Những dự án “chết dở” vì công nghệ, nhà thầu Trung Quốc

24/05/2016 10:40:00

90% các dự án tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công) tại Việt Nam rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, trong đó có tới 30 dự án trọng điểm Quốc gia.

90% các dự án tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công) tại Việt Nam rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, trong đó có tới 30 dự án trọng điểm Quốc gia.
 
Phần còn lại hoang tàn của dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên mở rộng sau khi đã ngốn 4.500 tỷ đồng

Tuy nhiên, quá trình triển khai, hầu hết các dự án này bị chậm tiến độ, đội vốn nhiều lần, trong đó nhiều trường hợp “sống dở, chết dở” do dự án đội vốn gây lãng phí, lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Kỳ 1: Dự án nghìn tỷ: “Bỏ thương, vương tội”

Các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc trúng tổng thầu EPC tại Việt Nam đều có giá trị lớn, với tổng giá trị trong chục năm trở lại đây lên đến cả chục tỷ USD. Tuy nhiên, phần nhiều dự án triển khai ì ạch, bị đội vốn “khủng”, công nghệ lạc hậu, chắp vá dẫn tới “chết yểu” hoặc “sống dở, chết dở”.

Nhà máy thép 4.500 tỷ đồng hoang phế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo hướng xử lý dự án Đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) - do Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu EPC. Theo đó, Bộ Công thương được giao thành lập tổ công tác, thuê tư vấn độc lập đánh giá toàn diện dự án và đưa ra phương án xử lý theo 3 hướng: Bán dự án, bán Công ty CP Gang th ép Thái Nguyên hoặc kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư, báo cáo Chính phủ trước ngày 1/7.

Như vậy, chỉ còn hơn một tháng nữa là tới thời hạn Bộ Công thương và các cơ quan liên quan sẽ phải báo cáo Thủ tướng cách thức xử lý dự án tiêu tốn thời gian, tiền bạc và sự quan tâm lớn của công chúng nhiều năm qua. Mặc dù đã ngốn 4.500 tỷ đồng, song sau 5 năm triển khai (từ năm 2012), dự án đã phải ngừng đột ngột khiến tất cả công trình, nhà xưởng, máy móc, thiết bị phơi sương, phơi nắng đến nay.

Làm việc với PV, ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng giám đốc TISCO phân bua, một trong những nguyên nhân khiến dự án gặp khó khăn và phải dừng lại là do quá trình xin cơ chế để triển khai dự án mất rất nhiều năm. Đến khi chủ trương được thông qua, gần như phải thay cả hệ thống công nghệ, nhiều hệ thống giá trị vào thời điểm xin dự án đến khi dự án được phê duyệt đã lỗi thời hoặc không còn phù hợp nữa. “Dự án chủ yếu chết do trượt tiến độ, kéo theo tăng chi phí…”, ông Diệp nói. 

Có mặt tại dự án vào những ngày cuối tháng 4, chúng tôi không khỏi bức xúc, xót xa vì không thể tin nổi những gì nhìn thấy là các hạng mục của nhà máy mở rộng - đã được đầu tư tới 4.500 tỷ đồng. Cái gọi là khu nhà xưởng, máy móc, công nghệ sản xuất thép chỉ là những trụ bê tông, cột thép, mái tôn sơ sài, nằm ngổn ngang giữa những bãi đất cỏ đã mọc kín. Khi lại gần, những “hạng mục” này lộ rõ tình trạng gỉ sét, bong tróc nham nhở.

Theo đó, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lên tới 9.031 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư cũ. Trước đó, theo đề nghị của nhà thầu MCC, dự án này đã tăng vốn từ 3.843 tỷ đồng lên 8.014 tỷ đồng. Do tổng vốn đội lên gấp hơn 2 lần so với phê duyệt ban đầu, TISCO không thu xếp đủ vốn nên nhà thầu MCC đã dừng thi công, ngừng cung cấp thiết bị (mới thi công 143/163 tiểu hạng mục) từ cuối năm 2012 đến nay.

Điều đáng quan tâm, ngay cả trong trường hợp dự án được chấp thuận cấp thêm vốn, dành nhiều ưu đãi như kiến nghị của TISCO thì với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, dự án không còn hiệu quả.

Gánh lỗ nghìn tỷ vì công nghệ lạc hậu

Nhà máy gang thép mở rộng không phải trường hợp hiếm hoi “sống dở, chết dở” có nguyên nhân liên quan đến lựa chọn tổng thầu Trung Quốc.

Mới đây, Nhà máy Đạm Ninh Bình có vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng do Tổng công ty Hóa chất, nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer (Trung Quốc) làm tổng thầu thực hiện dự án cũng rơi vào tình trạng tạm dừng hoạt động sau nhiều năm lỗ liên tiếp với tổng lỗ lũy kế hơn 2.000 tỷ đồng. Nguyên nhân, theo Tổng giám đốc Vinachem Nguyễn Gia Tường là do chi phí sản xuất quá cao, giá urê trên thị trường liên tục giảm nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Đạm Ninh Bình rất khó khăn. Trong đó, nguyên nhân khiến chi phí sản xuất cao là do dây chuyền, máy móc thiết bị chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, chất lượng ở mức trung bình, thường xuyên xảy ra sự cố. Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng cũng phải phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc nên dây chuyền sản xuất tiêu hao nguyên vật liệu cũng cao. Do công nghệ lạc hậu, nhà máy phải chi thêm mỗi năm khoảng 42 tỷ đồng để sử dụng than cám 3c thay cho loại than cám 4a đang sử dụng.

40 dây chuyền xi măng mỗi năm “ngốn” gần 590 tỷ đồng tiền sửa chữa

Tại cuộc họp giữa Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) và Hội Vật liệu xây dựng vừa tổ chức ngày 20/5, thông tin cho thấy, hàng loạt hệ thống nhà máy xi măng nhập đồng bộ công nghệ thiết bị từ nhà thầu Trung Quốc cũng đang “sống dở, chết dở”. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Xây dựng, hiện 40 dây chuyền nhà máy xi măng sử dụng đồng bộ công nghệ Trung Quốc, với tổng công suất thiết kế khoảng 32 triệu tấn xi măng (chiếm khoảng 45% sản lượng xi măng toàn ngành). Theo tính toán, chi phí trung bình mỗi năm dành để mua thiết bị thay thế sửa chữa tương đương 465-590 tỷ đồng, chưa tính thiết bị phụ, công sửa chữa.
Tuyết Trịnh

(Còn tiếp)

Theo Nguyễn Quý - Thảo Nguyên (Báo Giao Thông)

Nổi bật