Ngoài nguồn tiền gửi tăng thêm từ doanh nghiệp, các ngân hàng cũng tăng cường huy động vốn qua kênh trái phiếu trong thời gian gần đây.
Ngân hàng tăng gọi vốn qua trái phiếu
Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố cho thấy bất động sản và ngân hàng tiếp tục duy trì là 2 tổ chức phát hành chiếm tỉ trọng nhiều nhất, lên tới 80% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý 3/2021.
Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 85 nghìn tỉ đồng (giảm nhẹ 2,7% so với cùng kỳ và chiếm 45% tổng lượng phát hành trong quý).
Điểm đáng chú ý trong quý 3 là các ngân hàng tích cực phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị là 65,2 nghìn tỉ đồng, tăng tới 37,9% so với cùng kỳ nhằm tăng vốn cấp 2 và bổ sung thêm nguồn vốn trung hạn.
"Như vậy nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành phát hành quý 3/2021 là 123 nghìn tỉ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ" - SSI nhận định.
Theo đó tính chung 9 tháng năm 2021, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành lên tới 443,1 nghìn tỉ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2020.
SSI cho hay, quán quân phát hành vẫn là các doanh nghiệp bất động sản với 201,9 nghìn tỉ đồng, chiếm 45,5%; sau đó đến các ngân hàng với 136,4 nghìn tỉ đồng, chiếm 30,8%.
Xếp sau bất động sản và ngân hàng là năng lượng và khoáng sản (21,9 nghìn tỉ đồng, chiếm 5,0%); định chế tài chính phi ngân hàng (20,9 nghìn tỉ đồng, chiếm 4,7%) và phát triển hạ tầng (17,5 nghìn tỉ đồng, chiếm 3,9%).
Động thái ngân hàng tăng mạnh huy động vốn qua việc phát hành trái phiếu diễn ra trong bối cảnh nguồn tiền huy động vào các ngân hàng có nhiều diễn biến trái chiều.
Trước đó, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về dữ liệu tổng phương tiện thanh toán ngân hàng tính đến cuối tháng 9.2021 cho thấy, tổng số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế đến cuối tháng 9.2021 tăng trên 200 nghìn tỉ đồng, tương đương mức tăng 3,93% so với tháng 7.2021.
Ngược lại, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm của người dân tại các ngân hàng lại diễn biến trái chiều khi liên tục đi xuống trong hai tháng liên tiếp.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến cuối tháng 9.2021, tổng số dư tiền gửi của người dân tại các ngân hàng giảm về còn hơn 5,291 triệu tỉ đồng, tương ứng mức giảm 2.459 tỉ đồng so với cuối tháng 7.2021.
Do liên tục đi xuống trong 2 tháng liên tiếp, tổng số dư tiền gửi dân cư tại các ngân hàng vào cuối tháng 9.2021 chỉ tăng 2,92% so với cuối năm 2020, mức tăng thấp nhất trong gần 10 năm trở lại đây.
Cho vay chặt chẽ, doanh nghiệp tìm kênh vốn khác
Về yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu, SSI cho hay mặt bằng lãi suất ở mức thấp là động lực chính khiến các doanh nghiệp, ngân hàng tích cực đẩy mạnh phát hành trái phiếu để có thể huy động vốn được nhanh chóng và giảm áp lực lên chi phí tài chính, khi mặt bằng lãi suất cho vay từ ngân hàng không có mức giảm tương ứng.
Hơn nữa, việc huy động vốn thông qua kênh trái phiếu cũng giúp các doanh nghiệp chủ động hơn cho nguồn vốn vay trung và dài hạn với khối lượng lớn.
"So với phương thức truyền thống là tín dụng từ ngân hàng, phát hành trái phiếu mang lại cho doanh nghiệp nhiều ưu điểm như không cần thế chấp tài sản và được chủ động trong việc sử dụng số tiền huy động mà không có sự giám sát của ngân hàng" - SSI phân tích.
Trong khi đó, điều kiện và thủ tục vay vốn qua ngân hàng phức tạp hơn và khoản vay có giới hạn nhất định do các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn từ Ngân hàng Nhà nước.
Theo Lam Duy (Lao Động)