Ông Kiêm nói: “Huy động vốn trong dân nhằm phát triển kinh tế đất nước là chủ trương chung của chúng ta. Huy động vàng rồi biến nó thành vốn phục vụ trở lại nền kinh tế là ý tưởng rất tốt. Nếu huy động vàng trong dân, Nhà nước-thông qua Sở giao dịch vàng quốc gia, có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động. Với biến động của giá vàng lên-xuống hàng ngày, Nhà nước có các cơ chế, chính sách để bảo đảm được rủi ro cho vàng đã huy động của người dân cũng như rủi ro cho chính mình.
Theo ông Kiêm, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, thành lập Sở giao dịch vàng Quốc gia, Nhà nước có quản lý được không?. “Đúng là trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, Nhà nước phải có năng lực quản lý thực sự với thị trường vàng mới có thể ra đời Sở giao dịch này, nhất là thông qua Sở giao dịch huy động vàng của dân. Sở giao dịch muốn huy động được vàng trong dân nhất thiết phải có sự chỉ đạo, điều hành, giám sát, quản lý và can thiệp chặt chẽ của Nhà nước để không tạo ra sự lũng đoạn trên thị trường vàng, tới giá vàng, làm ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ và nền kinh tế”, ông Kiêm nói.
Muốn thành lập Sở giao dịch vàng, Nhà nước phải xây dựng được các quy chế quản lý nó, đặc biệt phải có các chính sách ứng phó với các biến động, rủi ro phát sinh. “Chúng ta huy động vàng của dân chính là người dân gửi gắm tài sản của họ cho chúng ta. Chắc chắn, người dân phải thấy an toàn, có lợi họ mới đưa vàng cho Nhà nước vay thông qua mua trái phiếu, chứng chỉ vàng”-ông Kiêm Phân tích.
Do vậy, “huy động vàng của người dân rồi chúng ta phải có các cơ chế, chế tài đi kèm để quản lý từ đầu vào tới đầu ra. Ví dụ như vàng huy động sẽ được đầu tư vào đâu, như thế nào trong nền kinh tế đem lại hiệu quả. Những rủi ro người dân gặp phải khi dùng vàng mua trái phiếu, chứng chỉ vàng sẽ được xử lý, bảo hiểm ra sao?... Vàng là mặt hàng luôn có sự biến động đi kèm với hoạt động đầu cơ trên thị trường thế giới, nếu chúng ta không có khả năng ứng phó, xử lý các rủi ro tốt ở trong nước sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế và tài sản là vàng của người dân”-ông Kiêm nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay, ông Kiêm cho biết, chúng ta đã ngừng huy động tiết kiệm vàng. Vàng chỉ đang được nhận giữ hộ. Vàng đó cũng chỉ được giữ chứ không được chuyển thành vốn đưa ra đầu tư vào nền kinh tế. Do đó, nếu được huy động tiết kiệm bằng vàng thì chúng ta có thể cho vay, đầu tư phát triển sản xuất-kinh doanh. Việc không sử dụng được nguồn vốn bằng vàng trong dân để đầu tư phát triển nền kinh tế là rất lãng phí, đặc biệt khi lượng vàng trong dân hiện lên tới 500 tấn, giá trị ước tính hàng chục tỷ USD (theo tính toán của Hiệp hội vàng Việt Nam).
Muốn biến khối vàng trong dân trở thành vốn để đầu tư phát triển nền kinh tế, vấn đề còn lại là Nhà nước cần phải cho thấy khả năng của mình trong việc đứng ra huy động vàng của dân. Nhà nước có cân đối được vay-trả vàng cho người dân khi huy động không? Nếu Nhà nước không xử lý được rủi ro về biến động giá vàng thì khó có thể huy động vàng của dân.
“Kinh nghiệm huy động cho vay bằng vàng trong quá khứ đã cho thấy những tổn thất, rủi ro rất lớn. Chúng ta đã từng huy động cho vay bằng vàng. Giá vàng lúc huy động chỉ khoảng 24 triệu đồng/lượng nhưng sau đó, giá vàng vọt lên-có lúc tới gần 50 triệu đồng/lượng. Doanh nghiệp không thanh toán được cho dân số vàng đã huy động theo giá biến động. Người dân khăng khăng đòi vàng huy động của họ phải được tính theo giá chênh lệch này, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đã không thể đáp ứng nổi”-ông Kiêm ví dụ.
Từ bài học này-ông Kiêm cho rằng, Nhà nước cần phải nghiên cứu kỹ khi muốn xây dựng đề án huy động vàng trong dân và thành lập ra Sở Giao dịch vàng quốc gia. “Chúng ta phải có cách xử lý với những tình huống tương tự như trong quá khứ; phải rất chú ý, cẩn trọng để tránh "vết xe đổ”. Bởi việc “không xử lý nổi” rất có thể tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường vàng, tạo cơ hội cho các hoạt động đầu cơ, kinh doanh chụp giật, thậm chí là lừa đảo trên thị trường vàng, rất nguy hiểm”-ông Kiêm nói.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án huy động vàng trong dân và thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết: Lượng vàng đang được giữ trong dân rất lớn, ước khoảng 500 tấn, có giá trị hàng chục tỷ USD. Nếu huy động được đây sẽ là nguồn lực rất lớn cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. “Thông qua Sở giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân. Đặc biệt, thông qua Sở giao dịch vàng, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước…” - ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nhấn mạnh. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, hiệp hội này đề xuất NHNN xem xét cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu. Ước tính nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu hằng năm cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ở Việt Nam hiện khoảng hơn 20 tấn/năm. Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, trong thời gian trước mắt, để tránh việc nhập khẩu vàng nguyên liệu tràn lan để làm vàng nhẫn hay bán nguyên liệu ra thị trường tự do, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước thì NHNN chỉ nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho những doanh nghiệp đã được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. |