Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (mã chứng khoán PNC) vừa có tờ trình về việc chuyển nhượng một phần vốn góp tại Công ty CJ CGV Việt Nam, doanh nghiệp quản lý và vận hành cụm rạp chiếu phim lớn nhất tại Việt Nam.
Hiện tại, Phương Nam đang nắm giữ tổng cộng 20% vốn tại CGV Việt Nam, tương đương gần 31 tỷ đồng ban đầu doanh nghiệp rót vào cụm rạp này. Công ty dự kiến chuyển nhượng 12,5% vốn tại CGV Việt Nam cho đối tác là Công ty cổ phần Đầu tư Kim cương đen, doanh nghiệp vừa thành lập ngày 26/4 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng.
Giá trị chuyển nhượng dự kiến đạt 160 tỷ đồng, tương đương định giá CGV Việt Nam hiện tại vào khoảng gần 1.300 tỷ đồng.
Thương vụ này cũng giúp Phương Nam thu lời hơn 100 tỷ đồng so với khoản đầu tư ban đầu hơn 30 tỷ đồng cho 20% phần vốn tại CGV Việt Nam.
Theo HĐQT công ty, nguồn tiền thu được sẽ được ưu tiên trả nợ cho đối tác CJI bao gồm cả nợ gốc và một phần nợ lãi.
Theo giải trình của ban lãnh đạo công ty, tình hình tài chính của công ty đang hết sức khó khăn do tích lũy nhiều năm. Tổng nợ ngắn hạn đến cuối quý I năm nay đã vượt tài sản ngắn hạn 195 tỷ đồng, với tổng nợ phải trả nhà cung cấp đến ngày 18/5 lên tới 321 tỷ đồng. Trong đó, riêng nợ với đối tác CJI bao gồm 7 triệu USD nợ gốc và khoảng 18,5 tỷ đồng lãi vay đã được công ty thế chấp bằng toàn bộ phần vốn góp tại CGV Việt Nam. Khoản nợ này đến hạn thanh toán vào ngày 30/6 tới và không được tiếp tục gia hạn. Đây là nguyên nhân khiến Phương Nam phải bán một phần khoản đầu tư tại CGV Việt Nam.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, ban lãnh đạo Phương Nam đã trình kế hoạch tăng vốn nhằm cân đối lại tài chính doanh nghiệp nhưng bị đa số cổ đông phản đối.
CGV Việt Nam là khoản đầu tư hiệu quả nhất của Phương Nam trong nhiều năm trở lại đây khi cụm rạp này chiếm lĩnh trên 45% thị phần chiếu phim trong nước.
Theo số liệu từ Hiệp hội phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, tổng doanh thu của thị trường phim Việt năm 2017 khoảng 3.220 tỷ đồng, tăng gần 14% so với năm 2016. Trong đó, riêng CGV đã chiếm lĩnh hơn 45% thị phần, cao hơn cả 4 doanh nghiệp đứng sau cộng lại gồm Lotte, Galaxy, BHD và Trung tâm chiếu phim quốc gia. Thị phần phát hành phim của CGV cũng lên tới hơn 60%.
Trong năm qua, doanh thu của cụm rạp này tăng hơn 20% đạt 1.460 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày cụm rạp này thu về tới 4 tỷ đồng tiền bán vé và các dịch vụ đi kèm.
Tính từ khi thâu tóm cụm rạp Megastar, CGV đã mở rộng quy mô gấp 5 lần tại thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, năm 2017, Phương Nam ghi nhận 606 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% so với năm trước. Hoạt động đóng góp doanh thu chính vẫn là kinh doanh hàng tổng hợp và bán sách lần lượt đạt 323 tỷ và 231 tỷ đồng. Ngoài ra công ty còn ghi nhận doanh thu từ mảng phim, cà phê sách…
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cùng chi phí tăng cao mà chủ yếu là chi phí lãi vay đã khiến lợi nhuận của công ty sụt giảm mạnh và báo lỗ trước thuế hơn 67 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước công ty lãi 3,5 tỷ đồng).
Trong quý I vừa qua, Phương Nam cũng ghi nhận mức doanh thu tăng 28% so với cùng kỳ đạt 157 tỷ đồng nhưng tiếp tục phải báo lỗ trước thuế 1,6 tỷ đồng. Hiện lỗ lũy kế công ty đã lên tới 108 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 110,4 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PNC của Phương Nam cũng đang bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt do lợi nhuận sau thuế năm 2016 và 2017 báo số âm. Hiện mỗi cổ phiếu này được giao dịch với giá 15.500 đồng, giảm gần một nửa so với vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm. Nếu lợi nhuận năm 2018 không cải thiện, Phương Nam sẽ đối diện với việc hủy niêm yết bắt buộc do 3 năm lỗ sau thuế liên tiếp và lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu.
Công ty cổ phần Văn Hóa Phương Nam chính là đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng sách Phương Nam, một trong hai nhà sách có quy mô lớn nhất tại Việt Nam với hàng chục cửa hàng trên khắp cả nước.
Theo Hoàng Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)