Nhiều chuyên gia, nhà đầu tư ủng hộ quyết định thanh tra HOSE

11/06/2021 13:48:59

Với quyết định thanh tra HOSE, nhà đầu tư và chuyên gia kỳ vọng sẽ sớm có giải pháp hiệu quả khắc phục câu chuyện đơ, nghẽn trên sàn chứng khoán lớn nhất nước này.

Tối 10-6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra đối với Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) trước tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE diễn ra thời gian qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động từ tối hôm qua đến sáng 11-6, rất nhiều nhà đầu tư đã chia sẻ thông tin này và kỳ vọng sẽ có sự cải thiện đáng kể tình trạng đơ sàn, nghẽn lệnh của sàn HOSE sau đợt thanh tra này. 

Anh Hùng (ngụ TP HCM), một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán, nhận xét quyết định thanh tra hành chính của Bộ Tài chính đối với HOSE có 2 khía cạnh. Về tính minh bạch thì cần phải thanh tra bởi thời gian qua khi thị trường liên tục lập đỉnh nhưng nhà đầu tư lại gặp rất nhiều khó khăn trong giao dịch.

Nhiều chuyên gia, nhà đầu tư ủng hộ quyết định thanh tra HOSE
Nhiều chuyên gia, nhà đầu tư ủng hộ quyết định thanh tra HOSE và kỳ vọng hệ thống giao dịch của sàn HOSE sẽ sớm được xử lý dứt điểm

"Đặc biệt, 2 phiên thị trường giảm mạnh đầu tuần qua, có phiên rớt gần 40 điểm nhưng nhà đầu tư lại không được sửa, hủy lệnh, có khi phải khớp bán cổ phiếu giá sàn, thiệt hại nặng nề. Quyết định thanh tra lúc này phần nào xoa dịu sự phẫn nộ của nhà đầu tư" - anh Hùng nói.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận định trong suốt 2 tháng qua, thị trường trục trặc nghiêm trọng nhưng không thấy Uỷ ban chứng khoán Nhà nước lên tiếng hoặc thông tin về giải pháp, hướng xử lý cụ thể. Nay với quyết định thanh tra của Bộ Tài chính cũng cần Uỷ ban chứng khoán nhà nước làm rõ về phần mềm quản lý đầu tư, giao dịch tại HOSE như thế nào? việc giám sát, quản lý của cơ quan này thời gian qua ra sao và hướng khắc phục cụ thể trong thời gian tới? Bởi những trục trặc, nghẽn, đơ lệnh liên quan nhiều đến chuyên môn mà Uỷ ban chứng khoán nhà nước là đơn vị quản lý trực tiếp.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đạt Chí cũng cho rằng một hệ thống khi được đưa vào vận hành cần được kiểm tra về khả năng chịu đựng, khả năng vận hành…; nhất là khi chiến lược phát triển của nền kinh tế đòi hỏi quy mô vốn hóa phải bao nhiêu phần trăm của GDP. Điều này đòi hỏi HOSE phải tính bài toán này để tiên liệu cho hệ thống vận hành. Khi xảy ra trục trặc phải chăng do cơ quan quản lý chưa dự báo đúng, đủ nhu cầu của thị trường?

“Một thị trường chứng khoán được thành lập nhằm đáp ứng nguyên tắc cơ bản đầu tiên là tính thanh khoản cho các tài sản trên thị trường, sau đó mới nói đến kênh huy động vốn. Khi xảy ra trục trặc đơ, nghẽn sàn... thì cơ quan quản lý đã làm sai nguyên tắc vận hành của thị trường, gây mất thanh khoản kéo dài. Và lý do cơ quan quản lý nói nguyên nhân do hệ thống bị lỗi sẽ dẫn đến việc “đổ thêm dầu vào lửa” gây bức xúc với nhà đầu tư. Do đó, việc thanh tra của Bộ Tài chính lúc này là cần thiết nhưng nhà đầu tư họ cần nhiều hơn là sau quyết định thanh tra thì giải pháp cụ thể để xử lý dứt điểm là gì?” – TS Lê Đạt Chí đặt vấn đề.

Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn của doanh nghiệp và nơi thu hút cả dòng vốn gián tiếp từ nhà đầu tư nước ngoài. Theo các chuyên gia, nếu không xử lý dứt điểm việc đơ, nghẽn lệnh trên sàn HOSE sẽ mất điểm trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Bởi đầu tư nào cũng có rủi ro và các nhà đầu tư phải tự mình quản trị được những rủi ro đó, còn rủi ro do "hệ thống" thì vô phương, rất khó chấp nhận” – TS Lê Đạt Chí nói.

Theo Thái Phương - Lam Giang (Nld.com.vn)

Nổi bật