Cách cả ngàn cây số vẫn chăm lợn, nuôi gà
Nhiều người hình dung nông dân là luôn đầu tắt mặt tối, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, còng lưng gánh nước, bón phân... Nhưng hình ảnh đó xưa rồi. Giờ, người nông dân thông minh chỉ cần chiếc smartphone là giải quyết được rất nhiều công việc đồng áng nặng nhọc, chỉ bằng những cái chạm tay nhẹ nhàng.
Đó là chia sẻ của anh Phạm Văn Chử - chủ trang trại chăn nuôi lợn, gà công nghệ cao tại xã Ea Nam (Ea H’leo, Đắk Lắk).
Khoác trên mình bộ comple, đi giầy bóng loáng tại Hà Nội, anh Chử cầm smartphone chiếu hình ảnh về trang trại lợn khoe: "Đây hệ thống camera giám sát, phần mềm điều khiển từ xa kiểm soát nhiệt độ, thức uống trong trang trại. Nhờ công nghệ này mà ngồi ở Thủ đô, cách xa trang trại hàng nghìn cây số, tôi vẫn chăm lo được cho đàn lợn, đàn gà của mình".
Anh kể, trước kia nuôi kiểu truyền thống phải sử dụng nhiều lao động, công việc nặng nhọc. Hai năm trở lại đây, anh chuyển đổi sang chăn nuôi công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm nhân công, hạn chế dịch bệnh, rủi ro.
Toàn bộ hệ thống trang trại rộng 6.000 m2 đều được lắp camera giám sát. Công đoạn cho lợn, gà uống nước, thay vì làm thủ công, giờ anh gắn ở mỗi máng nước một con chip. Khi hết nước, con chip này sẽ báo về điện thoại, anh chỉ cần truy cập hệ thống làm một vài thao tác là máng sẽ đầy ắp nước.
Hệ thống nhiệt độ trong chuồng cũng vậy. Trước đây, anh phải đặt đồng hồ đo nhiệt khắp trang trại rồi liên tục phải vào chuồng kiểm tra. Giờ thì toàn bộ đều tự động, anh chỉ cần cầm điện thoại là biết nhiệt độ trong chuồng ở mức nào rồi điều chỉnh cho thích hợp.
Từ ngày áp dụng công nghệ, trang trại chỉ sử dụng 6 lao động nhưng hiệu quả cao. Anh Chử tiết lộ, năm 2020, chỉ tính riêng gà, lợn anh thu 20 tỷ đồng, lãi tới 4 tỷ. Đó là chưa kể mấy chục nghìn m2 trồng cây ăn quả, ao thả cả.
Với tham vọng và tư duy của người nông dân thời hiện đại, toàn bộ trang trại 10ha của anh Nguyễn Đông Hải - Giám đốc Công ty TNHH VietFarm (Đà Lạt) đều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, áp dụng công nghệ cao.
Ví như khi gieo hạt, anh cài luôn con chip kiểm soát độ ẩm và dinh dưỡng để theo sõi sức khoẻ cây trồng, đồng bộ dữ liệu với hệ thống tưới. Bất cứ khi nào cây trồng cần nước hay dưỡng chất, con chip sẽ báo và cây được bổ sung dưỡng chất thông qua hệ thống tưới tự động. Các số liệu này được cập nhật lên máy tính, điện thoại nên anh Hải đi đâu cũng kiểm soát được sự phát triển của cây. Số liệu đó cũng được cập nhật lên hệ thống kiểm soát chất lượng QR Code để khi ra thị trường có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Trang trại này đã có giấy phép xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ… và hợp tác với MM Mega Market Việt Nam để xuất khẩu một số mặt hàng rau củ sang thị trường Thái Lan, Singapore.
“Bình quân 1 tháng sản lượng rau của trang trại bán cho hệ thống siêu thị này khoảng hơn 40 tấn, năm khoảng gần 600 tấn, doanh thu từ 10-12 tỷ đồng/năm”, anh Hải cho hay.
Tại nông trường VinEco rộng 47ha ở Tam Đảm (Vĩnh Phúc), nông dân ở đây không còn “chân lấm, tay bùn”, hàng ngày họ chỉ cần đo cây, ấn nút trên hệ thống điều khiển, toàn bộ các giai đoạn từ trồng cây cho tới đóng gói đều được thực hiện bằng máy để đảm bảo sạch 100%.
