Không quyết liệt
Đầu tháng 8/2019, chúng tôi có loạt bài “Biệt khu, biệt phủ trái phép trên vịnh Bái Tử Long” phản ánh hàng loạt công trình kiên cố được các “đại gia” xây trái phép nhiều năm nay trên các đảo lớn nhỏ giữa vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh).
Họ vô tư biến đảo thành những “biệt khu, biệt phủ” giữa vịnh nhưng chính quyền tỉnh này nhiều năm vẫn loay hoay chưa xử lý được.
Ngày 10/8/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh phát văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở TNMT, Ban quản lý Khu kinh tế, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thanh tra tỉnh cùng với UBND huyện Vân Đồn thanh tra hoạt động xây dựng công trình trái phép, quản lý sử dụng đất trên vịnh Bái Tử Long; đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng trái phép đúng theo quy định của pháp luật; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/9/2019.
Sau gần 2 tháng được giao nhiệm vụ, ngày 30/9/2019 (hạn cuối của đoàn kiểm tra liên ngành phải báo cáo kết quả thanh tra với UBND tỉnh Quảng Ninh) phóng viên liên hệ với đại diện UBND tỉnh đặt vấn đề tìm hiểu về kết luận thanh tra nhưng vị đại diện UBND tỉnh cho biết: “Đến thời điểm hiện tại tỉnh vẫn chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào liên quan đến vụ việc, chúng tôi vẫn đốc thúc anh em tiến hành xử lý”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh (đơn vị được giao chủ trì phối hợp cùng các sở, ban, ngành thanh tra toàn diện sai phạm tại vịnh Bái Tử Long) cho biết: “Hiện tại chúng tôi vẫn chưa tiến hành xong đợt thanh tra. Vẫn còn một số đảo anh em vẫn chưa đến được nên chưa thể báo cáo về UBND tỉnh”.
Khi được phóng viên hỏi lý do sự chậm trễ này, ông Cường nói: “Để tiến hành thanh tra toàn diện các đảo trên vịnh Bái Tử Long, chúng tôi phải thuê tàu thuyền đi lại rất khó khăn, hơn nữa còn phải phối hợp với các đơn vị khác nên đến nay vẫn còn 2 đảo chưa thể ra được. Chúng tôi đang xin gia hạn thêm để có thời gian thực hiện”.
Trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, các đảo này được các “đại gia” chủ đích đầu tư xây dựng chỉ cách đất liền chừng 30-50 phút di chuyển bằng xuồng cao tốc.
Với lý do “các đảo cách xa và phải thuê tàu thuyền di chuyển rất khó khăn” như ông Cường nêu là không thuyết phục, nhất là khi trong đoàn liên ngành được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phối hợp thanh tra có lực lượng Bộ đội Biên phòng và cả UBND huyện Vân Đồn - những đơn vị có đầy đủ phương tiện hỗ trợ di chuyển ra các đảo một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Hợp thức hóa hay tháo dỡ?
Với những “lá bùa” trồng rừng kết hợp nuôi trồng thủy sản, các “đại gia” đất mỏ lần lượt chọn cho mình những hòn đảo có vị trí đắc địa nằm giữa vịnh Bái Tử Long. Hàng loạt công trình đồ sộ như “biệt thự”, biệt phủ” thậm chí cả một ngôi chùa lớn cũng được họ vung tiền xây dựng.
Điều đặc biệt, mặc dù đã nhiều lần phía chính quyền sở tại lập biên bản và buộc phải tháo dỡ các công trình vi phạm nhưng nhiều năm nay các văn bản này gần như vô nghĩa.
Đơn cử như trường hợp của ông Tô Văn Chương, chủ đảo Thẻ Vàng rộng gần 180ha còn xây cả một “ngôi chùa” lớn trên đỉnh núi. Hàng nghìn người vượt sóng từ đất liền ra đây lễ chùa.
“Họ nói là chùa nhưng biết đâu được nó là cơ sở của một tà giáo nào đó. Ở giữa biển khơi như thế ai mà quản lý, nắm chắc được họ đang hoạt động gì và có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay không?”, ông Phạm Ngọc Thực, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa - xã hội Quảng Ninh nêu nghi vấn.
Để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai, cụ thể là tại các đảo trên vịnh Bái Tử Long, nhiều quan chức xã đã bị kỷ luật, điều chuyển công tác.
Nhưng đến nay, tình trạng xây dựng vẫn diễn ra trên các đảo không có xu hướng dừng lại hoặc bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Ngay cả việc thanh kiểm tra của đoàn liên ngành cũng nhập nhằng, chậm tiến độ.
“Cái khó trong vụ việc này là không biết nên thẳng tay tháo dỡ, phá bỏ hay phải hợp thức hóa cho các công trình vi phạm này.
Một phần là ngại dư luận, phần nữa cũng tiếc tiền cho doanh nghiệp. Dù sao họ cũng đã bỏ núi tiền ra đấy để xây dựng, chưa kể đến việc các đại gia bỏ bao tâm huyết ra đấy để có được như ngày hôm nay”, ông Thực phân tích.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, tiến độ của đợt thanh tra này sẽ kéo dài thêm 10 ngày và Sở đang trình với tỉnh để xin gia hạn thời gian thanh tra đến ngày 10/10/2019 sẽ có kết luận cụ thể.
Theo Hoàng Dương (Tiền Phong)