Những ngày này, chị Nguyễn Thị Trang ở xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre như ngồi trên đống lửa. Chị là chủ của 4 ao tôm, mỗi ao có diện tích 2.000 m2. Tôm vẫn trong ao nhưng người đến thu mua ít, giá tôm rớt thảm.
Chị Trang cho biết giá tôm cỡ 100 con/kg giờ chỉ còn 55.000 đồng với với giá 90.000 đồng/kg trước khi Covid-19 lần 4 bùng phát. Với loại tôm 20 con/kg, giá hiện tại là 180.000 đồng/kg, giảm 40.000 đồng/kg so với thời điểm trước Covid-19 lần 4. Tôm cỡ nhỏ khiến thương lái thiếu mặn mà, chỉ chấp nhận mua ở các ao có sản lượng trên 1 tấn. Chi phí nuôi 1 tấn tôm trung bình là 60 triệu đồng trong khi tiêu thụ khó khăn, chi phí vay ngân hàng làm gánh nặng tài chính ngày một lớn, khiến nhiều chủ đầm bỏ nuôi.
Anh Nguyễn Minh Đương (43 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) hiện đang nuôi 3 ao tôm với diện tích 1.500 m2/ao. Kể từ khi Sóc Trăng thực hiện giãn cách để phòng chống dịch bệnh, giá tôm giảm 8-24% so với trước. Thương nhân ít tìm đến mua, chi phí vận chuyển tăng vì chờ đợi tuyến luồng xanh và phải test Covid-19, người nuôi buộc phải để lại tôm quá tuổi trong ao. Nhưng giá thức ăn chăn nuôi cùng lúc lại tăng mạnh, cố giữ tôm cũng khiến người nuôi lỗ nặng.
Giá tôm giảm ở Bến Tre, Sóc Trăng không phải vấn đề cục bộ. Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam, giá mặt hàng thuỷ sản này cũng xuống thấp ở cả các vùng nuôi trọng điểm khác như Bạc Liêu. Mức giảm giá phổ biến từ 15-20%, ăn mòn lợi nhuận của người nuôi tại các tỉnh này.
Là doanh nghiệp tôm lớn ở Sóc Trang, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) cho biết giá mua tôm thấp do khó khăn trong vận chuyển thu mua. Doanh nghiệp chế biến tôm cũng đang phải chịu mức phí hoạt động rất cao khi thực hiện 3 tại chỗ. Do đó, theo ông Hồ Quốc Lực, sau khi ngưng 3 tại chỗ, giá mặt hàng này sẽ tăng bù.
Theo Đỗ Loan (Người Đồng Hành)