Theo đại diện VinEco, đơn vị này có 14 nông trường rau tương tự như ở Tam Đảo, trên khắp cả nước. Nhờ lợi thế đặc biệt của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông dân tiết kiệm tối đa thời gian, công sức; việc cơ giới hóa và kiểm soát bằng công nghệ trong khu vực canh tác đồng ruộng và cả khu vực nhà kính đều đạt hiệu suất rất cao. Năng suất tăng 6-8 lần so với canh tác theo phương thức truyền thống, nhân công tiết giảm được 50-70%.
Chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đang diễn ra rất nhanh, các mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Nông dân có thể chăm sóc rau, cây ăn trái, nuôi con lợn, con gà,... thông qua chiếc điện thoại. Các doanh nghiệp đang chuyển đổi số trên quy mô lớn, điển hình như hệ thống ao nuôi cá của Công ty CP Nam Việt. Hàng trăm ha ao nuôi của doanh nghiệp này đã lắp đặt hệ thống cho ăn và thu hoạch tự động. Đến giờ cá ăn, chỉ cần ấn nút là cá ở tất cả các ao được cho ăn đầy đủ.
Bán hàng trên “chợ toàn cầu”
“Chúng tôi sẽ tích cực ứng dụng chuyển đổi số để hình thành một lớp nông dân mới, có thể ứng dụng công nghệ số, bán hàng trực tuyến. Chúng ta hoàn toàn có quyền mơ về tương lai một ngành nông nghiệp số khi có những doanh nghiệp rất chủ động, tích cực trong công cuộc chuyển đổi này”, Bộ trưởng Cường nói.
Những năm gần đây, chiếc smatphone không chỉ giúp anh Chử, anh Hải có thể trồng rau, nuôi lợn gà, mà còn giúp anh Phạm Văn Khang ở Tuy Đức (Đắk Nông) bán nông sản của mình trên “chợ toàn cầu”.
Vợ chồng anh Khang trồng đủ loại cây, từ cây lương thực đến cây công nghiệp như mắc ca, chuối...thu nhập đạt khoảng 2 tỷ/năm. Năm 2020, đúng thời điểm 10ha mắc ca đến kỳ thu hoạch thì dịch Covid-19 xảy ra, rơi vào cảnh ế ẩm. Hàng không bán được, anh đành mua máy về sấy, đóng túi tích trữ chờ thời.
Anh Khang kể, vợ chồng tự mày mò vào facebook, zalo quảng cáo sản phẩm, bán online. Thậm chí vào cả các sàn giao dịch thương mại điện tử đăng ký tài khoản để bán hàng. Ban đầu, khách còn ít, sau đó cứ tăng dần lên, cả khách lẻ và khách sỉ đua nhau đặt mua, chẳng mấy hết sạch.
Ông Nguyễn Thanh Tân - chủ trang trại nuôi lươn lớn ở Vĩnh Long từ vài năm nay đã quảng bá và bán sản phẩm nhiều hơn trên các mạng xã hội, đặc biệt là trên website mình lập ra; nhờ đó mở rộng được lượng khách. Không chỉ khách trong nước, nhiều khách là Việt kiều cũng hỏi mua hàng.
Với 99% lượng khách đặt mua hàng online, mỗi năm, ông Tân xuất ra thị trường 3 triệu con giống, 12 tấn lươn thương phẩm, tổng giá trị khoảng 9 tỷ đồng, cho lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng. Năm 2021, năng suất lươn giống tăng lên 10 triệu con cùng 100 tấn lươn thương phẩm, ông dự kiến thu về 35 tỷ, lợi nhuận trên 10 tỷ đồng.
Để hội nhập và phát triển trong bối cảnh kinh tế số, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TW, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, không thể quên việc đào tạo nông dân. Kinh tế số, thương mại điện tử trong nông nghiệp chính là công cụ và con đường rất hiệu quả để giúp nông dân Việt Nam rút ngắn khoảng cách trong chuỗi cung ứng thông qua các khâu phân phối.
Thực tế, dù đạt được nhiều thành tựu, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, xuất khẩu nông sản liên tiếp lập kỷ lục, song sản xuất nhỏ lẻ và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn là “căn bệnh trầm kha” của nông nghiệp Việt Nam.
Thế nên, bên cạnh việc đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số được kỳ vọng là "thang thuốc" hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt. Đây không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là hành trình xuyên suốt, liền mạch để thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp. Hướng tới nền nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số, tập trung nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ 4.0, thử nghiệm mô hình nông nghiệp cao sử dụng các nền tảng 4.0.
Theo Tâm An (VietNamNet)