Thị trường chứng khoán có một phiên bùng nổ 2/11 sau khi giới đầu tư đón nhận thông tin tích cực đến từ thị trường tài chính thế giới. Nỗi lo về tỷ giá USD/VND tăng vọt và dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam đã được giải tỏa sau khi Mỹ ngừng tăng lãi suất.
Ngay đầu phiên giao dịch, sức cầu bắt đáy đã gia tăng, qua đó khiến thanh khoản được cải thiện đáng kể. Nhóm cổ phiếu trụ cột đồng loạt tăng mạnh, trong đó ấn tượng đến từ các cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán…
Sức cầu tiếp tục duy trì và mạnh lên trong phiên chiều, nhờ đó chỉ số VN-Index tăng vọt.
Phần lớn các cổ phiếu trong nhóm trụ cột VN30 đều tăng mạnh. Trong đó, Sabeco (SAB) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) tăng trần.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng bứt tốc. Sacombank (STB) tăng 1.350 đồng lên 29.000 đồng/cp; BIDV (BID) tăng 1.650 đồng lên 41.650 đồng/cp; Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh tăng 1.150 đồng lên 29.350 đồng/cp.
Cổ phiếu Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tăng mạnh 3.200 đồng lên 62.700 đồng/cp nhờ sức cầu lớn từ cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp này vừa có giải trình về tình hình dòng tiền tốt và các khoản vốn từ nước ngoài, trong đó có Tập đoàn SK của Hàn Quốc vẫn ổn định. Báo Hàn bác bỏ tin đồn SK rút tiền sớm và khẳng định quan hệ hợp tác giữa các tập đoàn Hàn Quốc với Việt Nam là lâu dài.
Nhóm cổ phiếu “họ Vin” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bứt phá trở lại sau một thời gian giảm khá mạnh. Thông tin khối ngoại bán không còn là sức ép đối với các cổ phiếu này.
Ông lớn bất động sản Vinhomes (VHM) tăng 1.500 đồng lên 39.950 đồng/cp, Vingroup (VIC) tăng 1.050 đồng lên 41.450 đồng/cp; Vincom Retail (VRE) tăng 550 đồng lên 23.250 đồng/cp.
Các cổ phiếu bán lẻ như MWG của ông Nguyễn Đức Tài, hay thép như HPG của tỷ phú Trần Đình Long… đều tăng nhanh trở lại.
Chốt phiên 2/11, chỉ số VN-Index tăng 35,81 điểm lên 1.075,47 điểm. Thanh khoản vọt lên 17.200 tỷ đồng.
Cổ phiếu Việt quay đầu đồng loặt tăng sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ vừa có một chính sách khá ôn hòa, nhằm hướng kinh tế đến một cú hạ cánh mềm.
Rạng sáng 2/11 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang lần thứ 2 liên tiếp ở mức 5,25%-5,5%. Fed đã không đẩy chính sách tiền tệ lên một mức thắt chặt mới. Xu hướng lỏng tay lại nhằm không ảnh hưởng tới tốc độ hồi phục của nền kinh tế và tác động tiêu cực tới thị trường lao động nước này, cho dù lạm phát vẫn còn ở mức cao.
Thị trường tài chính thế giới đã phản ứng tích cực với đồng USD hạ nhiệt. Tỷ giá USD/VND tại Việt Nam cũng nhanh chóng đi xuống. Tại Vietcombank sáng 2/11 giảm 20 đồng xuống còn 24.740 đồng/USD (giá bán).
Trước đó, nhiều người lo ngại DXY có thể lên tới 110 điểm và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ gặp khó và có thể phải dùng thêm nhiều biện pháp để can thiệp, trong đó có việc bán dự trữ ngoại hối giống như quý IV/2022.
Giá dầu thế giới cũng giảm, khiến nỗi lo về lạm phát giảm xuống. Chi phí của doanh nghiệp cũng sẽ giảm theo.
Cầu bắt đáy cổ phiếu tăng còn do sau cú giảm hơn 200 điểm của chỉ số VN-Index, định giá chứng khoán đã hấp dẫn hơn. Chỉ số P/E đã ở mức dưới trung bình P/E 5 năm, có nghĩa thị trường vẫn đang trong giai đoạn rẻ.
Giới đầu tư cũng kỳ vọng vào các giải pháp dồn dập của Chính phủ nhằm hỗ trợ kinh tế hồi phục. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa cho biết, dự kiến năm 2023 sẽ giảm khoảng 200.000 tỷ tiền thuế cho doanh nghiệp và người dân.
Ở chiều ngược lại, nhiều người vẫn thận trọng với tình hình kinh doanh còn khó khăn của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực và những bất ổn trên thế giới có thể ảnh hưởng nhanh tới thị trường tài chính thế giới. Một số công ty chứng khoán kỳ vọng VN-Index dao động tích lũy trong vùng 1.020 – 1.100 điểm.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)