Hiện các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đang giám định làm rõ doanh số thu phí và số thuế thất thu này.
Nguồn tin của chúng tôi cho hay các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đang giám định làm rõ doanh số thu phí và số thuế trốn tại các trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương do các đối tượng thực hiện.
Gian lận từ... năm 2015
Theo kết quả điều tra bước đầu, vào năm 2015, các đối tượng đã thuê chuyên gia về công nghệ thiết kế phần mềm nhằm ăn gian doanh số thu phí. Phần mềm này được cài đặt vào hệ thống máy theo dõi thu phí tại các trạm có chức năng giúp xóa dữ liệu thu phí.
Khi các phương tiện qua trạm thì nhân viên vẫn thu phí bình thường nhưng phần mềm sẽ giúp xóa dữ liệu, thông tin về phương tiện qua trạm và việc thu phí đối với phương tiện.
Bộ Công an đang làm rõ thời gian từ năm 2015 đến lúc triệt phá thì phần mềm giúp các trạm thu phí ăn gian doanh số thu phí là bao nhiêu. Trên cơ sở đó tính ra số thuế mà các đối tượng trốn được. Hằng ngày lượng phương tiện qua lại tuyến cao tốc huyết mạch TP.HCM - Trung Lương là khá lớn.
Mới đây, Công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIMP Cửu Long - Bộ GTVT) cũng có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh phải nộp phạt gần 265 tỉ đồng, vì chậm thanh toán hợp đồng bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Tuy nhiên phía Công ty Yên Khánh cho biết chưa thực hiện việc trả số tiền phạt do chậm thanh toán vì hợp đồng ký với Bộ GTVT là hợp đồng trọn gói, nên công ty không phải thanh toán thêm bất kỳ chi phí nào khác.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) được Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp tổ chức bán đấu giá quyền thu phí 5 năm (từ ngày 1-1-2014 đến 31-12-2018) để hoàn vốn ngân sách nhà nước. Công ty Yên Khánh là nhà đầu tư đã trúng đấu giá quyền thu phí 5 năm của dự án này.
Dùng phần mềm để giấu doanh số
Cơ quan điều tra cho biết quá trình khám xét nơi ở và nơi làm việc của những người này đã thu giữ một số tài liệu, chứng cứ điện tử xác định các đối tượng có hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Trạm thu phí giấu doanh thu, trốn thuế như thế nào?
Theo ông Ngô Tấn Vũ Khanh - giám đốc Việt Nam của Hãng bảo mật Kaspersky Lab, có nhiều cách để che giấu doanh số thu phí, trốn thuế mà đơn vị phụ trách các trạm thu phí trên cao tốc này có thể áp dụng.
Nếu áp dụng kỹ năng công nghệ thông tin, họ có thể can thiệp trực tiếp vào phần mềm thống kê thu phí. Chẳng hạn mỗi ngày một làn thu phí có khoảng 10.000 xe đi qua, họ sẽ chỉnh sửa cho phần mềm chỉ đếm còn 1.000 xe, qua đó "ăn gian" 9.000 xe còn lại.
Hoặc đơn vị phụ trách thu phí có thể mua, viết (hoặc đặt hàng công ty lập trình viết phần mềm theo yêu cầu) phần mềm "đè" lên phần mềm thống kê thu phí hiện hữu để dễ dàng tạo ra các con số che giấu doanh thu theo ý muốn.
Còn nếu nhiều cá nhân trong chuỗi thu phí, từ nhân viên thu phí đến nhân viên kế toán, lãnh đạo công ty phụ trách thu phí cùng "đồng lòng" thì không cần đến các kỹ năng công nghệ thông tin, họ vẫn có thể che giấu doanh thu, trốn thuế dễ dàng.
Chẳng hạn đơn giản là họ sửa lại tập tin thống kê doanh thu cuối cùng trước khi gửi cho chủ đầu tư hoặc cơ quan thuế...
Hay một cách khá thủ công khác là thay vì người điều khiển xe sẽ lấy và trả thẻ (vé điện tử) tại các trạm nhả, thu thẻ tự động ở các trạm thu phí thì nhân viên có thể qua mặt bằng cách làm việc này thay máy. Khi đó, lượt xe đi qua, phí thu được sẽ không ghi lại trong hệ thống.
Thất thu thuế, không thất thu tiền thu phí
Ông Nguyễn Văn Huyện - tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN - khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ trước thông tin nhóm "ăn gian" tiền thu phí của Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh bị bắt.
Ông Huyện cho biết thêm những người của công ty Yên Khánh chi nhánh Long An bị cơ quan công an bắt để điều tra hành vi gian lận thuế từ tiền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương không liên quan đến Bộ GTVT.
Theo ông Huyện, năm 2013, sau khi trúng thầu quyền thu phí sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, phía công ty Yên Khánh đã chuyển đủ tiền mua quyền thu phí cho Nhà nước, chấp nhận lời ăn lỗ chịu.
"Nếu doanh thu tăng hơn ước tính mà họ dùng phần mềm để che giấu, gian lận là để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước về mặt thuế chứ Nhà nước không bị thất thoát trực tiếp từ thu phí vì đã bán trọn gói quyền thu phí có thời hạn cho Công ty Yên Khánh" - ông Huyện nói.
Cũng theo ông Huyện, sau khi phía Công ty Yên Khánh hết thời hạn thu phí theo hợp đồng, Tổng cục Đường bộ đã tiếp nhận quản lý, khai thác đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Kể từ ngày 1-1-2019, tuyến cao tốc này không thu phí cho đến khi có chủ trương mới của Nhà nước.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, sau khi hết hợp đồng bán quyền thu phí với Công ty Yên Khánh, cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được giao cho nhà đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Việc chuyển giao này theo phương án tài chính, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được Nhà nước hỗ trợ bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong 8 năm 2 tháng. Nhà đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được tiếp nhận quyền khai thác và thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ đầu năm 2018 thì không có phương thức giao khai thác tài sản công mà tài sản công tham gia dự án BOT phải xác định thông qua đấu giá.
Vì vậy, trong phương án mới nhất mà Bộ GTVT trình Thủ tướng vào ngày 30-11-2018, bộ này kiến nghị Chính phủ chuyển tiếp chủ trương Nhà nước hỗ trợ cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Bộ Tài chính hướng dẫn xác định giá trị tài sản công tham gia dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bằng phương thức chuyển nhượng có thời hạn quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thông qua hình thức đấu giá.
Nguồn thu được sẽ ưu tiên hỗ trợ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
TUẤN PHÙNG
Theo Thân Hoàng - Thái An - Đức Thiện (Tuổi Trẻ)