Cơ quan nhà nước nói có hiện tượng "găm hàng chờ tăng giá", cây xăng nói "có xăng đâu mà găm". “Vì sao phải găm hàng? Ai găm hàng?” là những câu hỏi cần được trả lời.
Nếu theo đúng lịch 10 ngày điều chỉnh giá một lần thì giá xăng phải được điều chỉnh vào ngày 1/1/2022. Thế nhưng, ngày đó lại trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cho nên giá xăng dầu phải chờ đến ngày 11/2 mới đến kỳ điều hành tiếp theo. Bởi lẽ, khoản 3 điều 38 Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (có hiệu lực từ 2/1/2022) đã có thêm một câu: “Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo”.
Như vậy, giá xăng dầu đã bị ‘nén’ lại tới 10 ngày, khiến các cây xăng vừa chịu cảnh khan hàng, vừa chịu cảnh càng bán càng lỗ. Tính toán của nhiều cây xăng cho thấy, nếu bán ra vào những ngày này họ sẽ bị lỗ 650 đồng/lít. Dù vậy, họ vẫn phải chấp nhận vì kinh doanh có lúc lời lúc lãi, nhưng một cây xăng chia sẻ ‘không có hàng mà bán’.
“Các cây xăng xung quanh đóng cửa gần hết, khách đổ xô đến cây xăng của nhà tôi. Nhưng 4 ngày liên tục gọi các đầu mối thì chỉ được cấp 9.000 lít dầu, chia cho 3 cửa hàng, còn xăng thì không có”, chủ một cây xăng bức xúc trước thông tin ‘cây xăng găm hàng chờ tăng giá’.
Tại cuộc họp với Bộ Công Thương chiều 9/2, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho hay các đơn vị quản lý thị trường khi trực tiếp kiểm tra đều đo bồn trữ xăng tại các cửa hàng. Đến nay, có 19 đơn vị tạm ngừng hoạt động và qua thực tế đo và kiểm tra thì việc đóng cửa là do hết xăng dầu và không còn nguồn để bán.
Sở Công Thương TP.HCM cũng khẳng định trên địa bàn không có hiện tượng găm hàng chờ tăng giá.
Thực tế, dù được giao nhiệm vụ giám sát các cây xăng từ trước Tết, nhưng đến ngày 10/2, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương mới phát hiện 1 cây xăng còn 7.000 lít nhưng vẫn treo biển hết hàng. Còn lại các cuộc kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường đều chưa thấy công bố thông tin nào liên quan đến cây xăng còn xăng dầu mà không chịu bán.
Có thể thấy, hiện tượng cây xăng 'găm hàng' vẫn có nhưng không đến mức phổ biến. Nếu phát hiện những cây xăng như vậy thì việc xử lý nghiêm như Bộ Công Thương vẫn nhấn mạnh là cần thiết.
Hơn hết, việc giá xăng bị ‘nén” 10 ngày, không điều chỉnh theo mức tăng giá của thị trường thế giới mới là một trong những nguyên nhân chính khiến xăng dầu khan hiếm trên diện rộng, bên cạnh lý do lọc dầu Nghi Sơn chỉ vận hành 60% công suất.
Doanh nghiệp kinh doanh là phải có lợi nhuận. Dù là nhà máy lọc dầu, hay đầu mối xăng dầu, và cả các cây xăng, nếu thấy giá được tăng theo đúng biến động của thị trường thì sẽ tìm cách để tăng cường sản xuất, đẩy nhanh tiến độ nhập hàng để có nguồn cung. Ngược lại, khi thấy giá bị ‘nén’ lại và chắc chắn sẽ tăng trong kỳ điều hành gần nhất, thì rất dễ kích thích tâm lý ‘ép cung’ khiến nguồn cung bị hạn chế.
Tháng 5/2020, nhiều cây xăng ở Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh thành khác cũng có cảnh đồng loạt treo biển hết xăng. Khách hàng ngỡ ngàng khi nhiều cây xăng ‘không có xăng mà bán’.
Bối cảnh câu chuyện thiếu xăng dầu năm ngoái cũng tương tự hiện nay. Ngay sau kỳ tăng giá ngày 13/5/2020, nguồn cung xăng dầu trên thị trường trở nên khan hiếm. Các doanh nghiệp đầu mối bắt đầu giảm chóng mặt mức chiết khấu cho đại lý, trong khi hầu hết doanh nghiệp muốn mua hàng để dự trữ. Các nhà máy lọc dầu trước đó cũng trải qua thời kỳ lỗ nặng do phải mua dầu thô với giá cao từ trước, nên cũng chỉ bán hàng theo đúng hợp đồng đã ký, muốn mua thêm cũng khó.
Đó cũng là thời kỳ xăng dầu trải qua giai đoạn biến động chưa từng có. Giá dầu thô từ mức 68 USD/thùng vào đầu tháng 2/2020 đã nhanh chóng giảm xuống còn 18-20 USD/thùng. Giá xăng bán lẻ trong nước từ 21.000 đồng xuống còn hơn 10.000 đồng/lít. Tình thế này khiến có thời điểm nhiều doanh nghiệp đầu mối phải chiết khấu cho tổng đại lý và đại lý tới 5.800 đồng/lít để đẩy hàng tồn. Vì chịu lỗ nặng trong thời gian giá xăng dầu lao dốc, nhu cầu xuống thấp nên sau đó có tình trạng “ép cung" để chờ tăng giá, bù cho khoản lỗ.
Thực tế tình hình sau đó sớm trở lại bình thường ngay sau khi giá bán được nhà điều hành điều chỉnh tăng lên.
Tâm lý chung ấy đang lặp lại, khiến thị trường lâm cảnh khan hàng. Dự kiến với việc giá xăng dầu sẽ tăng khá mạnh vào kỳ điều hành ngày 11/2, tình hình khan hiếm xăng dầu sẽ được hạ nhiệt thời gian tới.
Việc trì hoãn điều chỉnh giá xăng dầu, dù là thực hiện theo đúng Nghị định 95, nhưng vô tình lại tạo ra sức ép cho nguồn cung xăng dầu trên thị trường. Sau những câu chuyện này, cơ quan quản lý cần một tầm nhìn xuyên suốt hơn cho thị trường xăng dầu, trong đó điều quan trọng nhất là để giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường, bám sát thị trường, thay vì lạc nhịp như đã từng xảy ra suốt nhiều năm qua.
Nếu còn duy trì lợi nhuận định mức, chi phí định mức, Quỹ bình ổn... thì giá xăng dầu vẫn còn chưa thể vận hành theo thị trường một cách nhịp nhàng.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)