Những nhà đầu tư nước ngoài như Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản đã có nhiều phản hồi tích cực về các dự án nhà ở tại Việt Nam.
Một số dự án tại TP HCM đã bán được hơn 1000 căn hộ cho người nước ngoài, trong khi trước đây chỉ là vài trăm trước khi chính sách được ban hành. Thậm chí, nhiều đơn vị không còn dự án để bán cho khách nước ngoài do quy định giới hạn về tỷ lệ người nước ngoài sở hữu bất động sản trên từng dự án.
Bà Nguyễn Ngọc Trâm, Trưởng phòng Nghiên cứu Thị trường, JLL Vietnam nhận định,năm 2015 là một bức tranh chuyển mình của bất động sản tại Việt Nam và cũng là xu hướng của năm 2016.
Biểu hiện dễ nhận thấy khi thị trường nhà ở đã có những kết quả tích cực về cả cung và cầu trong năm 2016 ở tất cả các phân khúc từ bình dân, trung cấp hay cao cấp; chung cư, biệt thự hay khu nghỉ dưỡng.
Cơ cấu pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán sát nhập đã có thay đổi tích cực. Các quyền của người nước ngoài đối với tài sản cũng tương tự như quyền của người dân trong nước: tài sản có thể được cho thuê, bán, thừa kế và thế chấp cho vay. Bên cạnh đó, thời gian sở hữu sẽ là 50 năm và sau đó có thể gia hạn thêm 50 năm nữa, có thể so sánh được với các thị trường khác như Indonesia, Thái Lan và Philippines.
"Môi trường chính trị an toàn, cùng với tăng trưởng kinh tế ổn định là những lợi thế củathị trường Việt Nam. Nhờ đó, thị trường Việt Nam đã thu hút được nhiều chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài", bà Trâm cho biết.
Không khẳng định đây thời điểm thích hợp để đầu tư song bà Trâm khẳng định Việt Nam đang thể hiện nhiều cơ hội cho việc đầu tư phát triển bất động sản.
Bà dự báo, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong vòng hai đến ba năm tới cả về cung và cầu đối với thị trường nhà ở, văn phòng và khách sạn nghỉ dưỡng.
Giá bán của phân khúc nhà ở được dự báo sẽ tăng khoảng 1-2% mỗi quý. Đối với phân khúc văn phòng cao cấp, mức giá thuê được dự báo sẽ tiếp tục tăng, từ 5% đến 10% trong những quý tới.
Theo bà Trâm, những nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tìm kiếm những bất động sản đang hoạt động hoặc tìm cách liên doanh với các đối tác có danh tiếng tốt. Các nhà đầu tư trong nước ưu tiên vào việc mua đất phát triển dự án. Trong đó, phân khúc nhà ở và văn phòng sẽ gây được nhiều sự chú ý nhất với nhà đầu tư cũng như chủ đầu tư tại thị trường TP HCM và Hà Nội.
Còn về phân khúc khách sạn và nghỉ dưỡng tại thị trường Việt Nam vẫn còn non trẻ song ngoài 2 thành phố lớn kể trên thì Phú Quốc, Nha Trang và Đà Nẵng là thị trường có tiềm năng thu hút được nhiều khách nước ngoài.
Đánh giá về thị trường Việt Nam, đại diện JLL cho rằng, việc thiếu tính minh bạch, quan liêu, tham nhũng, hệ thống pháp lý thiếu hiệu quả, nhiều vấn đề liên quan đến tiền đền bù và giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất và quá trình thương thảo với các đối tác trong nước vẫn là những thách thức phổ biến mà hiện tại họ đang phải thường xuyên đối mặt.
Tuy nhiên, bà hy vọng DN vẫn có nhiều cơ hội để vượt qua những thách thức này và môi trường sẽ dần được cải thiện.
Theo Mỹ Lan (Cafebiz.vn//Trí Thức Trẻ)