Thông tin từ Bộ NN-PTNT, tháng 2 vừa qua, giá lợn hơi trên cả nước giảm do mức tiêu thụ thấp, trong khi nguồn cung dồi dào. Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, lợn hơi xuất chuồng giảm về mức 49.000-51.000 đồng/kg; miền Trung và Tây Nguyên dao động từ 48.000-53.000 đồng/kg; còn miền Nam ở mức 51.000-53.000 đồng/kg.
Ghi nhận của PV. VietNamNet, giá lợn hơi những ngày đầu tháng 3 tiếp tục xu hướng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty CP chăn nuôi Lộc Phát BLLT, cho biết, ở khu vực Sơn La giá lợn hơn ngày 13/3 ở mức 47.000-48.000 đồng/kg. Mức giá này khiến người chăn nuôi thua lỗ khoảng 1 triệu đồng khi xuất bán 1 con lợn.
Tại các địa phương khác, giá lợn hơi dao động trong khoảng 46.000-52.000 đồng/kg. Trong đó, Yên Bái và Lào Cai là hai tỉnh ghi nhận mức giá lợn hơi thấp nhất cả nước, còn TP.HCM và Cà Mau ghi nhận mức cao nhất là 52.000 đồng/kg.
Trong tháng 2, giá gà thịt lông màu ngắn ngày giảm 8.000 đồng/kg xuống mức 33.000–34.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá giảm mạnh là do hết mùa lễ hội, sức tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn giảm trong khi nguồn cung ở mức cao.
Giá gà công nghiệp miền Nam ở mức 23.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Bắc tăng 1.000 đồng/kg, lên 30.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Trung giảm 3.000 đồng/kg, xuống còn 23.000 đồng/kg. Mức giá này người chăn nuôi gà lỗ khá nặng.
Giá trứng gà miền Bắc ở mức 1.750-1.850 đồng/quả; miền Trung giảm còn 1.650-1.850 đồng/quả; miền Đông Nam Bộ giảm xuống mức 1.900-2.000 đồng/quả; miền Tây Nam Bộ ổn định ở mức 1.800-1.900 đồng/quả.
Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, thừa nhận, nguồn cung dồi dào trong khi sức tiêu thụ gà công nghiệp lại yếu nên giá bán ra đang ở mức thấp. Theo ông tính toán, với mức giá 26.000-27.000 đồng/kg như hiện tại, 1kg gà công nghiệp xuất chuồng người nuôi lỗ khoảng 5.000 đồng.
Tại buổi làm của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến với Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai về tình hình chăn nuôi hiện nay và giải pháp tháo gỡ diễn ra mới đây, ông Dương Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh - cho hay, doanh nghiệp từng nuôi 3 triệu con gà nhưng nay giảm quy mô còn 200.000 con vì thua lỗ.
Từ tháng 12/2022 đến nay, giá gà công nghiệp xuất chuồng luôn thấp hơn giá thành, chẳng hạn giá xuất chuồng hiện tại thấp hơn giá vốn khoảng 30%.
Lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành hàng thịt lợn cũng than thở, giá lợn hơi trong nước xấp xỉ với giá thịt lợn nhập khẩu đã pha lóc nên rất khó cạnh tranh. Giá trị suất ăn trong các bếp ăn tập thể tương đối thấp, thế nên thay vì chọn mua thịt nội thì họ chuyển sang hàng nhập khẩu. Thịt lợn trong nước lại càng khó khăn hơn về vấn đề đầu ra.
Nguồn cung dự báo tăng mạnh
Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, tổng đàn lợn cả nước hiện khoảng 28,6 triệu con. Năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn, tăng từ 5-5,5% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng 4%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn, tăng 4,8% so với năm 2022.
Năm 2022, nước ta chi khoảng 1,5 tỷ USD nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật, tăng 9,1% so với năm 2021. Tuy nhiên, hai tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu nhóm hàng này ước đạt 136 triệu USD, giảm 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù lượng thịt nhập khẩu về giảm mạnh, song chuyên gia dự báo ngành chăn nuôi năm 2023 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi neo ở mức cao, trong khi giá thịt gà, thịt lợn lại xu hướng giảm vì sức tiêu thụ chậm.
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhận định, phải đến đầu quý II/2023, nền kinh tế mới phục hồi dần và tăng tốc trở lại từ quý III/2023. Khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp đi vào ổn định, việc làm và thu nhập của người lao động mới được cải thiện trở lại giúp sức tiêu thụ tăng lên.
Trong khi đó, Việt Nam đã có vắc xin dịch tả lợn châu Phi nên rủi ro dịch bệnh trong chăn nuôi cũng giảm đi. Ngoài ra, giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi thế giới đang có xu hướng giảm, nhưng giá thức ăn trong nước có độ trễ hơn nên phải đến đầu quý II/2023 mới có thể giảm dần.
Theo ông Phùng Đức Tiến, tình hình khó khăn chung của nền kinh tế vừa qua khiến sức mua giảm sút. Nhiều dự báo cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại từ quý II/2023, đây là động lực giúp phục hồi sức mua. Ông khuyến cáo, trong khó khăn, người chăn nuôi cần giảm đàn, tránh tâm lý giữ đàn đợi giá lên vì rất rủi ro.
Theo Tâm An (VietNamNet)