Trao đổi với Pv, TS Cao Sĩ Kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng con số đó phản ánh đúng thực tế nhất là khi chúng ta thực hiện các chủ trương như công bố tỷ giá USD theo ngày, mua đứt bán đoạn ngoại tệ và quản lý ngoại tệ chặt hơn để chống đô la hóa.
Nói về lý do lượng tiền gửi ra nước ngoài tăng đột biến, TS Cao Sĩ Kiêm cho biết có 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, vài năm trở lại đây, lượng USD dồn vào ngân hàng nhiều hơn lưu hành trên thị trường. Ngân hàng do không cho vay được mạnh mẽ như trước nên gửi ngân hàng nước ngoài thanh toán để tránh thiệt hại.
Thêm vào đó, các ngân hàng thương mại cũng như doanh nghiệp tư nhân được phép gửi vốn nước ngoài để làm thanh toán khiến lượng tiền gửi tăng lên.
Bình thường hay bất thường?
Trước thực tế này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR đánh giá: “Đây là diễn biến bất thường cần phải tiếp tục theo dõi xu hướng, giải thích và dự báo chặt chẽ. Theo giả thuyết của chúng tôi, diễn biến bất thường này, một phần có thể xem như tình trạng “bẫy thanh khoản” với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng”.
Trong khi đó, cựu Thống đốc Cao Sĩ Kiêm khẳng định: “Việc này không có gì bất thường cả vì khi mình quản lý chặt hơn thì dòng tiền có thể chuyển dịch như vậy”.
|
Tiền gửi ra nước ngoài của người Việt tăng đột biến lên 7,3 tỷ USD . |
Trong khi đó, ông Phạm Văn Đại, Trưởng nhóm nghiên cứu vĩ mô VEPR phân tích, trước đây các ngân hàng trong nước nhận tiền gửi của ngân hàng nước ngoài vì Việt Nam là nền kinh tế thiếu vốn.
“Tuy nhiên, khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, Việt Nam cũng phá giá tiền đồng, ngân hàng huy động USD nhưng không cho vay được vì doanh nghiệp không muốn vay khi tỷ giá tăng. Khi đó, các ngân hàng có giải pháp duy nhất là gửi kỳ hạn ngắn ở ngân hàng nước ngoài để vớt vát lại lợi nhuận”, ông Đại đánh giá.
Ông Cao Sĩ Kiêm cũng thừa nhận việc các ngân hàng vớt vát lợi nhuận. Tuy nhiên, theo oomg Kiêm, "khi kinh doanh người ta phải tính tới việc cho ai vay, gửi ai, như thế nào…để tránh thiệt hại, giảm chi phí, tăng thu nhập từ lãi tiền gửi. Hơn nữa, gửi tiền ở nước ngoài cũng là để phục vụ việc thanh toán cho thông suốt. Việc đó giúp giảm chi phí cho người gửi”.
Cũng theo ông Kiêm, đối tượng được hưởng lợi nhất trong chuyện này chính là các ngân hàng thương mại bởi họ gửi được thì sẽ có thêm lợi nhuận và bớt rủi ro.
Trong bối cảnh Việt Nam có tiền đem gửi, nhưng vẫn phải huy động vốn ngoại tệ để tài trợ cho các doanh nghiệp, các chuyên gia của VEPR khuyến cáo, Việt Nam cần có giải pháp đồng bộ khi đưa lãi suất huy động USD về 0% và hạn chế các doanh nghiệp vay ngoại tệ.