Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Thông tư 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011.
NHNN cho biết, thời gian qua, một số TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đề nghị NHNN hướng dẫn một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai Thông tư 04. Theo đó, để có cơ sở pháp lý cho các TCTD áp dụng thống nhất quy định lãi suất đối với trường hợp rút tiền gửi trước hạn, tạo điều kiện để TCTD phát triển các sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay; đồng thời để bảo đảm đồng bộ của các quy định pháp luật có liên quan, NHNN cần xem xét, nghiên cứu ban hành Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại TCTD thay thế Thông tư 04.
Căn cứ Luật NHNN và Luật Các TCTD, các quy định của pháp luật liên quan, tình hình thực tế về việc lãi suất áp dụng đối với trường hợp rút trước hạn tiền gửi tại TCTD và thông lệ quốc tế, NHNN dự thảo Thông tư quy định việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại TCTD.
Dự thảo Thông tư có 8 điều, trong đó nêu rõ: Rút trước hạn tiền gửi là trường hợp khách hàng rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn hoặc ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi;
TCTD và khách hàng phải thỏa thuận việc rút trước hạn tiền gửi, vì về bản chất, việc rút một phần trước hạn tiền gửi làm thay đổi về kỳ hạn và lượng tiền gửi theo hướng kỳ hạn của phần tiền gửi rút trước hạn bị thu ngắn và lượng tiền gửi giảm so với số tiền gửi ban đầu của khách hàng tại TCTD.
Dự thảo Thông tư quy định cụ thể đối với trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi và trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi để tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD áp dụng thống nhất quy định lãi suất đối với trường hợp rút tiền gửi trước hạn; đồng thời, tạo điều kiện để TCTD phát triển các sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay, cụ thể:
"1. Trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.
2. Trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi:
a- Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn phần tiền gửi;
b- Đối với phần tiền gửi còn lại, TCTD và khách hàng thỏa thuận mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần. Mức lãi suất này được áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn gửi tiền.
Dự thảo quy định đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại TCTD được sử dụng làm tài sản bảo đảm để thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên, việc áp dụng lãi suất rút tiền gửi trước hạn được thực hiện theo quy định tại văn bản riêng của Chính phủ, NHNN; trường hợp văn bản riêng của Chính phủ, NHNN có quy định việc áp dụng Thông tư này hoặc các nội dung liên quan đến lãi suất rút trước hạn không được quy định tại văn bản riêng, thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này, cho phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, vì hiện nay một số loại hình như tiền gửi ký quỹ được Chính phủ và cơ quan quản lý chuyên ngành hướng dẫn.
Nâng mức chi trả bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Quyết định này quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với người được bảo hiểm tiền gửi.
Theo đó, số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.
Như vậy hạn mức bảo hiểm tiền gửi đã tăng thêm 50 triệu đồng so với quy định hiện hành tại Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg (là 75 triệu đồng).
Đối với các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi trước ngày 12/12/2021, hạn mức trả tiền bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Quyết định 32/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 12/12/2021, thay thế Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Theo Thanh Bình (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)