Tới đây, nhiều mã cổ phiếu như LHG, SZL, NTC, GHC, NBP, DRL… sẽ trả cổ tức bằng tiền với tỉ lệ thấp nhất là 15%, cao nhất lên tới 60% cho cổ đông. Đây là những doanh nghiệp trả cổ tức cao và đều qua nhiều năm.
CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (mã chứng khoán NTC, UPCOM)
Ngày 30.9, NTC sẽ thực hiện chia cổ tức năm 2020 bằng tiền với tỉ lệ 60%. Ngày đăng ký cuối cùng là 15.9.
Với xấp xỉ 24 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính NTC cần chi gần 144 tỉ đồng cho lần chia cổ tức này.
Trước đó, vào cuối tháng 1/2021, NTC đã thực hiện chia cổ tức 2020 bằng tiền cũng với tỉ lệ 50%, đồng thời thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 2:1.
NTC là một trong những doanh nghiệp duy trì chia cổ tức bằng tiền mặt đều đặn trên thị trường. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, NTC chia cổ tức tiền mặt với tỉ lệ cao (16.000 đồng/cổ phiếu năm 2018; 15.000 đồng/cổ phiếu năm 2019; 11.000 đồng/cổ phiếu năm 2020).
Trên thị trường, giá cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản này sau giai đoạn hưng phấn cuối năm 2020 thì từ đầu năm 2021 đến nay đã sụt giảm đáng kể. Dù vậy, NTC vẫn nằm trong top 3 cổ phiếu có thị giá lớn nhất thị trường hiện nay.
CTCP Sonadezi Long Thành (mã chứng khoán SZL, HOSE)
SZL vừa thông báo chuẩn bị trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt cho cổ đông theo tỉ lệ 30% (3.000 đồng/cổ phiếu). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 10.9.2021 và ngày thanh toán là 30.9.
Trong 4 năm trở lại đây, SZL đều đặn trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông lần lượt là: 3.500 đồng/cổ phiếu năm 2017; 2.500 đồng/cổ phiếu năm 2018; 1.500 đồng/cổ phiếu năm 2019; 3.000 đồng/cổ phiếu năm 2020 và dự kiến 2.500 đồng/cổ phiếu năm 2021.
Trên thị trường, giá cổ phiếu SZL đang được giao dịch quanh mốc 54.500 đồng/cổ phiếu, tăng 7% qua 1 tháng trở lại đây, khối lượng giao dịch bình quân hơn 9.000 cổ phiếu/phiên.
Về sức khỏe tài chính, trong 3 năm gần đây (2018-2020) - doanh thu của SZL tăng trưởng tương đối ổn định; biên lãi gộp cải thiện vững chắc 3 năm liên tiếp, trung bình 33,27%; chất lượng lợi nhuận tốt, dòng tiền dương liên tục; doanh nghiệp hầu như không gặp áp lực nợ vay với Ebit/lãi vay 12 tháng gần nhất là 181,53 lần.
CTCP Thủy điện Gia Lai (mã chứng khoán GHC, UPCOM)
Ngày 10.9, GHC dự kiến thanh toán cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỉ lệ 25%.
Đại hội cổ đông thường niên 2021 của GHC đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với tổng doanh thu 300 tỉ đồng và lãi sau thuế 102 tỉ đồng; tỉ lệ chia cổ tức dự kiến đạt 35%. Sau 6 tháng đầu năm, Công ty đã thực hiện được 46% về doanh thu và 54% về lợi nhuận. Như vậy, dự kiến GHC còn chi trả cổ tức đợt 2/2021 với tỉ lệ 10%.
GHC đã lùi ngày chốt danh sách và ngày thanh toán so với tại Nghị quyết HĐQT ngày 4.8.2021. Cụ thể như sau:
Hiện cổ đông lớn nhất của GHC là CTCP Điện Gia Lai (mã chứng khoán GEG - HOSE) đang nắm 58,14% vốn.
Từ năm 2017 đến nay, GHC đều đặn chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông: 3.300 đồng/cổ phiếu năm 2017, 4.000 đồng/cổ phiếu năm 2018 và 2019, 3.200 đồng/cổ phiếu năm 2020.
Hiện, cổ phiếu GHC giao dịch quanh mức 34.000 đồng/cổ phiếu. Về năng lực tài chính, tăng trưởng doanh thu của GHC thất thường, không theo xu hướng tuy nhiên lợi nhuận 3 năm gần đây tăng trưởng đều. Chất lượng lợi nhuận tốt với dòng tiền dương liên tục, ROE trung bình 3 năm trên 20%. Cấu trúc vốn của GHC không có dấu hiệu bất thường với D/E ở mức 1,01; doanh nghiệp không có áp lực nợ vay.
CTCP Thủy điện - Điện lực 3 (mã chứng khoán DRL, HOSE)
DRL công bố ngày 30.8.2021 là ngày đăng ký cuối cùng chốt quyền nhận cổ tức đợt 2 năm 2021 bằng tiền với tỉ lệ 15% (01 cổ phiếu nhận 1.500 đồng). Thời gian dự kiến thực hiện là 10.9.2021.
Công ty Cổ phần Thủy điện - Điện lực 3 hiện có 9,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tương đương với việc công ty sẽ chi khoảng 14,25 tỉ đồng để trả cổ tức. Cổ đông lớn nhất tại DRL là Điện lực Miền Trung sở hữu hơn 30% vốn.
Từ năm 2017 đến nay, DRL đều đặn trả cổ tức bằng tiền với tổng tỉ lệ ở mức khá cao: từ 30% đến 75%/năm.
Theo Minh An (Lao Động)