Giá bất động sản liên tục tăng
Liên tiếp trong những năm gần đây, giá bất động sản Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng mới. Dù 2 năm đại dịch đầy khó khăn, giá bất động sản vẫn tiếp tục leo thang.
Báo cáo Tổng quan Thị trường bất động sản Hà Nội 6 tháng đầu năm 2021 của Savills cho biết giá chào bán căn hộ sơ cấp trung bình tại Hà Nội đạt 1.625 USD/m2, tăng 7% theo quý và 11% theo năm, các dự án hạng B tăng mạnh nhất, đạt mức 13% theo năm. Đây là quý thứ 10 liên tiếp giá bán sơ cấp căn hộ tăng.
Trên thực tế, Từ năm 2017, giá sơ cấp căn hộ đã tăng 14% mỗi năm tại quận Cầu Giấy, 12%/năm tại Long Biên. Các quận/huyện Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm, Hoài Đức, Hoàng Mai, Thanh Trì cũng ghi nhận mức giá tăng tương đương.
Cũng theo báo cáo của Savills, trong quý 2/2021,giá sơ cấp trung bình của tất cả các loại hình biệt thự/liền kề đều tăng với mức cao nhất ở Quận Hoàng Mai là tăng 15% cho liền kề và 32% cho nhà phố thương mại. Hoài Đức ghi nhận mức tăng 29% cho biệt thự, 38% cho liền kề và 59% cho nhà phố thương mại.
Đồng quan điểm với thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, kể từ năm 2014 đến nay, giá bất động sản liên tục tăng, mức tăng bình quân hàng năm là trên 10%/năm, nhiều dự án tốt có thể tăng trên 20%/năm.
Hai năm gần đây là năm 2019 và đặc biệt là năm 2020, giá bất động sản có hiện tượng tăng mạnh và nhanh, nhất là phân khúc căn hộ. Thậm chí thực trạng thị trường thiếu nguồn cung còn đẩy giá căn hộ tại TP. HCM tăng gần 100% so với thời điểm năm 2018.
Đầu tư đất quê để mua nhà Hà Nội
Diễn biến tăng giá của thị trường bất động sản đã khiến người dân hụt hơi trong cuộc đua chạy theo giá nhà. Nhiều cư dân thành thị đã chọn đầu tư bất động sản ở vùng giá thấp để gia tăng tích lũy, nhằm có cơ hội sở hữu một chốn an cư tại các thành phố lớn.
Cách đây 5 năm, chỉ cần khoảng 1-1,5 tỷ đồng, người mua nhà đã có thể sở hữu 1 căn hộ 2 ngủ cách trung tâm thủ đô từ 10- 15km nhưng 3 năm trở lại đây, tương đương khoảng cách, vị trí, số tiền phải bỏ ra đã lên tới 1,7-2,2 tỷ/căn.
Một bộ phận không nhỏ cư dân ở các thành phố lớn, đặc biệt là người trẻ đã chọn đầu tư bất động sản nhằm rút ngắn khoảng cách sở hữu nhà tại Hà Nội. Vợ chồng chị Trịnh Thùy Liên (sinh năm 1991) là trường hợp thành công từ hướng đi này. Cuối năm 2018, chị Liên lập gia đình, hai vợ chồng thuê 1 căn chung cư mini tại Nam Từ Liêm cách chỗ hai vợ chồng làm 6km (hai vợ chồng làm chung một công ty).
Năm 2019, vợ chồng chị đón con đầu lòng, mong ước có một ngôi nhà riêng tại Hà Nội càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, thu nhập của hai vợ chồng trẻ làm văn phòng chỉ ở mức trung bình, gia đình hai bên không có điều kiện nên cả 2 xác định sẽ phải tự lực là chính. Hàng tháng, chị Liên cố chi tiêu hợp lý, luôn để dành một khoản gửi tiết kiệm.
Chồng chị bảo lãi suất ngân hàng thấp, nếu chỉ tiết kiệm mà không đầu tư sẽ không có đột phá tài chính, việc sở hữu nhà Hà Nội không biết khi nào mới thành hiện thực, nhất là khi giá nhà ngày một tăng. Anh bàn với chị đầu tư bất động sản. Khi đó tích lũy của 2 vợ chồng là gần 400 triệu đồng. Số tiền ít ỏi đó khiến chị Liên thở dài khi không biết đầu tư bất động sản ở đâu, trong khi giá đất tại Hà Nội đã quá cao. Sau một thời gian tìm hiểu, hai vợ chồng quyết định về quê mua đất.
Đầu năm 2020, nghe người bạn ở dưới quê kể mới trúng 2 lô ở khu đất đấu giá nhưng gia đình có việc lại không đủ tiền để nộp tiếp, muốn bán một lô chênh 10 triệu đồng, coi như công đi đấu giá đất. Tổng giá trị lô đất hơn 100m2 chỉ là gần 500 triệu đồng. Khu đất đấu giá được quy hoạch trong trung tâm hành chính huyện, hạ tầng giao thông và xã hội đang được đẩy mạnh nên trong tương lai sẽ rất tiềm năng.
Sau khi về quê xem đất, hai vợ chồng ưng ý quyết định mua luôn. Số tiền thiếu lúc đó là 70 triệu đồng, vợ chồng chị Liên vay mượn người thân, bạn bè là vừa đủ. Cả hai đều tính phải vài năm sau lô đất tăng giá mới bán đi được.
Thế nhưng thật bất ngờ, đầu năm 2021, một dự án lớn được tỉnh phê duyệt gần ngay khu đất của chị Liên khiến giá đất tăng chóng mặt. Từ giá mua ban đầu chỉ tầm 500 triệu, trong cơn sốt, giá nhảy lên hơn tỷ đồng. Người bạn ở dưới quê – người đã bán lô đất cho chị Liên là người có kinh nghiệm đầu tư bất động sản khuyên 2 vợ chồng bán ra ngay lúc đó. Nghe lời bạn, anh chị bán ra hơn 1 tỷ đồng, lô đất lãi gấp đôi sau 1 năm đầu tư.
Cầm số tiền bán đất trong tay cùng với khoản tích lũy hơn 180 triệu trong 1 năm qua, hai vợ chồng vay thêm ngân hàng 600 triệu đồng mua một căn hộ gần 1,9 tỷ tại Hà Đông, kết thúc quãng thời gian đi thuê trọ vất vả.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Hương và chồng dự định mua nhà vào năm 2016 khi sinh thêm bé thứ 2. Tích lũy của 2 vợ chồng lúc đó là một cuốn sổ tiết kiệm 600 triệu đồng và hai cây vàng. Tuy nhiên số tiền vẫn quá ít ỏi, nếu muốn mua nhà, hai vợ chồng vẫn phải vay đến 60% giá trị căn hộ. Sợ áp lực lãi vay lớn, hai vợ chồng tiếp tục thuê nhà ở.
Hai vợ chồng nhận ra nếu chỉ trông chờ vào thu nhập từ lương hàng tháng, việc mua nhà Hà Nội rất xa xôi nên bắt đầu tìm hiểu các kênh đầu tư và chọn đầu tư bất động sản. Với số vốn khoảng 700 triệu đồng, hai vợ chồng hiểu chỉ có thể mua đất ở quê nên nhờ một người bác làm địa chính ở huyện giới thiệu đất để đầu tư.
Tháng 8/2016, người bác báo có lô đất vị trí mặt tiền đường nhánh, từ quốc lộ đi vào, phù hợp với tích lũy của hai vợ chồng. Sau khi về quê xem xét, hai vợ chồng bỏ ra gần 800 triệu đồng để mua mảnh đất đó. Đô thị hóa đã khiến mảnh đất tăng hàng năm. Tháng 2/2019, sau hơn 2 năm đầu tư, có người đã trả vợ chồng chị Hương giá 1,3 tỷ đồng nhưng hai vợ chồng không bán. Tháng 12/2019, có khách trả 1,550 tỷ đồng, anh chị mới quyết định bán ra. Cùng với tích lũy hiện tại, năm 20201, hai vợ chồng mua được căn hộ nhỏ tại Hoàng Mai (Hà Nội).