Mất việc tăng cao, rút mạnh bảo hiểm
Theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 11/2021, cả nước có hơn 791.300 người hưởng BHXH một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm nay và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu do NLĐ mất việc làm vì dịch COVID-19, đời sống NLĐ gặp khó khăn, BHXH trở thành một khoản tiền có thể rút để trang trải cuộc sống trước mắt. Hậu quả, NLĐ khi hết tuổi làm việc không có lương hưu, mục tiêu an sinh toàn dân, tất cả người hết tuổi lao động có lương hưu nước khó đạt được.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, số NLĐ hưởng BHXH một lần tăng trong năm nay phản ánh đúng thực tế tỷ lệ mất việc làm trong năm 2020. Năm trước, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, cắt giảm lao động. Sau 12 tháng nghỉ việc và chưa tìm được việc làm mới, NLĐ đủ điều kiện để hưởng BHXH một lần. Trong năm nay, đa số NLĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương nên chưa chốt sổ BHXH. Khi sản xuất khôi phục, họ đi làm lại và tiếp tục đóng BHXH. Do đó, sang năm có thể tỷ lệ NLĐ rút hưởng BHXH một lần vẫn cao. Để giữ NLĐ ở lại hệ thống BHXH, theo ông Liệu, khi NLĐ tới làm thủ tục hưởng BHXH một lần, nhân viên BHXH đều thuyết phục NLĐ bảo lưu hoặc tham gia BHXH tự nguyện.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hết năm 2020, cả nước có trên 15 triệu người tham gia BHXH, chiếm trên 31% lực lượng lao động, giảm 1,1% so với cuối năm 2019. Cũng trong năm qua, cả nước có hơn 860.700 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 6,6% so với năm 2019.
Theo ông Liệu, tỷ lệ hưởng BHXH một lần những năm qua không thấp, gần tương đương số tham gia mới. Do đó, chính sách cần đảm bảo quyền lợi NLĐ, nhưng cũng cần linh hoạt, thêm quyền lợi để NLĐ tự nguyện ở lại hệ thống.
Ông Liệu đề xuất sửa quy định ưu tiên để NLĐ ở lại hệ thống BHXH, ví dụ như ai tham gia BHXH được mua nhà ở xã hội, được hưởng hỗ trợ (như hỗ trợ vì bị ảnh hưởng dịch COVID-19), nếu không tham gia sẽ không được; doanh nghiệp đóng đầy đủ BHXH sẽ được ưu đãi khi vay vốn, giảm tiền thuê đất... Cũng có thể thêm quy định NLĐ còn trẻ chỉ được rút tiền BHXH mình đóng, phần doanh nghiệp đóng (với BHXH bắt buộc), hoặc Nhà nước hỗ trợ (với BHXH tự nguyện) phải tới tuổi nghỉ hưu mới được rút, hoặc đóng để có lương hưu. Ngoài ra, cũng có thể cho NLĐ mất việc làm được vay ưu đãi số tiền bằng 50-70% số tiền đã đóng BHXH, thế chấp bằng số tiền đã đóng, sau này có việc làm sẽ trả nợ và đóng tiếp BHXH. Trường hợp không trả được sẽ mất số tiền đã đóng.
Nên cân nhắc kỹ
Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, ngoài lý do NLĐ gặp khó khăn nên phải rút BHXH một lần để trang trải, nhiều người còn có thói quen nghỉ việc xong sẽ rút tiền BHXH một lần, xem nó như nguồn thu nhập chính đáng sau khi nghỉ việc. “Cộng đồng cần phải hiểu đúng BHXH là khoản tích lũy của tuổi già chứ không phải khoản dùng để giải quyết cho những khó khăn hiện tại”, ông Dũng nói. Cũng theo ông Dũng, về nguyên tắc, khi tuổi còn trẻ mỗi người đi làm bao giờ cũng nên có một khoản tích lũy để dành cho tương lai. Khi nghỉ việc nếu không nhận tiền bảo hiểm thì mỗi người vẫn phải mưu sinh nhưng BHXH sẽ là tiền đề quan trọng để ổn định cuộc sống.
Khi xây dựng chính sách bảo hiểm xã hội nói chung và chính sách hưu trí nói riêng, mục tiêu cao nhất hướng tới để đảm bảo an sinh xã hội là mỗi người khi hết tuổi lao động sẽ được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, NLĐ đang rút BHXH một lần ồ ạt sẽ dẫn tới phá vỡ chính sách chung và ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá nhân NLĐ. Khi đến tuổi nghỉ hưu, người đã rút BHXH một lần chẳng những không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng mà còn không có thẻ Bảo hiểm Y tế do Nhà nước cấp. Ở tuổi nghỉ hưu nhiều bệnh tật cũng phát sinh nên thẻ bảo hiểm y tế trở nên rất quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Người có BHXH chẳng những được hưởng các chế độ trên mà khi qua đời, thân nhân còn thừa hưởng các quyền lợi, chế độ về tử tuất.
