Với hơn 180.000 cổ đông, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) được xếp vào một trong những doanh nghiệp có số lượng nhà đầu tư lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Giống như nhiều năm nay, đại hội cổ đông thường niên 2023 của Hòa Phát luôn "đông nghịt" người đến tham dự. Hội trường 800 ghế của khách sạn Melia (Hà Nội) không còn chỗ trống.
Tại ĐHCĐ, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn này luôn trả lời các câu hỏi của cổ đông một cách thẳng thắn, trọng tâm, không giấu diếm khó khăn và luôn thể hiện quan điểm thận trọng. Tính cách này khiến cho không dưới 2 cổ đông cầm micro đứng lên chỉ để bày tỏ tình cảm yêu quý với Chủ tịch. Vào giờ giải lao, rất đông cổ đông đi lên sân khấu để trò chuyện trực tiếp, bắt tay và... chụp ảnh với tỷ phú.
Mặc dù đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi và không chi trả cổ tức để tập trung vào đại dự án Dung Quất 2, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua toàn bộ tờ trình của HĐQT và khép lại với những câu nói ấn tượng của ông Trần Đình Long.
Khi được hỏi về cách đào tạo, xây dựng thế hệ "kế thừa" cho Hòa Phát, ông Long phấn khởi cho biết, nếu như thế hệ của ông được gọi là F0 thì Hòa Phát đã xây dựng xong thế hệ F1 và đang đào tạo F2, F3.
Hòa Phát đã xây dựng hệ thống vận hành ứng dụng công nghệ thông tin để tiến tới không quá phụ thuộc vào con người. Do đó, Chủ tịch nói rằng Hòa Phát không phải là nơi không có ông Long thì không hoạt động được.
"Không có ông Long thì có ông Thắng ( TGĐ Hòa Phát ), không có ông Thắng thì có ông Thắng phẩy. Yên tâm nhé!" - Chủ tịch HĐQT nói.
Ông Long nói câu này khi chia sẻ về một số dự án đích thân mình "ra trận" để thúc đẩy tiến độ.
Tại ĐHCĐ trước đây, ông Long từng nói: "Ai rồi cũng phải đa ngành thôi", nhưng năm nay ông chia sẻ thực tế của Hòa Phát rất khó đa ngành. Trong ngắn hạn cũng như dài hạn, thép không chỉ chiếm 95% tổng doanh thu của Hòa Phát mà sau dự án Dung Quất 2, tỷ lệ này còn hơn nữa.
"Trong chiến lược, suy nghĩ, mong muốn, Hòa Phát có muốn đa dạng hóa để phòng tránh rủi ro nhưng không ăn thua" - Chủ tịch nói.
Tuy nhiên ông Long khẳng định, từ nay trở đi, Hòa Phát sẽ chuyển rất mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao và dần nhường sân chơi cho thép cơ bản (ví dụ thép xây dựng). Hòa Phát sẽ đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo, cho ngành đóng tàu, ô tô, ốc vít, dự lực đồng thời tăng cường đầu tư và xuất khẩu các mặt hàng thép chất lượng cao.
Ông Long thừa nhân đã đã dự đoán về sự khó khăn của ngành thép Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trong năm 2022 nhưng thực tế còn xấu hơn dự đoán của ông.
Lý do cho việc không chia cổ tức (dù bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu) là do nhu cầu về vốn của năm 2023 rất lớn. Cụ thể, ông Trần Đình Long cho biết, tổng đầu tư giai đoạn 2 cho Dung Quất riêng tài sản cố định đến nay là 75.000 tỷ (trên 3 tỷ USD).
Theo Chủ tịch HĐQT, đến hết năm 2024, đầu năm 2025, khi nhà máy Dung Quất 2 ra đời, Hòa Phát sẽ tăng doanh thu thêm 80.000 - 100.000 tỷ nữa từ mặt bằng 150.000 tỷ như năm qua.
Con số 80.000 - 100.000 tỷ này dựa trên dự báo thận trọng từ số liệu giá bán bình quân các năm trong kịch bản xấu.
Một cổ đông đặt câu hỏi: Trung Quốc "xả hàng" đẩy giá thép thế giới đi xuống. Trong nước, nhiều dự án thép lớn rục rịch xây dựng. Hòa Phát sẽ đối mặt như thế nào? Ông Long nói: Chúng ta sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh.
Chủ tịch Trần Đình Long cho biết Hòa Phát sẽ dừng tất cả các hoạt động đầu tư mới để dồn toàn lực cho dự án Dung Quất 2, trong đó có các dự án mỏ ở Úc.
Theo ông Long, Hòa Phát trước đây đã có kế hoạch đầu tư vào mỏ quặng ở bắc Úc, nam Úc và còn tính đến việc mua mỏ than ở đông Úc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay tất cả việc này đều đã dừng lại.
Hòa Phát hiện đã làm văn bản gửi chính phủ Úc xin tạm dừng và ông Long khẳng định đây là một quyết định cực kỳ đúng đắn bởi Hòa Phát không đủ nguồn lực để dàn trải.
Mặc dù vậy, ông Long cũng chia sẻ, việc dừng đầu tư tại Úc rất "đau xót". Hàng trăm cán bộ công nhân viên và cả gia đình đã sang Úc rồi lại phải quay về.
"Đặc biệt, có những đồng chí cán bộ lãnh đạo quyết tâm sang Úc, bán nhà bán cửa, đưa cả vợ con sang. Giờ về đây tôi phải bỏ tiền túi ra cho người ta vay để mua nhà lại. Tuy nhiên, có như thế mới có Hòa Phát như ngày hôm nay" , Chủ tịch Hòa Phát chia sẻ.
Theo ông Long, trong ngành chăn nuôi lợn hiện nay ở Việt Nam, tỷ trọng sản lượng heo của Doanh nghiệp làm ra bắt đầu lớn hơn của nông dân. Đó là xu hướng.
Cuối tháng 2.2021, Tập đoàn Hòa Phát công bố sẽ sản xuất container trong bối cảnh thế giới đang trong "cơn khát" container trầm trọng bởi Covid.
Hòa Phát dự kiến khởi công nhà máy trong tháng 6/2021. Tuy nhiên do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, dự án chính thức được khởi công từ tháng 11/2021, chậm 5 tháng so với kế hoạch.
Trong báo cáo thường niên năm 2022, Hoà Phát cho biết sau hơn một năm xây dựng, giai đoạn 1 cơ bản đã thành hình, hiện Công ty CP Sản xuất container Hòa Phát đang hiệu chỉnh và chạy thử thiết bị, dây chuyền công nghệ. Dự kiến, Nhà máy sẽ cho ra sản phẩm chính thức từ đầu quý II/2023.