Thời gian vừa qua, thị trường ghi nhận nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ồ ạt đăng ký mua vào cổ phiếu.
Cụ thể, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT CTCP Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) đã đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu, theo phương thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 8/11-7/12/2023. Nếu giao dịch thành công, ông Tài sẽ nâng sở hữu từ hơn 35,1 triệu cổ phiếu lên hơn 36,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,469% vốn tại MWG.
Ông Tài đăng ký mua cổ phiếu MWG trong bối cảnh cổ phiếu này đã trải qua quãng thời gian điều chỉnh mạnh và chỉ phục hồi đôi chút theo đà tăng chung của thị trường chứng khoán. Chốt phiên 6/11, thị giá MWG đạt 37.850 đồng/CP, tương đương giảm 2,82%, qua đó chấm dứt đà 2 phiên tăng liên tục. Cổ phiếu MWG đã giảm 21,6% tính trong 1 tháng vừa qua và giảm gần 11,8% tính từ đầu năm.
Một trường hợp khác là ông Lê Bảo Anh – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (UPCoM: CC1) đăng ký mua 14 triệu cổ phiếu với mục đích đầu tư, theo phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh, trong thời gian từ 6/11-5/12/2023. Nếu giao dịch thành công, vị Phó Chủ tịch này sẽ nâng sở hữu từ 6.881 cổ phiếu lên hơn 14 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 3,91%.
Tương tự, ông Nguyễn Khánh Toàn – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Tài sản Koji (HoSE: KPF) đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu cũng với mục đích đầu tư, theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 6/11/2023 đến ngày 5/12/2023. Nếu mua thành công, ông Toàn sẽ nâng tổng số cổ phiếu nắm giữ từ 60.000 lên 3,06 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,03%.
Như Nhadautu.vn từng đề cập , ông Toàn mới nhậm chức Chủ tịch HĐQT KPF từ tháng 8/2023 tại EGM công ty. Sinh năm 1979, Tân Chủ tịch KPF ông Nguyễn Khánh Toàn nên biết là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ông có học vị tiến sĩ và từng có thời gian gần một thập kỷ làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ngoài các vai trò kể trên, vị doanh nhân sinh năm 1979 còn là "mắt xích" thuộc nhóm CTCP Tập đoàn Đầu tư MCC (MCC Group) khi đứng tên loạt đơn vị thành viên tập đoàn này, gồm: CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Tự động DG, CTCP Tập đoàn AKi Việt Nam, CTCP Quản lý tài sản và khai thác nợ Toàn Cầu, Công ty TNHH MTV Học viện Đào tạo và Tư vấn Kinh doanh AMC, hay CTCP Thương mại điện tử MCC.
Đặc biệt, ông Toàn còn là người đứng đầu Công ty TNHH Một thành viên quản lý tài sản La Paloma - pháp nhân vừa được HĐQT KPF phê duyệt chủ trương nghiên cứu ký kết hợp đồng hợp tác để cùng thực hiện triển khai dự án Khu đô thị Phía Tây thị trấn Bắc Sơn.
Một vị Chủ tịch HĐQT khác cũng đăng ký mua vào cổ phiếu là ông Trần Thọ Thắng – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (HoSE: CKG). Theo đó, ông đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu CKG trong thời gian từ ngày 3/11-2/12 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh qua sàn.
Ông Thắng hiện sở hữu gần 8 triệu cổ CKG, tương ứng tỷ lệ 8,31%. Nếu giao dịch diễn ra thành công, lượng cổ phiếu mà Chủ tịch CKG nắm giữ sẽ nâng lên gần 9 triệu cổ phiếu, chiếm 9,36% vốn điều lệ.
Ngoài ra, có thể kể đến nhiều giao dịch nội bộ khác như: 2 tổ chức nước ngoài là Platinum Victory và F&N Dairy Investments đăng ký mua cổ phiếu VNM với cùng số lượng là 20.889.554 cổ phiếu; CTCP Transimex – công ty liên quan Phó Tổng giám đốc, đăng ký mua 389.580 cổ phiếu TJC từ ngày 31/10 – 29/11, qua đó sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 54,04% nếu giao dịch thành công….
Việc các lãnh đạo và/hoặc người nhà của họ mua vào cổ phiếu thường khiến cổ đông an tâm hơn. Bởi lẽ, các lãnh đạo thường là những cá nhân hiểu rõ nhất về doanh nghiệp mình quản lý. Do đó, các giao dịch gia tăng tỷ trọng cổ phiếu của họ sẽ tạo niềm tin cho giới đầu tư. Từ đó, các cổ phiếu này dễ thu hút dòng tiền của giới đầu tư, đặc biệt đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán nói chung có nhiều biến động khó lường.