạnh" nhân tạo giúp bạn cảm thấy thoải mái ở nhiệt độ cao hơn một chút.

Những sai lầm khi sử dụng điều hòa khiến hoá đơn điện ngày hè tăng vùn vụt - 1

5. Bật, tắt điều hòa nhiều lần

Nhiều người nghĩ tiết kiệm điện bằng cách bật điều hòa đến khi nào phòng mát thì tắt đi, bật quạt cho đỡ tốn, khi nào phòng nóng tiếp tục bật lên. Tuy nhiên cách này lại tiêu tốn điện năng hơn do máy phải khởi động lại nhiều lần, khiến máy hỏng nhanh hơn.

6. Để nhiệt độ quá chênh lệch

Khi mới về nhà bạn thường để nhiệt độ rất thấp để làm lạnh nhanh, việc này khiến điều hòa phải hoạt động hết công suất trong một thời gian ngắn nên tiêu thụ một lượng điện rất lớn.

Việc nhiệt độ thay đổi quá nhanh cũng sẽ khiến cơ thể bạn khó thích nghi, có thể dẫn tới các bệnh về đường hô hấp... Bạn cũng dễ bị sốc nhiệt khi nhiệt độ trong nhà và bên ngoài chênh nhau quá lớn.

Theo các chuyên gia, để làm mát phòng, không nên để nhiệt độ dưới 25 độ C.

Những sai lầm khi sử dụng điều hòa khiến hoá đơn điện ngày hè tăng vùn vụt - 2

7. Mở cửa liên tục

Khi đang bật điều hòa, nếu bạn liên tục mở cửa ra vào khiến cho khí lạnh bị thoát ra ngoài nhanh chóng. Khi đó khí nóng tràn vào, điều hòa tiếp tục phải tốn điện năng để làm mát phòng, do đó rất tốn điện.

8. Không bảo trì máy điều hòa định kỳ

Không ít gia đình thường bỏ qua bước bảo trì định kỳ vì thấy máy điều hòa hoạt động vẫn trơn tru, không có tiếng ồn. Tuy vậy, máy điều hòa cần được vệ sinh và thay bộ lọc 3 tháng/lần. Dây làm mát cũng cần được kiểm tra thường xuyên để tránh rò rỉ. Nếu không làm sạch định kỳ, bụi bẩn bám lâu ngày sẽ khiến nóng máy và lâu dần ảnh hưởng tới hoạt động của máy điều hòa.

PN (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật