Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 - 29/4/2025 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đây cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Ishiba trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản.
Sáng nay (28/4), sau lễ đón chính thức tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru.
Tại hội đàm, trên cơ sở sự tương đồng về chiến lược phát triển dựa trên khoa học công nghệ, chuyển đổi số, hai Thủ tướng đã nhất trí xác định hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thành trụ cột mới của quan hệ song phương; đồng thời nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực phát triển kinh tế số, bán dẫn, lượng tử, năng lượng nguyên tử, IT, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng…
Nhật Bản muốn đầu tư nhiều tỷ USD vào Việt Nam trong lĩnh vực gì?
Thủ tướng Ishiba Shigeru thông báo Nhật Bản mong muốn triển khai 15 dự án trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng trị giá hơn 20 tỷ USD trong khuôn khổ Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng châu Á (AETI), Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC). Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, giới khoa học và doanh nghiệp hai nước. Đồng thời tăng cường cung cấp học bổng cho du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam; hỗ trợ cộng đồng 70 doanh nghiệp và 5.000 kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi số của Nhật Bản.
Thủ tướng Ishiba Shigeru khẳng định, Nhật Bản sẽ hỗ trợ các dự án nghiên cứu chung, đào tạo tiến sĩ ngành bán dẫn của Việt Nam thông qua Dự án hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Nhật Bản – ASEAN (NEXUS).
Đặc biệt, Thủ tướng Ishiba Shigeru thông báo Nhật Bản mong muốn triển khai 15 dự án trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng trị giá hơn 20 tỷ USD trong khuôn khổ Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng châu Á (AETI), Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC).
Nhu cầu về năng lượng tăng mỗi năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu về tăng trưởng và sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, chuyển đổi năng lượng xanh được coi là xu thế tất yếu và yêu cầu bắt buộc để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như hướng tới một tương lai phát triển bền vững, tăng trưởng xanh cho Việt Nam và hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050...
Hợp tác kinh tế tiếp tục là trụ cột chính của quan hệ Việt – Nhật
Ngoài xác định hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thành trụ cột mới của quan hệ song phương, hai Thủ tướng nhất trí đẩy mạnh liên kết kinh tế thực chất và bền vững hơn giữa hai nước, qua đó hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Theo đó, hai bên cùng cải thiện môi trường đầu tư một cách rõ ràng, bao gồm cải cách thủ tục hành chính trong kỷ nguyên mới của Việt Nam và xem đây là yếu tố cần thiết và không thể thiếu đối với phát triển quan hệ kinh tế song phương. Các bên cùng nỗ lực nâng cao hiệu quả hợp tác thông qua vốn tư nhân và công nghệ tiên tiến, cân nhắc đến các yêu cầu của Việt Nam về hỗ trợ phát triển (ODA).
Hai Thủ tướng cũng khẳng định các bên sẽ nỗ lực bảo đảm môi trường kinh doanh cần thiết trên các phương diện cơ chế, pháp lý và triển khai xây dựng các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí đốt hóa lỏng (LNG) ở Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Sau hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ishiba Shigeru đã chứng kiến Lễ trao đổi văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành hai nước, đồng thời gặp gỡ báo chí chung và thông báo những kết quả chính trong hội đàm.
Trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 46,2 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2023.
Về đầu tư trực tiếp (FDI), trong năm qua, Nhật Bản có 270 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký đạt 3,5 tỷ USD, đứng thứ 5 trong các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Lũy kế đến ngày 31/1, Nhật Bản có 5.512 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 78,3 tỷ USD, xếp thứ ba trong số 149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có 124 dự án đầu tư sang Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký đạt 20,4 triệu USD.
Theo Minh Hằng (Nhịp Sống Thị Trường)