Những lưu ý để tránh nợ nần khi dùng thẻ tín dụng

31/08/2024 19:36:54

Nhiều khách hàng mở thẻ tín dụng chỉ sử dụng một thời gian ngắn hoặc thậm chí kích hoạt xong rồi bỏ quên, không sử dụng trong thời gian dài mà quên mất rằng dù không phát sinh giao dịch nhưng khi hết thời gian miễn phí, thẻ tín dụng sẽ bị tính phí thường niên.

Tá hỏa khi phát hiện mang nợ

Chị Thu Quỳnh (ở Hà Nội) cho biết, chị đang sử dụng thẻ tín dụng của Ngân hàng VP Bank với hạn mức 45 triệu đồng. "Tôi khá thích thú khi sử dụng thẻ chi tiêu mua sắm vì được miễn lãi trong 45 ngày", chị Quỳnh cho hay. 3 tháng đầu, chị Quỳnh luôn trả hết số tiền mình đã chi tiêu ở ngày thứ 45 nên không phát sinh lãi.

Sang đến tháng thứ tư, do chuyển nhà mới, chị cần mua sắm nội thất nên đã quẹt thẻ chi tiêu khoảng 30 triệu đồng. Mặc dù hằng tháng chị đều thanh toán khoản thanh toán tối thiểu (khoảng 2 triệu đồng) nhưng vài tháng trôi qua, chị tá hỏa khi ngân hàng thông báo, chị sắp hết hạn mức chi tiêu vì dư nợ của chị đã lên tới 43 triệu đồng.

"Khi làm thẻ, nhân viên ngân hàng nói với tôi là chỉ cần thanh toán khoản thanh toán tối thiểu hằng tháng (tương đương 5%-10% tổng dự nợ cuối kỳ) thì số tiền vay còn lại sẽ không bị tính lãi. Nhưng hóa ra không phải vậy.

Nếu không muốn bị tính lãi và phí, tôi bắt buộc phải thanh toán toàn bộ dư nợ cuối kỳ trước ngày đến hạn. Tôi chi tiêu 30 triệu đồng và giờ lãi chồng lãi, dư nợ lên tới 43 triệu đồng rồi", chị Quỳnh than thở.

Theo quy định, lãi suất thẻ tín dụng được sao kê và tính lãi hằng tháng. Nếu khách hàng thanh toán đúng hạn trong thời gian miễn lãi là 45-55 ngày thì sẽ không phát sinh lãi, phí.

Nhưng sau thời gian này, người tiêu dùng sẽ bị tính lãi suất từ 20% đến 36%/năm, tùy từng ngân hàng và sẽ cộng thêm các khoản phí phạt, phí thường niên... vào dư nợ gốc và lãi hằng tháng (thẻ tín dụng sao kê hàng tháng). Từ đó, dư nợ tiếp tục tăng lên hằng năm và khi cộng dồn vào thì lên con số rất lớn, hay còn gọi là lãi kép.

Những lưu ý để tránh nợ nần khi dùng thẻ tín dụng

Hai dữ kiện dễ gây nhầm lẫn

Bà Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Tiểu ban chính sách Chi hội thẻ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), khuyến nghị khách hàng phải nghiên cứu kỹ quy định sử dụng, tính lãi, phí, trách nhiệm liên quan...

Người dùng cần hiểu rõ bảng sao kê với các thông tin cụ thể, bao gồm: thời gian miễn lãi, hạn thanh toán, dư nợ cuối kỳ, khoản thanh toán tối thiểu và cách tính lãi cùng phí trả chậm...

Đặc biệt, hai dữ kiện dễ gây nhầm lẫn cho người dùng thẻ tín dụng trong bảng sao kê là dư nợ cuối kỳ và khoản thanh toán tối thiểu.

Dư nợ cuối kỳ gồm tất cả giao dịch trong kỳ sao kê tháng này cộng số dư nợ chưa được thanh toán từ các kỳ sao kê trước. Còn khoản thanh toán tối thiểu là số tiền ít nhất phải trả trong kỳ (khoảng 5%-10% tổng dư nợ cuối kỳ), số tiền còn lại ngân hàng đồng ý cho chủ thẻ vay và phải trả lãi.

Nếu không muốn bị tính lãi và phí, người dùng thẻ bắt buộc phải thanh toán toàn bộ dư nợ cuối kỳ trước ngày đến hạn. Nhiều người nhầm lẫn chỉ cần trả khoản thanh toán tối thiểu, dẫn đến việc phát sinh chi phí không mong muốn vì vẫn còn nợ ngân hàng 90%-95% số tiền đã sử dụng của tháng trước.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thúy Anh, người dùng hãy lập hạn mức chi tiêu theo khả năng của bản thân. Thanh toán dư nợ đúng hạn là phương pháp tốt nhất giúp người dùng không phải chịu thêm bất kỳ khoản phí phát sinh nào.

Nhiều khách hàng mở thẻ tín dụng chỉ sử dụng một thời gian ngắn hoặc thậm chí kích hoạt xong rồi bỏ quên, không sử dụng trong thời gian dài mà quên mất rằng dù không phát sinh giao dịch nhưng khi hết thời gian miễn phí, thẻ tín dụng sẽ bị tính phí thường niên.

Vì vậy, nếu không có nhu cầu sử dụng, hãy khóa hoặc hủy thẻ để tránh phát sinh những rắc rối không đáng có sau này.

Theo Mai Vàng (Phụ Nữ Việt Nam)