Cụ thể, 8 dự án bất động sản không có trên địa bàn, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chưa đủ cơ sở pháp lý, không đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản gồm: Dự án Green Oasis Hòa Bình - Lương Sơn; Dự án Beverly Hill - Lương Sơn Hòa Bình; Dự án Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp; Dự án Sun Legend Villa - Đà Bắc Ecolodge; Dự án Mountain Villa - Lương Sơn; Dự án Kai Village Resort tại cầu Mè, xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình; Dự án Ohara Villas &Resort, xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình; Dự án The Moon Village tại xã Yên Quang, thành phố Hòa Bình.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng điểm mặt 25 dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, ký hợp đồng thực hiện dự án, cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện được huy động vốn, chuyển nhượng và kinh doanh bất động sản.
Trong đó, địa bàn TP Hòa Bình có 18 dự án, gồm: Khu dân cư nông thôn và tái định cư tại Đồng Trám, xóm Miều, xã Trung Minh; Khu dân cư số 3, số 4; Khu dân cư tại tổ 7, phường Đồng Tiến; Khu dân cư tại phường Thái Bình; Khu dân cư Thịnh Lang; Khu đô thị Thống Nhất tại xã Thống Nhất; Khu dân cư Phương Lâm; Khu đô thị mới Hòa Bình - Geleximco tại phường Thịnh Lang và phường Tân Hòa; Khu đô thị sinh thái Trung Minh Geleximco tại xã Trung Minh; Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc tại xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn;
Khu đô thị sinh thái cao cấp Yên Quang tại xã Quang Tiến; Khu nhà ở Hoàng Vân Hòa Bình, phường Thịnh Lang; Khu dân cư đường Trương Hán Siêu, phường Thịnh Lang; Khu đô thị mới Sông Đà - Hòa Bình tại phường Thái Bình và xã Dân Chủ; Khu đô thị mới Trung Minh A, xã Trung Minh; Khu đô thị mới Trung Minh B, xã Trung Minh; Khu nhà ở Thăng Long Xanh tại xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn; Dự án Nhà ở xã hội cho công nhân mua, thuê và thuê mua (giai đoạn II), phường Hữu Nghị.
Huyện Lương Sơn có 6 dự án, gồm: Khu nhà ở Suối Sếu, xã Nhuận Trạch; Khu nhà ở tại xóm Mỏ, thị trấn Lương Sơn; Làng sinh thái Việt Xanh, xã Tân Vinh; Khu nhà ở nghỉ dưỡng và dịch vụ tổng hợp tại Tiểu khu 1 và Tiểu khu 2, thị trấn Lương Sơn; Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn tại xã Tân Vinh; Khu dân cư tại Tiểu khu I, thị trấn Lương Sơn.
Huyện Yên Thủy có 1 dự án là Khu dân cư khu phố 10, thị trấn Hàng Trạm.
Cũng tại văn bản, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện có 6 dự án chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án đấu giá quyền sử dụng đất. 18 dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng đã đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản.
Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình cảnh báo người dân không giao dịch đối với các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh để tránh rủi ro. Các tổ chức, cá nhân có bằng chứng về việc ký hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ, mua bán sản phẩm dự án không đủ điều kiện kinh doanh, đề nghị cung cấp cho Sở Xây dựng hoặc các cơ quan liên quan để xem xét xử lý.
Sở cũng khuyến nghị, trường hợp các tổ chức, cá nhân có bằng chứng về việc ký hợp đồng đặt cọc giữ chỗ mua bán sản phẩm dự án giữa khách hàng và chủ đầu tư khi không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật, đề nghị cung cấp về Sở Xây dựng hoặc các cơ quan có liên quan (Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố nơi có dự án rao bán) để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Trong thời gian qua, Hoà Bình được đánh giá là một trong những địa phương mới nổi được quan tâm của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Chia sẻ tại một toạ đàm về thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình mới đây, chuyên gia bất động sản cho rằng, giá bất động sản tại đây đang bị đẩy lên bất thường. Nhiều vùng tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… đồng thời, giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó.
Cũng theo vị chuyên gia Hòa Bình đang là một trong những địa phương bị đẩy giá bất động sản bất bình thường. Nguyên nhân cũng một phần là do thiếu nguồn cung. Thực tế, Hoà Bình cũng như các địa phương khác đang có nhiều dự án gặp khó pháp lý nên chưa thể ra hàng.
Nêu ý kiến tại toạ đàm, ông Đoàn Tiến Lập, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình) cho biết, do trong năm vừa qua Hòa Bình nổi lên với lan đột biến nên thu hút rất nhiều người vào chơi lan. Điều này đã khiến nhiều người dân đổ xô đi mua đất trồng lan.
Ngoài ra, theo các báo cáo, giao dịch bất động sản tại Hòa Bình đang không nhiều, nên nếu giá có bị “đẩy” lên cao thì cũng sẽ không ai mua do người dân, nhà đầu tư ngày nay dân trí đã cao, am hiểu về thị trường bất động sản.
Cũng theo ông Lập, địa phương này đang gặp vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng.
“Nhiều người dân thắc mắc mức đền bù cao nhất hiện nay là 285.000 đồng/m2 (đất lúa), đất lâm nghiệp khoảng hơn 200.000 đồng/m2 nhưng các nhà đầu tư bán mười mấy triệu đồng một mét vuông. Tuy nhiên, người dân họ không tính đến chi phí nộp cho nhà nước, chi phí đầu tư nên vẫn không chấp nhận đền bù”, ông Lập nêu thực tế.
Cùng với đó, ông Lập cũng cho biết, vướng mắc nữa là nhà đầu tư làm thật rất ít, năm 2017, địa phương đã kêu gọi nhà đầu tư lớn đầu tư vào Hoà Bình nhưng họ đều lắc đầu, sau tỉnh phải thu hút cả nhà đầu tư nhỏ, dự án 5ha cũng tổ chức đấu thầu, 4.000 - 5.000m2 vị trí đẹp cũng đấu thầu.
Theo Thuận Phong (VietNamNet)