Trong năm 2023, giá thép được dự báo hồi phục, qua đó giúp lợi nhuận doanh nghiệp thép ổn định hơn.
Một năm thăng trầm
Trong hai tuần đầu năm mới 2023, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long ghi nhận tài sản tăng thêm 200 triệu USD lên 1,7 tỷ USD theo tính toán của Forbes nhờ cổ phiếu HPG tiếp tục tăng giá khi khối ngoại dồn dập mua vào.
Diễn biến này phản ánh sự tích cực của cổ phiếu đầu ngành thép. Chỉ vài tháng trước, cổ phiếu ngành thép lao dốc, sụt giảm sâu. Ông Trần Đình Long mất danh hiệu tỷ phú, tài sản xuống quanh ngưỡng 900 triệu USD hồi giữa tháng 11/2022 khi cổ phiếu xuống gần 12.000 đồng/cp.
Hồi tháng 3/2022, tài sản của ông Trần Đình Long còn ở mức rất cao: 3,2 tỷ USD, khi giá cổ phiếu HPG ở gần ngưỡng 40.000 đồng/cp. Cổ phiếu HPG đạt đỉnh ở mức trên 44.000 đồng/cp hồi tháng 10/2021.
Sau khi rớt xuống đáy hơn 2 năm, cổ phiếu HPG hồi phục mạnh từ nửa cuối tháng 11/2022 và tới giữa tháng 1/2023 đã lên ngưỡng 20.000 đồng/cp.
Cổ phiếu ngành thép, đặc biệt HPG, đảo chiều ngoạn mục nhờ sự trở lại mua ròng mạnh của khối ngoại và hoạt động bắt đáy của các nhà đầu tư trong nước. Tính tới 13/1, nhóm các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng cổ phiếu HPG phiên thứ 16 liên tiếp, trị giá hơn 3.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ cũng tăng gần gấp đôi, từ dưới 7.000 đồng/cp lên trên 13.000 đồng/cp. Thép Nam Kim (NKG) và Thép Tiến Lên (TLH)... cũng hồi phục ở mức tương tự.
Trong năm 2022, giá thép tăng vọt trong quý đầu tiên do nhu cầu bị dồn nén và giá bán trên thị trường toàn cầu phục hồi sau đại dịch Covid trước khi điều chỉnh đáng kể vào cuối năm do nhu cầu suy yếu và hàng tồn kho ở mức cao.
Lợi nhuận của doanh nghiệp thép xấu đi và ghi nhận khoản lỗ lịch sử trong quý III/2022. Lợi nhuận của gần như tất cả công ty thép đều giảm đáng kể trong 9 tháng năm 2022 do nhu cầu thị trường giảm nhanh và giá thép giảm, khiến các công ty phải tăng trích lập dự phòng hàng tồn kho.
Sau giai đoạn 2020 và 2021, khi giá cố phiếu ghi nhận diễn biến vượt trội, ngành thép đã giảm 51% trong năm 2022, thấp hơn 18% so với kết quả của chỉ số VNIndex. Hầu hết giá các cổ phiếu đều giảm 60-70%, trong khi HPG - mã cổ phiếu có diễn biến tốt nhất - cũng chứng kiến mức giảm 49%.
Trong quý IV/2022, theo Chứng khoán SSI, nhiều khả năng hầu hết công ty sẽ vẫn phải ghi nhận khoản lợi nhuận âm trong quý cuối cùng của năm 2022.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã dùng cụm "mây mù che phủ" nói về ngành thép nửa cuối năm 2022. Giá thép Trung Quốc ở mức thấp, trong khi thị trường nhà ở chưa có dấu hiệu ấm lên khi số nhà xây mới liên tục sụt giảm. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thép cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho hiện hữu.
Trong báo cáo hồi cuối năm 2022, Chứng khoán KIS dự báo lợi nhuận ròng chỉ HPG chỉ khoảng 120 tỷ đồng trong quý IV/2022, thấp hơn rất nhiều số lãi 7.400 tỷ cùng kỳ năm 2021.
KIS hạ 23% dự báo doanh thu và hạ 66% dự báo về lợi nhuận ròng của HPG trong năm 2022 so với ước tính trước đó, lần lượt xuống mức 137.400 tỷ đồng và 10.600 tỷ đồng, tương ứng giảm 69% so với mức lãi ròng kỷ lục của năm 2021.
Theo KIS, khoản lỗ ròng bất ngờ 1.785 tỷ đồng trong quý III/2022 của Hoà Phát có nguyên nhân chính từ giá đầu vào cao, hàng tồn kho luân chuyển chậm cùng với giá bán thấp hơn. Tập đoàn Hòa Phát còn chịu khoản lỗ tỷ giá khoảng 1.000 tỷ đồng do đồng USD tăng.
Năm 2023 tích cực hơn
Trong tuần đầu năm mới, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép cuộn cán nóng châu Á tăng trong bối cảnh các đơn đặt hàng của Trung Quốc ổn định. Giá HRC SS400 dày 3mm tăng 8 USSD lên 600 USD/tấn FOB Trung Quốc.
Tại thị trường xuất khẩu, người mua bắt đầu đặt hàng và đang trong quá trình đàm phán.
Theo SSI Research, trong năm 2023, biên lợi nhuận ngành thép có thể cải thiện nhờ giá bán ổn định, nhưng nhu cầu vẫn còn rủi ro suy yếu.
Theo đó, nhu cầu thép trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt. Sức cầu tiêu thụ thép của hộ gia đình cũng được dự báo giảm do tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất cao hơn. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu vẫn chưa thuận lợi do suy thoái ở nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Nhu cầu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ không đổi hoặc hoặc phục hồi nhẹ khoảng 1-2% trong năm 2023 nhờ việc mở cửa lại nền kinh tế. Yếu tố này có thể giúp giá thép ổn định hơn trong năm 2023, không giảm nhưng ít có khả năng tăng mạnh.
Lợi nhuận của các công ty thép có thể phục hồi trong năm 2023 nhờ giá thép và nguyên liệu thô ổn định hơn nhưng vẫn còn rủi ro cao. Nhu cầu yếu dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp, chỉ ở mức 60-75% (so với trên 80% trong năm 2022 và hơn 90% trong năm 2021). Điều này sẽ gây áp lực lên doanh thu, dòng tiền và tỷ suất lợi nhuận của công ty trong năm tới.
Chứng khoán SSI cho rằng, lợi nhuận của ngành thép sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2023 nhưng dần phục hồi vào cuối năm.
Theo Chứng khoán KIS, Hoà Phát có thể quay trở lại giai đoạn tăng trưởng mạnh từ năm 2024 nhờ nhu cầu phục hồi đáng kể và vận hành nhà máy Dung Quất 2. Dự án Dung Quất 2 dự kiến sẽ được ra mắt một phần từ cuối năm 2024.
Hòa Phát vừa trải qua một giai đoạn đầy khó khăn. Tuy nhiên, khi các vấn đề như căng thẳng địa chính trị, thị trường bất động sản khó khăn, tỷ giá leo thang,... được giải quyết, cầu thép toàn cầu cải thiện thì hiệu quả hoạt động của HPG sẽ tăng trưởng đáng kể. Lãi ròng của HPG dự kiến trên mức 17.600 tỷ đồng trong năm 2024.
HPG của tỷ phú Trần Đình Long nhiều khả năng cũng bứt phá. Nhờ đó, tài sản của tỷ phú Long tăng mạnh và không ngoại trừ ông sẽ lên vị trí cao hơn trong danh sách các tỷ phú giàu nhất Việt Nam, thay vì xếp thứ 3 như hiện tại.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)