Vừa chọn đồ, chị Hoàng Tuyết Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa quay video call cho người thân ở nhà xem. Chị Mai cho hay, năm nào chị cùng mẹ chồng và các con đi siêu thị dịp này để mua đồ cho gia đình dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh nên chị đảm nhiệm đi siêu thị mua đồ cho cả gia đình chồng và nhà mình. Mặc dù đã lên danh sách những món đồ cần mua nhưng chị vẫn cẩn thận gọi điện về cho mẹ chồng ở nhà xem để bà chọn thêm.
Mua nhiều, còn phải lo gói và chuyển cho nhiều gia đình nên sáng sớm chị đã đội mưa đi sắm đồ mà quá trưa vẫn chưa xong. Không dám ăn uống ở siêu thị, chị nhịn luôn bữa trưa để kịp đóng gói, chuyển đồ về cho các gia đình.
Theo chị Mai, năm nay ảnh hưởng của dịch nên nhiều người có xu hướng mua từ sớm hoặc hạn chế đi siêu thị đông đúc. Tuy vậy, vào giờ cao điểm vẫn siêu thị gần như chen kín, phải chờ lâu mới được thanh toán. Lúc quá trưa, nhiều người chưa ăn, nhịn đói kiên nhẫn chờ thanh toán, đóng gói và gọi xe chuyển đồ.
Khảo sát của phóng viên tại các siêu thị ở Hà Nội, lượng khách hàng tới mua sắm những ngày giáp Tết nguyên đán có tăng nhưng không quá ùn tắc như mọi năm. Người dân đi siêu thị vẫn thực hiện quét mã QR code để khai báo y tế, đeo khẩu trang.
Ngành hàng thực phẩm tươi sống, hoa quả, bánh kẹo, nước giải khát, rượu bia được nhiều người tiêu dùng quan tâm tìm mua. Các siêu thị cũng tăng cường lượng hàng để đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời. Bên cạnh, các mặt hàng trong nước, nhiều hoa quả ngoại, bánh kẹo ngoại cũng được bày bán.
Về giá cả, các mặt hàng đều được niêm yết giá rõ ràng, không có hiện tượng chặt chém dịp Tết. Nhằm kích cầu tiêu dùng, các siêu thị cũng đưa ra các chương trình khuyến mại ở một số ngành hàng.
Các siêu thị cũng đã tăng cường các quầy thanh toán nhằm tránh việc chờ đợi mệt mỏi của người dân. So với mọi năm, thanh toán không tiền mặt như thẻ ngân hàng, qr code được người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn.
Theo Ngọc Cương - Anh Tú (VietNamNet)