Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 8-6 tiếp tục ghi nhận phiên điều chỉnh mạnh thứ hai liên tiếp. Áp lực bán chốt lời trải dài từ tận phiên sáng đến cuối phiên chiều, khởi đầu ở một số nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trước đó như ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí rồi lan rộng toàn thị trường. Chỉ riêng sàn HOSE, đã có tới 321 mã cổ phiếu giảm giá và chỉ 94 mã tăng.
Kết phiên, VN-Index đã giảm sâu 38,9 điểm, còn 1.319,88 điểm. VN30-Index giảm tới 45,13 điểm, còn 1.438,97 điểm. HNX-Index của sàn cũng giảm mạnh tới 12.25 điểm, còn 306,39 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 1,27 tỉ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 38.000 tỉ đồng. Trong đó, riêng giao dịch khớp lệnh lập kỷ lục và chiếm 35.200 tỉ đồng.
Việc thị trường điều chỉnh giảm mạnh 2 phiên gần đây là điều mà nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đã dự đoán được sau chuỗi tăng điểm liên tục từ đầu tháng 5 đến nay. Tuy nhiên, điều khiến nhà đầu tư bức xúc nhất hiện nay chính là trục trặc hệ thống giao dịch của sàn HOSE ngày càng nghiêm trọng nhưng lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết, cũng như giải thích hợp lý với nhà đầu tư.
Cụ thể, trong phiên này, tình trạng "loạn giá", "sàn đơ" tiếp tục trầm trọng hơn. Các chỉ số đứng yên trong nhiều giờ, giá cổ phiếu nhảy loạn xạ, khiến nhà đầu tư không biết chọn giá nào để mua bán. Trong lúc áp lực bán tháo càng gia tăng nhưng không kịp xử lý càng làm nhà đầu tư bức xúc. "VN-Index đang mất bao nhiêu điểm?", "Giá cổ phiếu tăng giảm bao nhiêu?" "Thị trường đang tăng hay giảm?"… là những câu hỏi rất phổ biến trong phiên giao dịch này.
Việc HOSE khuyến cáo các công ty chứng khoán dừng hủy, sửa lệnh càng khiến nhà đầu tư ức chế. Chưa kể, khi nhà đầu tư đặt được lệnh, phải chờ sau 5-7 phút mới hiển thị và báo khớp, khiến họ bỏ qua nhiều cơ hội mua bán giá tốt nhất. "Tôi chỉ còn cách duy nhất là nhắm mắt bán theo giá thị trường (MP). Cứ đặt đại, khớp được ở đâu thì khớp, miễn sao bán được cổ phiếu để tránh thua lỗ lúc thị trường đang tháo chạy" - một nhà đầu tư cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên, làn sóng phẫn nộ của các nhà đầu tư đến chiều tối nay vẫn nóng rực khắp các diễn đàn, các nhóm trên mạng xã hội Facebook, Zalo... Họ quy trách nhiệm cho lãnh đạo HOSE vì chậm chạp khắc phục sự cố và chưa có lời giải thích thỏa đáng. Thậm chí, có người còn yêu cầu lãnh đạo HOSE từ chức. Một số người khác đặt vấn đề về việc công ty chứng khoán chặn việc hủy, sửa lệnh của nhà đầu tư có đúng luật không...
Trên trang cá nhân, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp viết: "Việc cấm hủy/sửa lệnh là "bước lùi" của chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng giảm điểm trên thị trường còn do nhiều mã đã tăng nóng và giá quá cao, cần nhịp điều chỉnh. Nhà đầu tư theo đó cần quản trị rủi ro tốt, canh tích lũy thêm khi giá đẹp".
Trở lại với những biến động của thị trường. Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định thị trường đã giảm gần 60 điểm trong 2 phiên vừa qua khi nhà đầu tư không có nhiều sự lựa chọn trong giao dịch và chủ yếu phải dùng lệnh thị trường để đặt lệnh. Hệ quả là tâm lý nhà đầu tư trong phiên hôm nay đã yếu đi khi có nhiều mã giảm sàn ở cuối phiên so với phiên hôm qua.
Thanh khoản thị trường ngày 8-6 vẫn giữ ở mức cao và khối ngoại tiếp tục bán ròng nhưng áp lực đã giảm đáng kể, chỉ còn 290 tỉ đồng.
Dự trên yếu tố về kỹ thuật, MBS cho rằng sau nhịp giảm mạnh thị trường thường có những phiên hồi kỹ thuật, vùng hỗ trợ mạnh ngắn hạn đối với chỉ số tại vùng 1.300-1.315 điểm.
Kỳ vọng nhịp điều chỉnh sớm kết thúc, Công ty Chứng khoán Đông Á, đánh giá sau 2 phiên điều chỉnh khá mạnh, VN-Index và nhiều cổ phiếu đã nhanh chóng về vùng hỗ trợ. Cụ thể, VN-Index đang có hỗ trợ ngắn hạn ở 1.300 điểm và xa hơn là 1.280 điểm nếu áp lực bán còn kéo dài. Nhóm cổ phiếu sản xuất kinh doanh, có yếu tố nội tại doanh nghiệp lành mạnh và ổn định, nhất là những cổ phiếu đầu ngành, đang trở nên hấp dẫn hơn khi giá chưa tăng nhiều trong đợt sốt nóng vừa qua và hiện đang có mức định giá rẻ tương đối so với thị trường.
Thanh khoản giao dịch vẫn duy trì mức cao, lực mua trên thị trường vẫn ổn định, kỳ vọng nhịp điều chỉnh sẽ sớm kết thúc và thị trường trở nên cân bằng hơn để chuyển sang pha tích lũy. Công ty Chứng khoán Đông Á khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi sát nhịp điều chỉnh, mua những cổ phiếu đầu ngành ở vùng giá hỗ trợ.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam thì nhận định chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục kiểm định ngưỡng 1.300 điểm trong phiên 9-6. Thị trường cũng có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho thấy dòng tiền có khả năng sẽ phân hóa ở những phiên giao dịch tới. Tuy nhiên, rủi ro đã có dấu hiệu gia tăng nên thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp hồi phục rất ngắn và nhanh chóng quay trở lại đà giảm ngắn hạn.
Theo công ty này, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung đã bị hạ từ mức tăng xuống giảm. Vì vậy, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét hạ tỉ trọng cổ phiếu về mức cân bằng và không nên mua vào giai đoạn hiện tại.
Theo Sơn Nhung - Tr.Nguyễn (Nld.com.vn)