Giảm nhiệt, đồng loạt rao bán
Nằm trên các trục đường chính quanh khu công nghệ cao Hòa Lạc như xã Bình Yên, Tân Xã, Thạch Hòa, thuộc huyện Thạch Thất và xã Phú Cát (Quốc Oai) có địa thế đẹp, là nơi các nhà đầu tư bất động sản thường đổ đến tìm cơ hội.
Thị trường bất động sản Hòa Lạc chứng kiến nhiều lần nổi sóng. Cuối năm 2020 là thời điểm giá đất Hòa Lạc được đẩy lên cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm tăng giá chóng mặt, giá đất bắt đầu trầm lắng, lượng giao dịch sụt giảm. Nhiều nhà đầu tư chưa kịp thanh khoản chốt lời lâm vào cảnh đọng vốn hàng tỷ đồng.
Chị Khánh Linh, một môi giới đất Hòa Lạc, cho hay, lượng ký gửi bán tăng cao bắt đầu từ giữa năm 2021. Nhà đầu tư chưa thanh khoản sẽ còn phải đọng vốn dài. Tới nay, đất nền Hòa Lạc vẫn chưa thấy tín hiệu nóng trở lại.
“Chưa xuất hiện hiện tượng nhà đầu tư bán tháo để thu hồi vốn”, chị Linh nói.
Anh Võ Quang Hải, một nhân viên lập trình tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, đang bị chôn vốn vào đất tại đây khi mua lô đất rộng 60 m2 từ cuối năm 2020, giá 11 triệu đồng/m2 tại Đồi Sen, xã Bình Yên. Anh kể, chỉ sau hai tháng kể từ thời điểm mua, anh đã lời 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, kỳ vọng giá đất Hòa Lạc còn tăng nữa nên anh quyết không bán. Đến nay, sau 2 năm anh vẫn chưa bán được.
Lãi to nhưng hiếm người thu được tiền
“Thời điểm tháng 8/2021, bất động sản Hòa Lạc nóng trở lại do Hà Nội hết giãn cách xã hội. Khi đó, trị giá lô đất được đẩy lên gấp đôi. Mình nghĩ với số lãi đó đã thỏa mãn rồi nên nhấc máy liên hệ với một số cò đất nhờ bán hộ, nhưng kể từ đó đến nay hơn 6 tháng vẫn im hơi lặng tiếng”, anh nói.
Vợ chồng anh Tuân chị Hương ngụ tại thôn 2 xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất cũng lao vào đầu tư tại thời điểm 2 tháng trước Tết Nguyên đán vừa qua. Không tìm hiểu kỹ nên anh chị đã thế chấp cả sổ đỏ, vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng, đến giờ cũng bị găm vốn do không thể bán được.
“Cũng tại bấy lâu không tìm hiểu kỹ, hàng ngày chứng kiến những cuộc giao dịch rất sôi động được các cò đất khoe trên mạng, tưởng đất vẫn còn rất sốt. Bây giờ bập vào, giá thì không lên, muốn bán hòa vốn cũng không ai mua, hàng tháng phải nai lưng trả lãi vay ngân hàng”, anh Tuân than thở.
Còn chị Hiền, ngụ tại xã Bình Yên, Thạch Thất cũng bị mắc kẹt gần 2 tỷ đồng khi đầu tư chung với một số bạn bè cho một lô đất rộng hơn nghìn mét vuông, trị giá gần 5 tỷ đồng ở Tân Xã, Thạch Thất vào tháng 4/2021.
“Thời kỳ Hòa Lạc sốt đất, trung bình mỗi tháng có thể chốt lời 200 triệu/lô là chuyện bình thường, sau rồi quay sang đầu tư những lô có tiềm năng khác. Cứ nhiều lần lướt sóng như vậy, vốn cũng dầy lên. Nhưng đến khi đầu tư góp chung để làm quả lớn thì rơi vào thời kỳ chững giá, đăng tin bán vài tháng nay chưa bán được. Cả nhóm méo mặt vì mắc kẹt hơn 5 tỷ đồng”, chị Hiền chia sẻ.
Theo chị Hiền, đất Hòa Lạc nhìn chung nóng lên quá nhanh. Đơn cử một số xã gần khu công nghệ cao Hòa Lạc, như Tân Xã, Binh Yên, Yên Trung, Tiến Xuân, giá những lô rộng cả nghìn m2 thuộc diện đất trồng cây cách đây 2 năm cũng chỉ 2-3 triệu đồng/m2, nay được phân lô chia nhỏ để bán. Nhiều lô có vị trí đẹp có thể đến 25 triệu đồng/m2.
Hiện tại, những lô đất được phân lô có diện tích 60-80m2 ở các xã Bình Yên, Tân Xã, huyện Thạch Thất, có địa thế nằm sát Khu công nghệ cao Hòa Lạc, giá vẫn duy trì từ 17-25 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Còn với khu tái định cư Phú Cát, Hòa Lạc dao động từ 27-36 triệu đồng/m2 do đã được quy hoạch.
Theo phân tích của một số nhà đầu tư, với giá đất Hòa Lạc thời điểm hiện tại họ cảm thấy mất an toàn, bởi tiềm năng phát triển của Hòa Lạc chỉ dựa vào khu công nghệ cao và lượng công nhân và sinh viên Trường Đại học FPT đang sinh sống trên địa bàn. Nếu lấy đó làm cơ sở để đầu tư sẽ rất nguy hiểm.
Thị trường bất động sản Hòa Lạc hiện không còn cảnh dòng xe ôtô đỗ dài trên các con đường làng và các quán cafe chật cứng nhà đầu tư như thời còn sôi động. Thay vào đó, chỉ còn nhóm lẻ những nhà đầu tư mang tâm lý e ngại, thăm dò thị trường.
Theo Anh Vũ (VietNamNet)