Bên cạnh các thước đo về mặt vật chất là những giá trị về mặt tinh thần. Những người đã ở tuổi hưu trí khi có nguồn thu nhập ổn định từ lương hưu hằng tháng thì tâm lý luôn thoải mái hơn so với những người không có nguồn thu nhập, vẫn phải mưu sinh hoặc sống lệ thuộc và con cháu. Điều này chẳng những gây ra sự tự ti mặc cảm mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.
Ông Dũng Hà khuyến cáo, BHXH là khoản tích lũy dùng cho tương lai không nên dùng để giải quyết những khó khăn trước mắt. NLĐ cần cân nhắc, suy nghĩ kỹ, bởi việc hưởng BHXH một lần sẽ bị thiệt thòi rất nhiều quyền lợi về lâu dài, khi đối mặt với những khó khăn thì không thể thay đổi được.
“Cơ quan quản lý nhà nước cần truyền thông để thay đổi nhận thức về BHXH của người dân. Với những trường hợp sau khi nghỉ việc, cần cố gắng giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động để giải quyết bài toán về thu nhập, không phải rút BHXH một lần”, ông Trần Dũng Hà nói.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, số NLĐ hưởng BHXH một lần năm nay tăng cao chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo ông Hiểu, quy định hưởng BHXH một lần hiện còn đơn giản, dễ dàng, nhưng để được hưởng lương hưu lại phải đóng thời gian dài (tối thiểu 20 năm). Ngoài ra, một số lĩnh vực doanh nghiệp có xu hướng giảm sử dụng lao động lớn tuổi (sau 35-40 tuổi), nhóm này rất khó tiếp tục làm ở những doanh nghiệp khác để đóng tiếp BHXH bắt buộc, nên họ cũng có xu hưởng hưởng BHXH một lần.
“Chúng tôi kêu gọi NLĐ cân nhắc kỹ việc hưởng BHXH một lần vì an sinh lâu dài và có lương hưu khi về già, đặc biệt khi dịch bệnh, khủng hoảng xã hội có thể diễn ra bất kể khi nào. Trong khi NLĐ về quê không còn vườn rau, ao cá như trước để sản xuất, đó là thách thức và gánh nặng an sinh tuổi già , cho gia đình và xã hội”, ông Hiểu nói.
Ông Hiểu cho biết, Tổng LĐLĐ vừa có công văn gửi công đoàn các cấp về thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm giảm tỉ lệ NLĐ hưởng BHXH một lần. Trong đó, công đoàn các cấp được yêu cầu tập trung tuyên truyền để NLĐ hiểu và tham gia BHXH, giảm rút BHXH một lần; chăm lo đời sống đoàn viên, NLĐ vượt qua khó khăn, duy trì việc làm bền vững...
Về phía Bộ LĐ-TB&XH, lãnh đạo bộ này cho hay, nhằm giảm tỉ lệ NLĐ hưởng BHXH một lần, trước mắt sẽ tuyên truyền, vận động để NLĐ hiểu chính sách, từ đó thay đổi ý định rút BHXH một lần; kết nối thị trường lao động, tạo việc làm để NLĐ tiếp tục trở lại làm việc và đóng BHXH. Về dài hạn, Bộ LĐ-TB&XH đang chủ trì soạn thảo luật sửa đổi Luật BHXH năm 2014, với một số đề xuất mới. Hướng sửa luật sẽ tăng quyền lợi người tham gia BHXH, như giảm thời gian đóng để hưởng lương hưu từ 20 năm hiện hành xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm. Ngoài ra, có thể điều chỉnh quy định về hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, việc quy định hưởng BHXH một lần ra sao không dễ, thực tế luật hiện hành có điều 60 quy định hạn chế hưởng BHXH một lần, nhưng đang phải dừng áp dụng vì bị NLĐ phản ứng.
Chuyển đổi số để chăm lo an sinh xã hội tốt hơn
Ngày 8/12, làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH phải vừa bảo đảm quyền lợi của người đóng bảo hiểm, vừa bảo đảm an toàn, tăng trưởng và phát triển, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô, vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác chuyển đổi số và xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu; nâng cao năng lực, trình độ quản trị theo hướng hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để vừa tạo thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách, vừa phòng chống trục lợi chính sách.
Văn Kiên
Theo Lê Việt - Vân Sơn - Ngô Bình (Tiền Phong)